Người trợ giảng đặc biệt

Đăng bởi Châu Huynh TC/báo Giáo dục và Thời đại

24/03/2020 20:08

Câu châm ngôn “Đứng sau nhiều người đàn ông tuyệt vời thường là những người phụ nữ không kém phần tuyệt vời” quá đúng với trường hợp bà Vera, vợ của nhà văn Nga nổi tiếng Vladimir Nabokov. Bà đã dành 52 năm cuộc đời mình cho chồng. Thi hài bà yên nghỉ dưới một phiến đá với dòng chữ: “Người vợ, nàng thơ và trợ lý văn học”.

Vladimir Nabokov và Vera Slonim.

Người đồng hành        

Trong suốt 10 năm (1948 - 1959), Giáo sư gốc Nga Vladimir Nabokov trở nên quá nổi tiếng ở Đại học Cornell, Mỹ. Khác với những giảng viên khác, Nabokov thích phê phán các thiên tài trước mặt sinh viên. Ví dụ, ông khẳng định rằng “Anh em Karamazov” là một tiểu thuyết rất tệ hoặc Cervantes không hiểu biết bối cảnh thời đại trong đó diễn ra câu chuyện “Don Quijote”- (Đôn kihôntê). Có thể, những nhận xét gần như mang tính scaldal đó đã khiến ông trở nên hấp dẫn trong con mắt của các sinh viên trẻ.

Tuy nhiên, điều khiến mọi người xì xào bàn tán nhiều nhất về Nabokov là ông không bao giờ đến lớp một mình. Ngồi sau tay lái chiếc “Oldsmobile” chở ông tới trường bao giờ cũng là một phụ nữ tóc bạc phơ. Sau khi đỗ xe, bà đưa tay cho giáo sư khoác và dẫn ông vào giảng đường. Đôi khi bà ngồi đâu đó ở hàng ghế thứ nhất hoặc trên bục giảng, bên trái Nabokov. Suốt cả giờ giảng, người đàn bà bí ẩn ngồi im lặng.

Có người nói rằng, bà giống như là vệ sĩ của ông và trong túi xách của bà có một khẩu súng lục để phòng xa. Lại có người nói bà là chướng ngại vật để các cô sinh viên trẻ không tiến lại quá gần giáo sư. Điều thú vị là đôi khi bà giúp chồng hỏi thi sinh viên. Một lần, bà đã giảng bài thay Nabokov.

Vera Slonim là một phụ nữ phi thường. Bà sinh năm 1902 ở Petersburg, trong một gia đình trí thức Do Thái giàu có. Năm 1920, khi chính quyền Xô Viết được thiết lập ở nước Nga, gia đình Vera đã rời bỏ đất nước. Sau khi đi qua rất nhiều nước ở châu Âu, gia đình bà quyết định dừng chân ở Berlin. Tại thủ đô của nước Đức, Vera gặp Vladimir Nabokov, chàng trai xuất thân từ một gia đình Nga giàu có.

Nước Mỹ - Bàn đạp cho vinh quang

Ngay từ đầu, Vera đã tin ông là một nhà văn thiên tài vì vậy cần phải bằng mọi giá giúp ông thể hiện tài năng tiềm ẩn này với thế giới. Vera tốt nghiệp Đại học Sorbonne với tấm bằng xuất sắc, chuyên ngành ngôn ngữ hiện đại. Nhưng không một chút do dự bà đã bỏ chuyên môn của mình để giúp đỡ chồng. Bà cẩn thận đánh máy lại, cắt dán, trau chuốt và gìn giữ những trang viết của chồng. Bà tin rằng với sự trợ giúp của bà, cuối cùng chúng sẽ tạo ra một giá trị chân chính không thể chối cãi.

Năm 1937, hai vợ chồng Vera rời Berlin, đó là thời điểm hầu như ai cảm nhận thấy chiến tranh thế giới thứ hai sắp bùng nổ. Vera thuyết phục Vladimir chuyển đến New York (Mỹ) - mảnh đất mở ra trước mắt họ con đường dẫn tới vinh quang. Và quả thật, 20 năm sau vinh quang đó đã đến với họ. Ở Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, đối với Nabokov công việc của Vera quan trọng hơn bao giờ hết.

Bà không nhìn nước Mỹ như một nơi để nghỉ ngơi, mà thấy ở đó bàn đạp để quảng bá những tác phẩm của chồng mình, công bố và phổ biến chúng. Ngay cả khi bị bệnh viêm phổi, bà vừa nằm trên giường vừa đánh máy bản thảo của chồng. Bà không cho phép chồng phút nào ngơi nghỉ công việc sáng tác, mặc dù đôi khi họ cũng bị nợ nần thúc ép.

  Nhà văn Vladimir Nabokov.

Làm tất cả vì chồng

 Có thể nói, đóng góp của Vera vào nền văn học thế giới rất lớn và không thể chối cãi, bởi vì chính bà đã cứu kiệt tác “Lolita” thoát khỏi ngọn lửa trong nghĩa đen của từ này. Nguyên do là khi bị kiệt sức vì công việc và hoài nghi, Nabokov đã ném tập bản thảo vào bếp. Vera đã làm tất cả để cứu cuốn tiểu thuyết khỏi ngọn lửa. Ngoài ra, như bà từng thú nhận, bà sợ rằng ký ức về cuốn tiếu thuyết dang dở sẽ giày vò Vladimir suốt đời, và bà không thể nào chấp nhận điều đó. Tất nhiên, đây không phải là hình thức giúp đỡ chồng duy nhất của Vera.

Bà lái chiếc ô tô gia đình như một tài xế trung thành của nhà văn, ký kết hợp đồng với các nhà xuất bản. Bà tỏ ra không kém phần chặt chẽ so với các đại lý văn học nhà nghề khắt khe nhất, thậm chí bà thu thập tư liệu cho các tác phẩm tương lai của ông. Ví như bà ghi lại hồi ức về những năm đầu đời của con trai họ để sau đó Vladimir có thể viết cuốn ”Ký ức, hãy lên tiếng”. Hơn nữa, Vera thậm chí đã sửa những truyện ngắn chồng viết bằng tiếng Đức và thơ viết bằng tiếng Ý. Còn khi  đã gần 80 tuổi, bà bắt đầu dịch cuốn “Lửa nhạt” ra tiếng Nga.

Vera biết rất rõ rằng con người sáng tạo cần được yên tĩnh, vì vậy bà đã làm tất cả để cuộc sống của Vladimir trở nên thoải mái. Khác với những nhà văn vốn cho rằng tất cả mọi người phải phục vụ, thậm chí hầu hạ tài năng của họ, Vladimir trân trọng sự giúp đỡ và ủng hộ của vợ, không tiếc những lời yêu thương dành cho bà.  

 Vladimir Nabokov qua đời năm 1977, Vera sống đến năm 1991, sau ông gần 15 năm. Nhưng bà không sử dụng những năm này để nghỉ ngơi. Ngược lại, bà đã dành thời gian cho một công việc cực kỳ vất vả mà mọi người mong đợi ở bà. Bà thận trọng xem xét từng bản dịch, từng ấn phẩm mới xuất bản của Nabokov. Ngoài ra, bà tiếp tục dịch các tác phẩm của chồng ra tiếng Nga.

Cuộc hôn nhân phi thường

Không nghi ngờ gì nữa, sẽ có những nhà nữ quyền cho rằng Vera là một nô tỳ, chứ không phải vợ của Nabokov. Do đó tài năng của Vladimir Nabokov sống ký sinh trên sự tận tụy của Vera. Chắc chắn, sẽ có không ít người khẳng định người phụ nữ này chiếm một vị trí to lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn. Có người còn khẳng định Vera là đồng tác giả các tác phẩm của chồng. 

Có lẽ, cả hai quan điểm trên đều có lý do tồn tại. Tuy nhiên, rốt cuộc tình yêu là tình cảm đa dạng, nó thường không bị giới hạn trong những khuôn mẫu quen thuộc nào đó. Và không ai có thể phủ nhận, Vladimir và Vera là những con người cực kỳ hạnh phúc trong suốt 52 năm cuộc sống gia đình của họ. Đó chẳng phải là một điều kỳ diệu?

Cuộc sống thay đổi của bộ tộc tách biệt với thế giới Cuộc sống thay đổi của bộ tộc tách biệt với thế giới

Indonesia Những ngôi nhà trên cây cao 8-12 m từng là nơi sinh sống của thổ dân Korowai, nhưng nay được dựng lên chỉ để phục vụ du khách.

Bí quyết sống thọ của người Azerbaijan Bí quyết sống thọ của người Azerbaijan

Shirali Muslumov, một người chăn cừu tại làng Lerik, được cho là từng sống đến 168 tuổi và hiện con gái ông đã 95.

Châu Huynh TC/báo Giáo dục và Thời đại
Bạn đang đọc bài viết "Người trợ giảng đặc biệt" tại chuyên mục Thư viện - Truyền thông. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.