Đã thưa vắng lại yếu kịch bản
Nhắc đến phim cổ trang, điện ảnh cổ trang, khán giả quốc tế và trong nước cơ bản vẫn cho rằng: Đó là thể loại thế mạnh riêng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…. Phim cổ trang của các quốc gia này có kịch bản và nội dung phong phú, màu sắc văn hóa riêng, có sự công phu trong dàn dựng và tính cổ trang được xem là không thể trộn lẫn vào đâu giữa các yếu tố đan cài của lịch sử, điện ảnh và nghệ thuật.
Trong khi đó, thể loại này ở Việt Nam lại thưa vắng, mà nếu có, cũng chỉ là những bước đi hết sức dò dẫm, vừa đi vừa thử nghiệm. Bởi làm phim cổ trang ở Việt Nam chúng ta thiếu rất nhiều thứ. Từ việc chuyển thể một kịch bản nhuần nhuyễn, đến kinh phí đầu tư, đến kỹ thuật làm phim, bối cảnh và đạo cụ và khó khăn nhất là đảm bảo được yếu tố điện ảnh hài hòa yếu tố lịch sử. Chưa kể, khi một bộ phim đã sản xuất xong, ngóng đợi phản ứng của khán giả đôi khi phụ thuộc vào “may rủi”, doanh thu của những phim đầu tư lớn lại không được như kỳ vọng, ấy là chưa kể, còn vô số những tranh cãi, lùm xùm có thể phát sinh xung quanh bộ phim.
“Thiên mệnh anh hùng” (phim của đạo diễn Victor Vũ) từng nhận được rất nhiều khen ngợi, đánh dấu màn chào sân của Victor Vũ đối với điện ảnh Việt khoảng 10 năm trước. Dù được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng bộ phim chỉ thu được khoảng 25 tỷ đồng khiến nhà sản xuất công bố phim lỗ hơn 10 tỷ đồng. Bộ phim cổ trang - giả tưởng “Lửa Phật” (đạo diễn Dustin Nguyễn) được đầu tư 15 tỷ đồng nhưng doanh thu chỉ khoảng 10 tỷ đồng… Chưa kể, “Lửa Phật” có thời gian “thai nghén” lên đến 5 năm, cộng với dàn diễn viên tên tuổi và thực lực, tốn rất nhiều tâm sức nhưng nội dung vẫn gây tranh cãi, nhiều khán giả lúc đó còn cho rằng: “Lửa Phật” giống như một cô gái khoác lên mình bộ váy áo đẹp đẽ nhưng… vô duyên.
Bộ phim duy nhất thể loại cổ trang có doanh thu khả quan là “Tấm Cám chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân. Tuy nhiên nhiều khán giả cũng cho rằng, chất lượng phim không xứng tầm doanh thu, kỹ xảo chưa đẹp, diễn xuất của các diễn viên trẻ non kém. Cái duy nhất bộ phim là được là… chiến lược PR quá tốt.
Hàng năm, có khoảng 30 đến 40 phim điện ảnh Việt được sản xuất, nhưng các thể loại hài, tình cảm lãng mạn hay hành động, kinh dị, phim remake (làm lại) chiếm đa số. Phim cổ trang đếm đi đếm lại chưa nổi con số một bàn tay. Năm 2019, “Trạng Quỳnh” của đạo diễn Đỗ Đức Thịnh chiếu Tết từng được kỳ vọng nhưng cuối cùng, doanh số không bao nhiêu, chưa kể, rất nhiều lùm xùm xung quanh về diễn viên, về các chi tiết hài đồng tính vô duyên đã khiến phim mất điểm trầm trọng.
“Trạng Tí” với sự góp mặt của Ngô Thanh Vân trong vai trò sản xuất đang nhận được nhiều đón đợi của khán giả trong năm 2020. Ảnh: Đoàn làm phim
Nỗ lực vượt khó
Phim cổ trang rõ ràng đến thời điểm này đối với điện ảnh Việt vẫn là thể loại khó. Tuy nhiên, các nhà làm phim Việt Nam vẫn nỗ lực “vượt khó” để cho ra mắt các sản phẩm mới. Đáng lưu ý là năm nay, số lượng các dự án phim cổ trang tăng lên, chưa kể, có những tên tuổi sản xuất phim và đạo diễn phim chất lượng để cho khán giả có thêm lý do đón đợi phim ra mắt.
Sắp tới sẽ có một số bộ phim chuyển thể từ những câu chuyện cổ tích, truyện tranh, văn học nổi tiếng gắn liền với tuổi thơ của người Việt ra rạp. “Trạng Tí” do Ngô Thanh Vân sản xuất, Phan Gia Nhật Linh đạo diễn vừa công bố trailer, hé lộ nhiều hơn về các nhân vật chính. Qua những hình ảnh đầu tiên về phim, bộ tứ Tí - Sửu - Dần - Mẹo mặc các trang phục dân dã, mái đầu ba vá, đúng với tạo hình nhân vật trong truyện tranh Thần đồng đất Việt. Nội dung phim lấy bối cảnh thời Hậu Lê, nhưng những sự kiện xảy ra không trùng lặp với thực tế mà góp nhặt nhiều sự kiện, điển tích khác nhau của lịch sử Việt Nam. Phim sẽ khởi chiếu vào ngày 1-5. Với sự bảo chứng của Ngô Thanh Vân trong vai trò nhà sản xuất, khán giả hi vọng rằng “Trạng Tí” thực sự sẽ được chau chuốt về nội dung, bối cảnh. Ngô Thanh Vân mấy năm trởi lại đây vốn mát tay ở nhiều vai trò, trong đó có vai trò sản xuất. Phim có bóng dáng của Ngô Thanh Vân đa phần kỹ lưỡng, chỉn chu, đáng để mong đợi.
Khoảng cuối tháng 11-2019, từng có thông tin tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sẽ được chuyển thể lên màn ảnh rộng. Mới đây, nhà sản xuất Mai Thu Huyền lên tiếng xác nhận sẽ làm đạo diễn dự án này. Đây là dự án điện ảnh cô ấp ủ 10 năm qua. Phim sẽ chính thức bấm máy vào đầu tháng 4 và ra mắt khán giả vào cuối năm nay.
Còn nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh cũng vừa hé lộ teaser poster của bộ phim cổ trang - lịch sử có tên “Trưng Vương” (tựa tiếng Anh: She-Kings) nói về cuộc đời lẫy lừng của hai vị nữ vương nổi tiếng trong sử Việt là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Trương Ngọc Ánh sẽ đảm nhận vai trò đồng sản xuất, cùng Janet Ngô. Trước “Trưng Vương”, Trương Ngọc Ánh cũng đã thông tin sẽ kết hợp với đạo diễn Victor Vũ thực hiện bộ phim “Sơn Tinh Thủy Tinh: Chuyện chưa kể”.
Diễn viên - nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cho biết, sẽ có những sáng tạo mới trong bộ phim về Hai Bà Trưng: “Dù đã làm việc với nhiều giáo sư sử học Việt Nam để tạo nên một bộ phim chỉn chu từ kiến trúc, trang phục, bối cảnh và câu chuyện liên quan đến Hai Bà Trưng, nhưng chúng tôi vẫn mong khán giả hiểu cho bộ phim sẽ có những sáng tạo mới, chẳng hạn về trang phục, không thể giống hoàn toàn với tư liệu lịch sử".
Thực tế là làm phim cổ trang vẫn nhiều rủi ro, những khó khăn về kinh phí, về kịch bản về bối cảnh… qua năm tháng vẫn chưa bớt đi. Nhưng các nhà sản xuất phim đang vượt khó, khắc phục khó khăn để chọn kịch bản phim phù hợp, cộng với sự tiến bộ về kỹ thuật làm phim để tạo ra những sản phẩm điện ảnh đa dạng về thể loại và nội dung hơn cho khán giả thưởng thức.