Từng xem những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi khá thích. Và giờ đây, thêm một tác phẩm nữa của ông được chuyển thể sang một thể loại mới - Nhạc kịch (Broadway), một hình thức sử dụng diễn xuất bằng lời thoại, khiêu vũ (nhẩy, múa) và âm nhạc để kể một câu chuyện, thay vì chỉ đối thoại và diễn xuất như trong kịch nói.
"Trại hoa vàng" là câu chuyện vui, buồn, nghịch ngợm của Chuẩn, Cẩm Phô và nhóm bạn học cùng trường. Tác phẩm khắc họa những chàng trai, cô gái mới lớn với tình bạn, tình yêu tuổi học trò trong sáng, hồn nhiên, vô tư và tràn đầy mộng ước. Xoay quanh câu chuyện của Chuẩn, một chàng trai có tình yêu đặc biệt dành cho thiên nhiên và đặc biệt là tình yêu Hoa với một ước mơ cháy bỏng là biến khu vườn của gia đình thành một nông trại Hoa rực rỡ sắc màu.
Dựa theo cốt truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ban đầu, Đạo diễn Lê Ánh Tuyết chỉ muốn dựng lại một câu chuyện thật đẹp, lãng mạn dành cho tuổi teen và đưa khán giả của Nhà hát quay trở lại ký ức của tuổi trẻ. Tuy nhiên, làm cách nào đưa khán giả đến với Nhà hát trong thời điểm hiện tại với vô vàn khó khăn đã khiến Tuyết nẩy ra những ý nghĩ táo bạo khi kết hợp với Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thực hiện vở diễn theo một chiều kích mới.
Mang câu chuyện “Trại hoa vàng” Lê Anh Tuyết kể với Lê Anh Tuấn - Trung tâm dịch vụ việc làm và những trăn trở của mình, Tuyết đã nhận được từ Tuấn những chia sẻ: thực tế hiện nay khi nhiều bạn trẻ học xong có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng ra trường chưa chắc đã có cơ hội việc làm. Và họ đã gặp nhau ở một điểm: “phải thay đổi quan niệm giáo dục và hướng nghiệp bởi những khuôn phép xưa cũ, trước sự hội nhập quốc tế và sự phát triển của công nghệ 4.0”.
Là tác giả kịch bản, biên đạo Hoàng Trang cho biết: Cốt truyện “Trại hoa vàng” quá hay, vì thế phần kịch bản không cần phải thêm bớt gì cả. Tôi cố gắng bám sát cốt truyện bởi vốn dĩ nó đã đẹp rồi, và chỉ đưa thêm ý tưởng của Đạo diễn là lồng ghép thông điệp hướng nghiệp. Để làm được điều này, Tôi âm thầm lập một group thăm dò ý kiến của 1.000 bạn trẻ về những điều các bạn quan tâm đối với cơ hội việc làm cũng như lựa chọn giảng đường Đại học, để nắm bắt được tâm lý cũng như mong muốn của các bạn trẻ. Qua đó, có cái nhìn chân thực gần gũi và để chuyển tải được thông điệp về nghề nghiệp một cách nhẹ nhàng, tránh sự gượng ép, gò bó. Phá vỡ khuôn phép của hướng nghiệp dạy nghề bằng việc sử dụng nhưng câu thoại ngắn và đời nhất để bất cứ ai xem cũng cảm thấy ít nhiều có mình ở trong đó.
Trại hoa vàng uy tụ đông đảo các nghệ sĩ, diễn viên ca - múa - kịch với những tài năng diễn xuất như: Quang Trọng (vai nam chính Chuẩn), Yến My (vai nữ chính Cẩm Phô) hay Hoàng Du Ka, Ngô Lệ Quyên... trong không gian nghệ thuật ấm áp, đầy màu sắc, sôi động và lãng mạn bởi sự kết hợp của vũ đạo, trang phục và không gian mở qua màn hình led đã mang tới cho khán giả những khám phá tuyệt vời về một vở nhạc kịch vừa mang tính hàn lâm, những cũng rất rần gũi với tuổi trẻ, với cuộc sống đời thường bằng thông điệp "Hãy khám phá chính mình, sống có ước mơ và trọn vẹn với ước mơ ấy".
Những dấu ấn tạo nên thành công
Nếu nói “Trại hoa vàng” là vở Nhạc kịch thì cũng không hẳn đúng với khuôn phép của một vở diễn với đầy đủ các yếu tố và những đòi hỏi khắt khe của Broadway. “Trại hoa vàng” mang một phong cách hoàn toàn mới mà theo Đạo diễn Lê Ánh Tuyết thì vở diễn đã kết hợp giữa kịch nói, hát, diễn xuất gần giống với High school music và điểm nổi bật chính là việc sử dụng âm nhạc.
Không mạo hiểm viết phần âm nhạc mới hoàn toàn mà Đạo diễn Ánh Tuyết cùng Đạo diễn âm nhạc Huyền Trung đã quyết định chọn 9 ca khúc, là những bản hit, thậm chí có những ca khúc độc quyền như: Và thế là hết (Chilles), Thật bất ngờ (Mew Amazing - Lê Đức Hùng), Con đường tôi (Trọng Hiếu), Bohemian Rhapsody (ban nhạc Queen)… mà theo như đạo diễn thì: Âm nhạc là cách tốt nhất dẫn dắt các bạn trẻ tiệm cận gần hơn với một loại hình nghệ thuật mới. Điều đó cũng đặt lên vai Đạo diễn âm nhạc Huyền Trung trách nhiệm lớn lao trong việc sâu chuỗi nhiều phong cách khác nhau trong một tổng thể hài hòa. Nhạc sĩ Huyền Trung cho biết: “Thực hiện vở diễn mang hơi hướng của nhạc kịch là điều cả tôi và Ánh Tuyết hướng đến. Đó là lý do tôi cố gắng thông qua âm nhạc để thể hiện những lớp kịch có sự xuất hiện của nhiều diễn viên cũng như việc hòa âm, phối khí các bè trong phần nhạc đệm theo phong cách Broadway. Tôi sâu chuỗi 9 ca khúc với các màu sắc âm nhạc khác nhau từ: Pop, Rap, Ballade, thính phòng… với các tiết tấu: vui, buồn, chậm, nhanh, hứng khởi, thậm chí có một màn diễn với hình thức rhapshody”.
Ngay từ mở đầu vở diễn, “Trại hoa vàng” đã khiến tôi bất ngờ bởi phần âm nhạc và vũ đạo sôi động. Quả thực, mỗi lớp, mỗi cảnh, mỗi phần âm nhạc chuyển cảnh đã dẫn dắt tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác bởi sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như ca nhạc, kịch nói, vũ kịch, âm nhạc và điện ảnh. Có thể thấy không chỉ nội dung lời ca được Đạo diễn Lê Ánh Tuyết và nhạc sĩ Huyền Trung biên tập khá sát với nội dung tư tưởng vở diễn với những thông điệp cần truyền tải bằng những ca từ, những câu rap kết hợp thoại ngắn và có tính tạo “trend”, bắt “trend” tốt, nên khá cuốn hút người xem.
Phải nói rằng, phần âm nhạc tác giả đã hệ thống và kết hợp hài hòa bằng tiết tấu và những đường tuyến phát triển giai điệu mang những nét đặc trưng của nhạc kịch. Nghĩa là khán giả thấy những ca khúc quen thuộc đấy, nhưng vẫn có sự lạ lẫm, tươi mới. Mỗi câu nhạc, mỗi ca khúc như một tín hiệu riêng, đặc trưng của các lớp, màn trong khuôn mẫu của hình thức nhạc kịch, nhằm đưa ra tín hiệu của một sự dịch chuyển câu chuyện sang một tình tiết mới nhưng vẫn có sự gắn kết bằng cách xử lý tinh tế ở những câu nhạc bắc cầu logic và khá uyển chuyển, tạo sự liền mạch, nó cho người xem đầy phấn khích trước những màn diễn sôi động, nhưng cũng thật sâu lắng bởi sự chuyển động của một tác phẩm có cấu trúc tích hợp, thể hiện được nhiều tâm trạng, màu sắc và âm điệu tương phản cao. Một không khí của cảm hứng tự phát và cảm giác ngẫu hứng làm cho nó tự do hơn về hình thức so với một tập hợp các biến thể rất phức tạp và cả một màn kịch.
Hãy lan tỏa “Trại hoa vàng’ vì ý nghĩa xã hội tích cực
Nói tới dấu ấn tạo nên thành công của vở diễn đầu tiên phải kể đến vài trò của Đạo diễn - đó là Lê Ánh Tuyết. Từng là ca sĩ, rồi làm đạo diễn các Liveshow ca nhạc, nhưng Đạo diễn một vở nhạc kịch không đơn giản, song cái tài của Ánh Tuyết chính là việc lựa chọn và đặt niềm tin ở ê-kíp của mình. Chính sự đồng thuận của cả ê-kíp đã khiến “Trại hoa vàng” thăng hoa và người xem cũng thăng hoa cảm xúc khi lần đầu tiên, khán giả xem nhạc kịch đã vỗ tay không ngớt sau mỗi lớp, mỗi màn được khép lại, mở ra một chương mới.
Nếu như chỉ nghe thông điệp Hướng nghiệp từ “Trại hoa vàng" mà Thành đoàn Hà Nội dự kiến đưa vào triển khai trong Dự án Nhạc kịch hướng nghiệp "Chọn nghề trong muôn nghề" tại các trường THCS, THPT trên địa bàn Thủ đô, thì bạn sẽ nghĩ ngay đến một vở diễn khô cứng, giáo điều. Song, Lê Ánh Tuyết đã khiến người xem bất ngờ bởi cách xử lý thông tin, tình huống nhân vật thông qua các tình tiết đan xen được tính toán cẩn trọng vừa đủ cả về diễn xuất lẫn lời thoại và âm nhạc, kéo người xem về với thực tại của cơm áo gạo tiền từ những suy nghĩ cổ hủ, cố chấp của bậc làm cha, làm mẹ, tới những khát khao mơ ước có thể là viển vông hay chính đáng của con trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Tình huống chọn học đại học hay không học đại học; Chọn học nghề hay làm gì?... với những mâu thuẫn đan xen giữa cuộc sống thực tại, tương lai. Điều khiến chúng ta suy nghĩ và hành động khi còn chưa quá muộn, đó là hãy tránh áp đặt suy nghĩ của người lớn lên con trẻ, bởi những quan niệm nghề nghiệp, giáo dục gia đình đã không còn phù hợp. Suy nghĩ của giới trẻ cũng đã vượt ra khỏi những định kiến khuôn phép. Vì vậy, hãy tôn trọng ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ để chúng được tự do sáng tạo, tự do thể hiện bản ngả của mình.
Cái giỏi của đạo diễn Lê Ánh Tuyết là dùng những lát cắt mảnh (nhân vật ông bố tần tảo, lam lũ làm lụng vất vả, bằng mọi giá chỉ để kiếm tiền lo cho con ăn học) đan xen giữa các lớp kịch, để luôn nhắc nhớ về những hy sinh thầm lặng các bậc làm cha mẹ. Qua đó, con trẻ biết trân quý sức lao động của cha mẹ, từ đó hun đúc tình yêu quê hương, yêu thiên nhiên.
Chúng ta đều biết, cuộc sống không chỉ bó tròn trong khuôn thước giáo huấn của cha mẹ mà hãy để cho những ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ được bay cao, bay xa. Hãy chắp đôi cánh, tạo động lực để các em thỏa sức thể hiện bản thân. Hãy là những người thầy thông thái, nhen từ những mầm xanh, thúc đẩy chúng trưởng thành từ một cuộc sống bình dị, mơ ước giản đơn nhất, đến những khát vọng dấn thân để đạt được nguyện ước từ chính sức lực và trí tuệ của mình. Qua đó, thể hiện tình yêu trong trẻo và lãng mạn của tuổi trẻ. Tất cả những thông điệp cần truyền tải được thể hiện một cách rõ ràng và tạo được dấu ấn nhân vật điển hình. Vở diễn không chỉ hướng đến những khán giả trẻ, mà còn là chiếc vé cho chuyến tàu trở về thanh xuân của những bậc làm cha, làm mẹ trước sự xâm lấn và tác động tiêu cực của xã hội đương đại.
Theo Đạo diễn Lê Ánh Tuyết, sau đêm công diễn, “Trại hoa vàng” sẽ có 2 phiên bản: Phiên bản Nhạc kịch đậm chất điện ảnh, trước mắt sẽ được biểu diễn ở sân khấu 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội; Một phiên bản “Trại hoa vàng” sẽ được cắt gọn hơn để biểu diễn trong các trường THCS, THPT, phục vụ công tấc tuyển sinh, hướng nghiệp, dạy nghề.