Thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường khiến cơ thể rất dễ mắc bệnh cảm cúm. Y học hiện đại xếp loại bệnh do virus, bệnh dễ gây biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa... và dễ lây lan trong cộng đồng.
Người bệnh có biểu hiện ban đầu là nhức đầu, sổ mũi, hắt hơi, khó chịu. Khi bệnh nặng thấy rùng mình, gai rét, sợ lạnh, sợ gió, sốt cao (39 - 400C), đầu nhức, mắt đỏ, ra mồ hôi, đau nhức các khớp xương (nhất là lưng và xương sống) có khi ù tai, mắt nhức, ho khản tiếng kèm đau họng. Lúc này cần cách ly người bệnh từ 3 - 5 ngày; người tiếp xúc phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên đừng vội vàng sử dụng kháng sinh mà hãy thử những cách trị cảm cúm bằng nguyên liệu tự nhiên, an toàn ngay tại nhà.
Việc chăm sóc, giữ gìn sức khỏe là điều hết sức quan trọng, đặc biệt là vào lúc thời tiết giao mùa, vi khuẩn sinh sôi, nảy nở nhiều. Bên cạnh việc điều trị bệnh bằng các loại thuốc thì bạn nên nắm cho mình một số mẹo nhỏ dân gian, giúp điều trị nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.
Cháo hành, tía tô
Hành có tính sát khuẩn mạnh, được dùng để chữa cảm cúm rất nhạy. Tía tô cũng được coi là một loại kháng sinh tự nhiên giúp đánh bay cảm cúm đặc biệt hiệu quả. Trong dân gian mỗi khi cảm cúm người ta thường nấu cháo hành, tía tô để ăn, sẽ giúp giải cảm, trị cúm rất nhanh chóng. Bạn có thể nấu cháo trắng bằng gạo nếp rồi thái hành lá, tía tô cho vào quấy đều đến khi hành và tía tô chín tái rồi bắc ra ăn khi còn nóng cho vã mồ hôi ra sẽ rất nhẹ người. Qua đêm mô hồi toát ra nhiều, giải cảm cực linh nghiệm, người cảm thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều.
Uống nước gừng nóng
Trong gừng có chứa gingerol và shogaol có tác dụng trị cảm, thông mũi hiệu quả. Bên cạnh đó, gừng rất tốt cho hệ hô hấp, "đánh bay" viêm họng trong vòng một nốt nhạc. Chỉ cần cho vài lát gừng vào ấm nước đun sôi cùng ít đường phèn hay ít mật ong vào để uống. Uống 3 lần/ ngày sẽ giúp bạn giảm nhanh các triệu chứng cảm cúm mà không cần dùng đến các loại thuốc kháng sinh.
Sử dụng tỏi
Tỏi được coi là thần dược của người nghèo vì dược tính của nó là vô cùng lớn, chứa chất kháng viêm mạnh. Do đó, tỏi cũng được dùng như một loại thuốc kháng sinh tự nhiên để chữa cảm cúm. Bạn có thể giã nát 1 củ tỏi, cho vào một cái cốc, chế nước sôi vào rồi dùng một tờ giấy A4 khoang lại thành hình cái phễu, cắt thủng đầu nhọn, úp, phễu giấy lên cốc nước tỏi. Ghé mũi vào lỗ thủng trên đầu để xông hơi tỏi. Cách làm này sẽ giúp tinh chất của tỏi đi sâu vào vùng mũi họng của bạn nhanh chóng hơn là việc bạn chỉ giã nát tỏi rồi ngửi.
Uống chanh, mật ong
Chanh, mật ong từ lâu đã được biết đến là món đồ uống bổ dưỡng và có tác dụng phòng tránh và trị cảm rất công hiệu. Chanh chứa hàm lượng cao vitamin C giúp tăng sức đề kháng, trong khi mật ong có tính kháng khuẩn mạnh. Kết hợp hai nguyên liệu này sẽ mang lại món đồ uống có tác dụng đánh bay cơn cảm cúm nhanh chóng, đồng thời giúp hồi phục thể lực. Chanh vắt lấy nước cốt. Pha nước cốt chanh với nước ấm rồi thêm một muỗng mật ong vào khuấy đều. Nên uống khi còn ấm để phát huy tốt nhất hiệu quả.
Sử dụng lá húng chanh
Theo y học cổ truyền, húng chanh có vị cay, tính ấm mùi thơm, có tác dụng phát tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, có tác dụng giải cảm, chữa ho chữa cảm cúm, sốt không ra mồ hôi được,… Kinh nghiệm nhân dân thường dùng lá húng chanh tươi hoặc sắc uống. Ngoài ra Tinh dầu húng chanh còn được sử dụng kết hợp một số thảo dược khác để sản xuất thuốc trị ho, cảm cúm.
Cảm sốt, không ra mồ hôi: Húng chanh 20g, tía tô 15g, gừng tươi 5g (thái lát mỏng), cam thảo đất 15g. Sắc uống khi nước thuốc còn ấm để cho ra mồ hôi, chữa cảm lạnh ho, đau đầu, sốt không ra mồ hôi, miệng đắng: Lá húng chanh 15g, bạc hà 5g, tía tô 8g, gừng tươi 3 lát mỏng. Sắc uống ngày 1 thang.
Hoặc: Lá húng chanh tươi 50g, rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát, đổ rượu trắng lượng vừa xâm xấp, trộn đều, đậy kín. Nấu 1 nồi nước xông sôi, khi nước xông sôi thì cho bát húng chanh vào, đậy kín vung nấu sôi lại, cho người bệnh xông khoảng 5 - 10 phút, sau đó lau khô mồ hôi, thay quần áo khác và nằm nghỉ ở nơi kín gió. Không dùng xông cho trẻ em.
Xông hơi
Xông hơi là phương pháp dân gian rất hiệu quả trong việc điều trị cảm lạnh, sốt. Tác dụng dược lý của dược thảo kéo theo hơi nước ấm làm giãn mạch ngoại biên. Điều này giúp kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài. Một số loại lá thường được sử dụng như: lá chanh, sả, hương nhu, bưởi, tía tô, kinh giới, hoắc hương, quế, gừng, bạc hà, húng chanh, tre, dâu... Mỗi lần dùng 5-10 loại lá tùy điều kiện, tổng lượng khoảng 600-1000 g.
Cách làm: Rửa sạch các loại lá, cho vào nồi, thêm nước, đậy kín nắp và đun sôi. Khi nước sôi, bạn nên để thêm 5 phút rồi tắt bếp. Đặt nồi xông tại nơi kín gió. Cởi bỏ quần áo của người bệnh. Trùm chăn kín người bệnh cùng với nồi xông. Mở nắp từ từ để hơi trong nồi tỏa ra. Xông trong khoảng 10-20 phút. Khi thấy mồ hôi đã tiết ra khắp người thì dừng xông. Lau khô mồ hôi bằng khăn sạch. Uống một cốc nước ấm hoặc trà gừng để bổ sung lại lượng nước và tăng hiệu quả của việc điều trị.
Sử dụng tinh dầu tràm
Theo y học cổ truyền, lá tràm được dùng để chiết tinh dầu có vị cay chát, mùi thơm, tính ấm, vào hai đường kinh tỳ và phế, có công dụng hoạt huyết khu phong, an thần giảm đau, tiêu đờm sát khuẩn. Bởi vậy, tinh dầu tràm thường được dùng để phòng chống các chứng bệnh:
Chống cảm lạnh, tránh gió và tránh ho: Khi thời tiết chuyển lạnh, hãy hòa tinh dầu tram vào nước tắm. Có thể dùng dầu tràm thoa trực tiếp vào lòng bàn chân, thái dương... sau khi tắm, trước lúc ra ngoài trời lạnh và khi thời tiết thay đổi nhằm dự phòng các bệnh lý như cảm lạnh, viêm nhiễm đường hô hấp. Điều này đặc biệt có ích cho trẻ nhỏ kể cả các bé sơ sinh. Bé được tắm nước có pha loãng tinh dầu tràm sẽ giúp cho cơ thể được ấm áp, chống cảm lạnh, ho và muỗi đốt vì loại côn trùng này rất sợ tinh dầu tràm. Cần chú ý rửa mặt riêng để tránh dầu vào mắt bé.
Chống viêm nhiễm: Tinh dầu tràm pha với dầu thầu dầu với tỷ lệ 5 - 10% dùng nhỏ mũi để sát khuẩn, chống cúm, ngạt mũi. Để làm sạch không khí và tạo cảm giác dễ chịu trong nhà, bạn có thể cho vài giọt tinh dầu tràm vào chén nước nóng hoặc thấm vào miếng bông gòn đặt ở các góc nhà.