TP Hồ Chí Minh: Gần 20.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa Tết

Đăng bởi Bảo Ngọc

25/12/2020 17:05

Ngày 25/12, đoàn công tác liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bọ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có buổi làm việc với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp phân phối về tình hình cung ứng hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Dịp này, các doanh nghiệp thành phố đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 02 tháng Tết là 19.679,7 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020 (19.027,3 tỷ đồng).

Cung ứng đủ hàng hóa, kể cả trong điều kiện bất thường

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng Thành phố chủ yếu đến từ 03 nguồn chính: Các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường, chiếm từ 30% – 40% thị phần; Các chợ đầu mối (mặt hàng rau – củ – quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% – 70% thị phần; Các doanh nghiệp khác chiếm 10% – 20% thị phần.

Trong năm 2020, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số doanh nghiệp tham gia 04 Chương trình Bình ổn thị trường năm 2020 là 80 doanh nghiệp, trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Về nguồn vốn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố cam kết đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã kết nối 28.600 lượt cho 22.000 doanh nghiệp vay 448.570 tỷ đồng, tăng 18% so năm 2019.

tp-ho-chi-minh-gan-20000-ty-dong-chuan-bi-hang-hoa-tet
Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh

Để chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Tân Sửu 2021, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các sở ngành, làm việc với các doanh nghiệp để chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Cụ thể, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 02 tháng Tết là 19.679,7 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020 (19.027,3 tỷ đồng), trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng. Riêng Tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 01 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng từ 4,4% – 17,3% so với kế hoạch Thành phố giao và tăng 12% – 21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020.

Đặc biệt, trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, căn cứ Quyết định số 1115/QĐ-UBND, lượng hàng bình ổn thị trường sẽ được tăng cường, đảm bảo từ 35% - 50% nhu cầu thị trường.

Đồng thời, để bổ sung nguồn hàng Tết phục vụ người tiêu dùng Thành phố, Sở Công Thương Thành phố phối hợp Sở Công Thương các tỉnh, thành tổ chức thành công Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 (29 địa phương và 486 Doanh nghiệp các Tỉnh, thành phố tham gia, doanh thu đạt 40 tỷ đồng) và Hội nghị Kết nối cung – cầu giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành năm 2020. Nhờ đó, vào dịp Tết trên địa bàn thành phố sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý.

5355-cvd-7545-copy
Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho dịp Tết

Nhìn chung, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 01 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu trong 02 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết với giá cả không tăng, tương đương giá trị năm 2019 nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức mua và tiêu thụ của người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo. Các hệ thống phân phối lớn như: Sàigòn Co.op, Satra, Aeon – Citimart, BigC dự kiến tổ chức nhiều Chương trình khuyến mại giảm giá từ 5% – 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt...

Bộ Công Thương: Đảm bảo không thiếu hàng, sốt giá trong mọi tình huống

Để đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa Tết cho người tiêu dùng với giá cả ổn định, ngay từ cuối tháng 10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Chỉ thị số 15 /CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tại Chỉ thị này, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Ngay sau khi ban hành Chỉ thị, Bộ Công Thương đã liên tục có các buổi làm việc với các Bộ ngành, địa phương về việc cung ứng hàng hóa và giá cả hàng Tết.

Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, Bộ Công Thương nhận định, sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lượng lương thực, thực phẩm. Sức mua tăng do niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô khá tốt, cùng với thu nhập của người dân thời điểm cuối năm tăng. Với con số thông tin về nguồn cung hàng hóa từ các Bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, có thể tương đối yên tâm về nguồn cung hàng hóa cuối năm, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết và cuối năm.

Nhu cầu tiêu dùng của người dân về hàng hóa thiết yếu sẽ bắt đầu tăng cao vào 30, 31/1/2021 (rơi vào những ngày cuối tuần và là ngày 18, 19 tháng Chạp âm lịch) và vào ngày 6, 7/2/2021 (25, 26 tháng Chạp âm lịch), các nhà sản xuất, kinh doanh cần lưu ý trong việc chuẩn bị nguồn hàng.

Về giá cả, do nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cùng với các chương trình chuẩn bị Tết khá chu đáo sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Bộ Công Thương dự báo, giá hàng hóa năm nay sẽ không có biến động lớn.

Bảo Ngọc
Nguồn https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-gan-20000-ty-dong-chuan-bi-hang-hoa-tet-149977.html
Bạn đang đọc bài viết "TP Hồ Chí Minh: Gần 20.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa Tết" tại chuyên mục TIN TỨC. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.