Du khách quốc tế tham quan TP.HCM bằng xe buýt 2 tầng - Ảnh: Q.ĐỊNH
Đây là giải pháp đối phó tạm thời của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp ngành du lịch sẽ rơi vào tình huống "tiến thoái lưỡng nan".
Khuyến khích nhân viên nghỉ phép
Sáng 15-2, chị Thiên Thanh, nhân viên của một công ty du lịch ở TP.HCM, cho biết sẽ về quê do được công ty cho nghỉ phép hai tuần tới. Từ cuối tuần qua, công ty này đã triển khai chương trình làm việc luân phiên, nhân viên chỉ còn làm nửa ngày hoặc 3 ngày/tuần.
"Lãnh đạo nói dịch bệnh đã làm ngưng trệ mọi hoạt động của doanh nghiệp, nhân viên thiếu việc để làm nên ai còn phép thì cứ nghỉ theo chế độ, lương chưa bị ảnh hưởng lúc này" - chị Thanh cho biết.
Giám đốc nhân sự một khách sạn 5 sao ở Q.1 cho biết khách sạn đã ngưng tuyển dụng mới. Để ổn định nhân viên hiện hữu, khách sạn tranh thủ giải quyết phép và nợ ca, mọi hoạt động được điều tiết như mùa thấp điểm của ngành.
"Gia đình có con có thể ở nhà chăm con nhỏ đang nghỉ học nhưng thu nhập vẫn bình thường. Đó mới chỉ là phương án tạm thời. Còn về lâu dài diễn biến dịch chưa thể biết được sẽ kết thúc lúc nào, chúng tôi đang họp để lên kế hoạch đối phó mới" - vị này cho biết.
Nhiều doanh nghiệp cho biết đang chịu rất nhiều áp lực cùng lúc. Ngoài việc mất doanh thu vì hoạt động tour tuyến bị ngưng trệ còn phải gồng mình trả các chi phí lãi vay ngân hàng, tiền lương nhân viên cùng các khoản đền bù, hoàn trả cho khách do tour tuyến bị hủy.
Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Hòa Bình, cho biết dù dịch bệnh mới bùng phát gần một tháng nhưng hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nặng nề, ước tính mỗi ngày doanh thu thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Hệ sinh thái của doanh nghiệp từ khách sạn, nhà xe, tour tuyến... đều bị ảnh hưởng do du khách hủy tour, các hoạt động xã hội khác cũng bị xáo trộn.
"Khách Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 15% trong cơ cấu khách của doanh nghiệp nhưng các dịch vụ phục vụ du lịch như tàu thuyền, xe... giảm công suất hơn 50%. Dịch bệnh không chỉ làm mất trắng thị trường Trung Quốc mà còn làm sụt giảm nhiều nguồn khách khác. Chúng tôi có vài chục chiếc xe phục vụ đưa rước học sinh nhưng cả tháng nay học sinh nghỉ học, xe cũng nằm im, còn xe phục vụ du khách thì chờ xếp dài" - bà Hoa Lệ nói.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - trưởng phòng truyền thông - marketing Công ty TST Tourist - cho biết tuần qua công ty đã bắt đầu áp dụng chế độ làm việc nghỉ chiều từ thứ sáu, điều tiết lại nhân sự phù hợp với hoàn cảnh mới, chuyển sang chế độ trực online, nghỉ luân phiên.
"Chúng tôi vẫn hoạt động, có đường dây nóng trả lời khách hàng nhưng hạn chế đến công ty" - ông Mẫn cho biết.
Công ty Du Lịch Việt cũng chỉ còn 50% nhân sự làm việc và áp dụng chế độ làm việc gối đầu, thu nhập của nhân viên cũng khó đảm bảo như trước. Đến nay chưa có doanh nghiệp lữ hành nào thông báo chính thức sẽ cắt giảm nhân viên, nhưng diễn biến thị trường lao động ngành du lịch đang hết sức căng thẳng.
Du khách nước ngoài mua đồ lưu niệm tại Q.1, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
5.000
Bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết TP.HCM có khoảng 5.000 hướng dẫn viên du lịch đứng trước nguy cơ bị thất nghiệp vì hàng loạt tour bị hủy. "Khoảng 180 doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đang bị ảnh hưởng bởi COVID-19 ở các mức độ khác nhau. Trong đó vấn đề doanh nghiệp đau đầu nhất là làm sao đảm bảo đời sống cho nhân viên" - bà Khánh nói.
Vẫn tìm cách giữ nhân viên
Theo ước tính của Tổng cục Du lịch, thiệt hại do Covid-19 trong vòng 3 tháng tới có thể sẽ làm lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 3,7-4,7 triệu lượt, khách nội địa giảm 10,9-15,3 triệu lượt. Nhiều doanh nghiệp cho biết ngay cả các tour du lịch trong tháng 10-2020 cũng bị khách hàng thông báo hủy. Sự sụt giảm này sẽ tác động rất lớn đến những người làm việc trong ngành du lịch.
Dù tình hình kinh doanh khó khăn nhưng kinh nghiệm từ các đợt dịch trước cho thấy thay vì mạnh tay cắt giảm, sa thải nhân viên, các công ty phải tìm cách giữ chân lao động, chuẩn bị kế hoạch khi thị trường phục hồi. Ông Lê Phong Trần, giám đốc thị trường quốc tế của Lữ hành Fiditour, cho biết đơn vị sẽ vẫn tiếp tục tập trung đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các trải nghiệm văn hóa độc đáo để tiếp tục triển khai tốt hơn thị trường khách mới trong năm 2020.
Một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn lo lắng thu nhập nhân viên, lao động giảm nên đã tạo thêm việc làm bằng cách triển khai hoạt động bán hàng online, tham gia giải cứu nông sản, phát khẩu trang miễn phí cho du khách...
Ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết công ty vẫn tập trung giữ người, giải quyết câu chuyện nâng cao nghiệp vụ để chuẩn bị cho thị trường hồi phục, tranh thủ thực hiện những kế hoạch như đào tạo nhân sự, nghiên cứu sản phẩm mới, nâng cao thể chất nhân viên... Đây là những việc cần làm nhưng lúc đông khách, mãi lo bận rộn với hoạt động kinh doanh nên chưa thực hiện được.
"Hướng dẫn viên được yêu cầu phải đi học để cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng, điều mà họ chưa thể làm được do bận rộn những chuyến đi liên tục trong thời gian trước. Dự kiến các hoạt động đào tạo, cuộc thi nghiệp vụ trong nội bộ sẽ được triển khai, công ty còn mời người về dạy thể dục các buổi chiều... Toàn bộ nhân sự sẽ vào tình huống "kỷ luật quân ngũ"" - ông Mẫn cho biết.
"Thuốc giảm đau" cho doanh nghiệp du lịch
Ông Phan Xuân Anh, chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, cho biết các doanh nghiệp Việt vẫn đang cố gắng co kéo để qua mùa dịch là một nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, Chính phủ cần có chương trình hỗ trợ ngay lập tức, đừng để mùa dịch trôi qua mới tham gia vực dậy thị trường.
"Một người bạn của tôi là chủ một khu nghỉ dưỡng ở Campuchia với 200 nhân viên vừa rồi đã quyết định cắt giảm một nửa nhân viên vì resort không có doanh thu. Muốn giữ người, doanh nghiệp này cũng không đủ tài chính để duy trì trong thời gian tới. Nếu sa thải lao động lúc này sẽ không còn người để đón thị trường khi hết dịch nhưng dịch bệnh lại chưa rõ ngày nào sẽ hết. Các doanh nghiệp VN cũng đang cầm cự, nhưng khối doanh nghiệp tư nhân khó kéo dài, nguồn quỹ dự phòng cũng sẽ đến lúc cạn" - ông Phan Xuân Anh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, nếu Chính phủ kịp thời có chính sách cam kết hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ có phản ứng tích cực hơn. "Các doanh nghiệp du lịch như người đang có bệnh, nếu biết có "thuốc giảm đau", doanh nghiệp sẽ có các phản ứng, suy nghĩ tích cực hơn" - ông Mẫn nói.