Du khách “lịm tim” với mùa dâu đất chín đỏ vùng trung du Quảng Nam

Đăng bởi Tiền Linh

03/10/2020 16:56

Tháng 8 (âm lịch) hằng năm, dâu đất Tiên Phước vào mùa chín rộ. Với đủ sắc đỏ, hồng, cam tô thêm vẻ rực rỡ của những vườn cây trái mùa này, thu hút đông đảo du khách đến check-in, thưởng thức.

Huyện trung du Tiên Phước là “thủ phủ” của cây dâu đất Quảng Nam, trung bình mỗi hộ sở hữu một đến vài cây trồng trong vườn. Hiện trên địa bàn huyện Tiên Phước có hơn 3.200 cây dâu đất, được trồng chủ yếu ở xã Tiên Thọ.

Mùa dâu đất Tiên Phước thường bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, cây cho quả ở thân cây và những cành to

Dâu đất xưa kia vốn mọc dại trong rừng, người dân ăn thấy vị chua ngọt nên mang về chăm sóc.

Dâu đất còn gọi là dâu da, có tên khoa học Baccaurea sapida. Loại cây này thuộc thân gỗ, cao 10-20m. Quả mọc ở thân cây và một số cành to, khi chín có màu đỏ, hồng hoặc cam.

Quả thường có màu đỏ, cam hoặc hồng rực rỡ

Bên cạnh các loại cây trái đặc biệt của vùng đất “thập ngũ tiên sa” của Tiên Phước như bòn bon, thanh trà… đã được du khách gần xa biết đến thì dâu đất là một thức quà quê gây thương nhớ với những người con xa quê, và để lại một dư vị khiến bao du khách phải xốn xang, nao lòng khi trót một lần thưởng thức.

Những ngày này, khi mùa dâu đất chín rộ với đủ màu sắc rực rỡ đã thu hút rất đông du khách tìm về thưởng ngoạn. Sau khi được thưởng thức vị chua ngọt từ loại quả hấp dẫn này, có những tấm hình check-in khoe bạn bè, ai cũng vui vẻ ra về và không quên mua một ít về làm quà.

Chị Nguyễn Thị Thanh Lan (du khách từ Hội An) chia sẻ: “Năm nay dịch bệnh nên gia đình tôi hạn chế đến các nơi tập trung đông người, tấp nập mà chọn những điểm du lịch sinh thái, thiên về tự nhiên. Hiện nay các cháu đã vào học, nên chỉ có dịp cuối tuần mới tranh thủ nghỉ ngơi chút xíu và tìm về Tiên Phước là lựa chọn thích hợp nhất, vừa không phải đi quá xa và thiên nhiên nơi đây rất hữu tình, cây trái thơm ngon, rất hấp dẫn”.

Mỗi mùa dâu đất thường thu hút rất đông du khách tìm về check-in, khám phá

Đến các nhà vườn ở huyện Tiên Phước sẽ thấy những gốc dâu đất trĩu trái, đủ sắc rực rỡ trên nền xanh của cây lá ở vùng miền núi trung du trông rất đẹp mắt.

Ông Nguyễn Kỳ (xã Tiên Thọ, Tiên Phước) chia sẻ, những năm trước nhà nào cũng trồng đầy cây dâu đất, mỗi mùa dâu chín khoe sắc trên khắp đường làng rất đẹp mắt. Nhưng do giá trị kinh tế không cao nên nhiều nhà cũng dần chặt bỏ, thay vào đó các loại cây có giá trị hơn như bòn bon, cam, thanh trà…

Tuy nhiên, dù chặt bao nhiêu thì họ cũng chừa lại vài ba cây hoặc hơn chục cây để có cái mà tưởng nhớ loại cây đặc trưng xứ sở, cho con cháu có cái mà tìm về.

Dâu đất năm nay không ra trái nhiều so với các năm trước. Hiện gia đình ông còn 5 cây dâu, ước tính mỗi gốc thu từ 200 kg trái, với giá bán tại chỗ từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg, gia đình có thu nhập vài 3-4 triệu đồng.

Đến Tiên Phước du khách còn có cơ hội thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình nơi đây, với bờ rào bằng đá đặc biệt, những ngôi nhà cổ với tuổi đời hơn trăm năm, núi non hùng vĩ….được mệnh danh vùng đất “thập ngũ Tiên Sa” hay một “Đà Lạt giữa lòng Quảng Nam”…

“Cây dâu đất là loài cây mọc tự nhiên nên trồng rất dễ, ít tốn công chăm bón nhưng giá trị kinh tế thấp, nên chỉ là loại quả cho thêm thu nhập. Nhiều gia đình đã chặt bỏ nên số lượng cây hiện không nhiều”, ông Kỳ chia sẻ thêm.

Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, trung bình cứ 3-4 năm cho cây dâu đất cho trái ít thì dâu đất mới có một năm được mùa. Dâu đất cho thu hoạch từ tháng từ 8 đến tháng 9 dương lịch hằng năm, nhằm vào tháng 7-8 âm lịch.

 

 

Tiền Linh
Bạn đang đọc bài viết "Du khách “lịm tim” với mùa dâu đất chín đỏ vùng trung du Quảng Nam" tại chuyên mục Ẩm thực. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.