Vũ sư, biên đạo múa Đình Luân không còn là cái tên xa lạ trong giới nghệ thuật múa tại Hải Ngoại nữa. Hơn 30 năm theo đuổi nghệ thuật, anh đã biên đạo hơn 400 bài múa, gây ấn tượng với khán giả trong nước và hải ngoại với những điệu múa Trống Cơm, Chiều Trên Bản Thượng, Biển Đông Dậy Sóng, Con Rồng Cháu Tiên, Cô Đôi Thượng Ngàn, Sóc Sờ Bai Sóc Trăng …v...v.....
Xin chào anh, anh có thể chia sẻ cho độc giả biết về công việc hiện tại của anh không, thưa anh?
Dàn dựng múa và thiết kế phục trang cho múa là những điều xoay quanh tôi trong những năm qua. Hơn 30 năm vào nghề thì đến hiện tại tôi vẫn miệt mài với công việc ấy. Với vai trò là nhóm trưởng của Nhóm múa Việt Cầm, tôi biên đạo các bài múa cho nhóm tham gia các show ca múa nhạc tại hải ngoại.
Cống hiến cho nghệ thuật múa, đã biên đạo dàn dựng rất nhiều bài múa. Vậy đâu là bài múa anh tâm đắc nhất?
Tôi không nhớ nổi đã dàn dựng bao nhiêu tiết mục múa. Trong thời kỳ vàng son của Băng Đĩa Hải Ngoại, một năm tôi làm khoảng 3 shows cho Trung Tâm Vân Sơn. Mỗi show làm khoảng 4 bài múa. Thỉnh thoảng dàn dựng cho Trung Tâm Asia và Thúy Nga. Rồi các Trung Tâm khác, các show nhỏ lẻ tẻ trong năm. Trung bình một năm phải làm hơn 20 điệu múa. Trong 20 điệu múa đó, sẽ có những điệu múa tôi thích. Sau khi làm xong show cho người ta rồi, tôi sẽ gò lại, sửa tới sửa lui những điệu múa mà tôi thích. Giữ lại làm tiết mục riêng cho nhóm. Và sau này, bắt đầu thu hình những điệu múa đó, đưa vào đĩa Blu-rays THE BEST OF VIỆT CẦM DANCE làm kỷ niệm.
Những tiết mục tâm đắc đó, tôi thương đều như nhau. Giống như một người Cha, đứa con nào cũng là con của mình, đều là tâm huyết, mồ hôi nước mắt của mình. Nhưng, cùng là những điệu múa của tôi, có những điệu múa này được khán giả thích hơn những điệu múa khác. Múa là một nghệ thuật tổng hợp, bao gồm âm nhạc, phục trang, động tác múa, ý tưởng câu chuyện, kịch bản, diễn xuất ...v...v.... nhiều thứ quyện với nhau. Như một cái kiềng 3 chân. Thỉnh thoảng, vì hoàn cảnh, có những điệu múa phải làm theo kiểu “mì ăn liền”. Những điệu múa đó thì tôi không thích cho lắm.
Cái làm tôi trăn trở nhiều năm đó là dân tộc Việt không yêu thích nhảy múa như các dân tộc Campuchia, Thái, Ấn, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào và các nước châu Âu...v...v... Vì thế, nghệ thuật múa cổ truyền của chúng ta rất giới hạn. Trong 54 dân tộc của Việt Nam, thì dân tộc Kinh của chúng ta là một trong những dân tộc có vốn múa ít ỏi nhất, phần lớn đến từ các động tác múa Chèo. Vũ đạo Hồ Quảng thì có ảnh hưởng từ Trung Quốc. Các điệu múa Cung Đình Huế và Hát Bội thì có thể là do ông Tướng Nguyên Mông dậy lại (Sau khi đánh thắng Nguyên Mông, chúng ta có bắt được ông Lý Nguyên Cát và một số nghệ nhân Nguyên Mông. Chúng ta giữ họ lại và học hỏi từ họ). Khi tôi nghiên cứu múa Mông Cổ, tôi thấy sự giống nhau của múa Chén, múa Đũa, hát Tuồng, thậm chí áo Cung Đình Huế cũng giống áo vũ công Mông Cổ.... Vốn múa cổ truyền đã ít ỏi, âm nhạc cổ truyền cũng bị lui vào bóng tối, vì không bắt kịp hơi thở của thời đại. Để tồn tại trong thời đại mới, tôi đã phải sử dụng nhạc dân ca cách tân, dân gian đương đại, làm nền cho các điệu múa của mình. Và khi dùng loại nhạc cách tân đó, tôi không thể dùng hoàn toàn động tác múa cổ truyền được. Tôi đã phải cố gắng pha những động tác cách tân vào. Múa cổ truyền Việt Nam lại không sử dụng chân nhiều, hơi bị đơn điệu. Tôi phải cố gắng đưa động tác chân vào cho thêm phần linh hoạt cho điệu múa. Vì thế, múa dân tộc của tôi không thể nào “hoàn toàn dân tộc cổ truyền” được. Vấn đề là: Pha chế như thế nào để vừa đủ. Vẫn giữ được nét cổ truyền, vẫn thu hút được giới trẻ hiện nay. Nhiều người Việt mở nhà hàng, chế biến thức ăn Việt thành thức ăn Quốc Tế, để chỉ bán cho người ngoại quốc ăn. Nhiều nhà hàng rất nổi tiếng, rất thành công. Nhưng khi tôi ăn, tôi thấy nó lờ lợ, không giống thức ăn Việt thuần túy. Vì thế, tôi cố gắng để giữ những điệu múa của mình bớt lờ lợ càng nhiều càng tốt. Bớt thôi, không tránh được. Nếu không cách tân, sợ rằng sẽ bị đào thải.
Trong những năm đầu hoạt động nghệ thuật tại Hải Ngoại, có những lúc tôi bị sa đà, lạc hướng, những điệu múa của tôi bị mất dần chất dân tộc. Thỉnh thoảng có nghe vài câu phê bình, nhưng không nghĩ là mình bị như vậy. Cho đến khi tôi vào sinh hoạt trong Hội Tâm Linh. Nhiều lần Tổ Nghiệp về nói chuyện, có khuyên tôi mấy lần. Khi tôi hiểu ra, thì tôi bắt đầu sửa các điệu múa của tôi, chuyển trở lại với cội nguồn dân tộc nhiều hơn. Các biên đạo trẻ lớn lên tại Hải Ngoại, đang bị giống như tôi ngày xưa: Họ rất sáng tạo, nhưng điệu múa của họ bị fusion (melting pot), không còn chất dân tộc nữa. Làm công việc thuần giải trí, thì nó chỉ là một công việc kiếm sống thôi. Nhưng nếu vừa làm công việc giải trí, vừa giữ gìn và phát triển Văn Hóa Dân Tộc, thì cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Mình vừa có thể kiếm sống, vừa có thể được thêm chút ít Công Đức. Những công việc có ý nghĩa, có lợi cho nhiều người, sẽ được Tổ Nghiệp hộ độ nhiều hơn.
Nghệ thuật múa quan trọng nhất vẫn là ngôn ngữ hình thể. Để truyền tải được thông điệp qua ngôn ngữ này đòi hỏi người nghệ sĩ phải khổ luyện như thế nào, thưa anh?
Dưới ánh đèn sân khấu, khán giả được thưởng thức những điệu múa uyển chuyển, thướt tha và có hồn từ diễn viên múa. Cả bài múa chỉ vỏn vẹn vài ba phút nhưng đằng sau đó là sự khổ luyện không ngừng nghỉ của người diễn viên múa.
Đặc biệt, để có một bài múa mà người xem cảm nhận và nhìn thấy được trong đó toát lên vẻ đẹp về văn hóa dân tộc, cần rất nhiều thời gian để người biên đạo tìm hiểu về văn hóa vùng miền, từ đó truyền tải nó vào từng điệu múa. Và người diễn viên múa phải vượt qua những nỗi đau về cơ thể để có được một điệu múa hoàn chỉnh, điêu luyện.
Múa là niềm đam mê. Mà khi đã đam mê rồi, thì sự kiên trì, bền bỉ trong mỗi người diễn viên, là một điều rất tự nhiên, không cần phải o ép quá nhiều.
Điều gì khiến anh hài lòng nhất về công việc biên đạo múa của mình?
Đó là việc vũ đoàn Việt Cầm được tham gia biểu diễn tại các đêm ca múa nhạc ở hải ngoại, truyền tải được vẻ đẹp văn hóa của từng vùng miền trên đất nước Việt Nam đến với bà con. Qua đó, cho mọi người trên thế giới có cái nhìn sâu sắc hơn về vẻ đẹp tuyệt vời trong văn hóa người Việt. Và công việc của tôi, góp một phần nhỏ làm sống lại nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt, cho thế hệ mai sau.
Song song với việc biên đạo một bài múa, tôi thường thiết kế y trang cho từng điệu múa. Công việc tăng gấp đôi, nhưng niềm hạnh phúc cũng tăng gấp đôi. Khi thành công, tai tôi được nghe đến hai lời khen thay vì một. Nhưng, mệt thì cũng mệt gấp đôi! Tốn kém thì cũng tốn kém gấp đôi! Khi thất bại thì cũng buồn gấp đôi.
Chương trình Hương Việt mùa 5 diễn ra vào 28/07/2024 sắp tới. Anh có thể chia sẻ thêm về chương trình này hơn, thưa anh?
Nhóm múa Việt Cầm - Đơn vị đảm nhiệm tổ chức chương trình "Hương Việt 5" được thành lập năm 1998 tại Garden Grove, California, với sứ mệnh bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa truyền thống Việt Nam. Trong suốt hơn hai thập kỷ hoạt động, Việt Cầm đã không ngừng nỗ lực để mang văn hóa Việt Nam đến gần hơn với khán giả quốc tế. Nhóm đã biểu diễn tại nhiều quốc gia như: Pháp, Úc, Canada, Đài Loan, Philippines, và Nhật Bản, để lại dấu ấn sâu đậm và nhận được nhiều lời khen ngợi.
Với sự thành công của chương trình Hương Việt những năm trước, năm nay chúng tôi tiếp tục đứng ra tổ chức chương trình Hương Việt 5. Chương trình lần này, có sự quy tụ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: ca sĩ Phương Giao, Đài Trang, Nga Mi, Mỹ Lan, Mai Hiên, Ái Vy, Thúy Anh, Thúy Hằng và nam ca sĩ Chung Tử Lưu ….
Qua Hương việt 5, anh muốn gửi gắm điều gì đến người xem?
Đêm nhạc "Hương Việt 5" kéo dài 120 phút sẽ đưa khán giả vào một hành trình khám phá sự đa dạng và phong phú của các nền văn hóa của dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Mỗi điệu múa là một câu chuyện, một lát cắt sống động về đời sống, tập quán và tâm hồn của người dân Việt Nam.
Mỗi tiết mục được dàn dựng công phu và chân thực, mang đến cho khán giả cơ hội tìm hiểu và yêu thêm về đất nước và con người Việt. Qua đó, hiểu hơn về đời sống sinh hoạt, văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt. Từ đó, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào về quê hương xứ sở đối với những người con xa xứ.