Cùng với việc triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giao dịch không dùng tiền mặt, ngành BHXH đã xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thu nộp, chi trả BHXH điện tử liên thông với các phần mềm nghiệp vụ để thực hiện hạch toán tự động.
Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội;
Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời giao chỉ tiêu phấn đấu số người, số tiền chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cho BHXH các tỉnh cụ thể từng năm với từng chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp.
Ngành BHXH quan tâm đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng (thẻ ATM) để phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn
Ước tính đến hết 6 tháng đầu năm 2020: Số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị bình quân trên toàn quốc đạt 28% trên tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, tăng 4% so với kết quả đạt được năm 2019; số người hưởng các chế độ BHXH một lần qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị bình quân trên toàn quốc đạt 44% trên tổng số người hưởng các chế độ BHXH một lần, tăng 7% so với kết quả đạt được năm 2019; số người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị bình quân trên toàn quốc đạt 69% trên tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 16% so với kết quả đạt được năm 2019.
Theo báo cáo của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, trong kỳ chi trả tháng 8/2020, cơ quan Bưu điện đã thực hiện chi trả cho khoảng 3.181.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng với tổng số tiền khoảng 14.055 tỷ đồng, trong đó chi qua tài khoản cá nhân ATM cho khoảng 730.000 người với số tiền khoảng 4.125 tỷ đồng.
Với những nỗ lực không ngừng trong thời gian qua, liên tiếp trong 3 năm 2017, 2018, 2019, BHXH Việt Nam đã giữ vững vị trí đứng đầu trong Bảng xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ. Thời gian tới, Ngành BHXH tiếp tục nỗ lực cùng các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp ngày càng nhiều các tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.
Đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí
Song song với chi bằng tiền mặt, đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản thẻ ATM với hàng trăm nghìn người hưởng hằng tháng.
Với phương thức này, hằng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 vừa qua, việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM đã giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, đảm bảo được an toàn và giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với người lao động hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp, phương thức chi trả không dùng tiền mặt còn góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ cho người lao động... do đó, đảm bảo người tham gia được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định.
Với cơ quan chi trả, việc tổ chức thực hiện phương thức này bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và lưu trữ, tránh được sai sót, giảm bớt áp lực, thời gian trong tổ chức chi trả và các bước trung gian qua chủ sử dụng lao động.