Hương thơm của lúa gạo là một đặc tính quí, nghiên cứu đánh giá và tìm hiểu gen kiểm soát mùi thơm của các giống lúa thơm địa phương và lúa thơm cải tiến đặt cơ sở cho công tác cải tiến các giống lúa chất lượng cao. Nghiên cứu được thực hiện đối với 19 giống lúa thơm địa phương, 15 giống cải tiến, 3 giống nhập nội và 2 giống không thơm.
Thí nghiệm bố trí tại Sóc Trăng, vụ đông xuân 2008 - 2009. Kết quả đánh giá cảm quan mùi thơm lá có thể xếp các giống Hương cốm, ST5, TT1, Jasmine 85 trong cùng một nhóm thơm, nhưng hương vị của từng giống khác nhau, giống Hương cốm thơm đậm nhất và giảm dần theo tuần tự là Jasmine 85, TT1, ST5. Giống Hoa sữa thuộc nhóm thơm nhẹ, CK96 không thơm. Kết quả nghiên cứu đặc điểm di truyền thông qua đánh giá con lai F1, F2 của các tổ hợp lai thuận nghịch giữa 5 giống thơm với giống CK96 xác nhận rằng mùi thơm của các giống lúa này do gen lặn kiểm soát.
Dùng kỹ thuật phân tử để phát hiện gen thơm của 15 giống lúa thơm cải tiến, 2 giống thơm có xuất xứ địa lý tại Chợ Đào (Nam bộ), Hải Hậu (Bắc bộ) và 3 giống lúa thơm nhập nội Hoa sữa, Jasmine 85, KDM 105 cho thấy tất cả chúng đều mang gen kiểm soát tính thơm BADH2. Cũng với kỹ thuật phân tử đã phát hiện được gen kiểm soát tính thơm BADH2 có trong 15 giống lúa Tám thuộc loài phụ Japonica.