Ông tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917 ở thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ năm 1958-1977, ông liên tục làm Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Vĩnh Phúc và Vĩnh Phú. Năm 1978 ông nghỉ hưu và mất ngày 26/5/1979 ở tuổi 62.
Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giữa bộn bề công việc, ông vẫn luôn để 1/3 thời gian làm việc đi cơ sở, 1/3 dành cho việc nghiên cứu các loại sách báo, văn bản; chỉ gói gọn 1/3 thời gian cho các cuộc hội họp.
Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc
Ông luôn trăn trở về tình hình sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của người nông dân và tự hỏi tại sao họ lại không mặn mà với đồng ruộng? Tại sao cũng đồng đất ấy, vẫn con người ấy, không có thiên tai mà sao sản lượng lúa cứ ngày càng sụt giảm?
Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển rất chậm và cung cách làm ăn theo kiểu “tối ngày đầy công”, “dong công, phóng điểm” của nông dân diễn ra phổ biến, đời sống nhân dân gặp khó khăn, thiếu đói diễn ra thường xuyên.
Lúc đó người nông dân, xã viên hợp tác xã nông nghiệp rất khó khăn trong đời sống, bị bó hẹp trong cơ chế, trong cách thức làm ăn “dong công, phóng điểm”, quản lý theo kiểu hành chính trong hợp tác xã, dẫn đến hiệu quả kinh tế, năng suất lao động rất thấp, sản xuất nông nghiệp ngày càng sa sút.
Sự sâu sát với đời sống thực tiễn đã giúp Bí thư Kim Ngọc sớm nhận ra những vấn đề bất ổn trong quan hệ sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tập thể. Đó là cách làm việc của xã viên theo kiểu “đánh trống ghi tên”, làm ít, cầm chừng, cốt sao để có nhiều công điểm.
Hàng ngũ lãnh đạo HTX, các đội trưởng sản xuất làm ít nhưng công điểm vẫn cao, đã gây bất bình trong nội bộ, không ít nơi khi ăn chia người lao động chỉ được từ 2 đến 3 lạng thóc cho 1 công lao động.
Khảo sát thực tế ở nhiều địa bàn, ông nhận thấy sự trái ngược giữa đất 5% giao cho hộ gia đình làm chủ, nông dân luôn chăm bón xanh tốt; trong khi 95% ruộng đất mênh mông thuộc hợp tác xã lại luôn xác xơ, vàng úa vì xã viên thiếu quan tâm, chỉ làm để lấy công điểm.
Sau nhiều ngày, đêm trăn trở suy nghĩ và bàn cùng cùng cộng sự, ông nhận thấy cần phải giao ruộng đất đến cho người nông dân, gắn thành quả tạo ra với quyền hưởng lợi của người lao động. Ông cho rằng, chỉ có làm như vậy mới có thể tạo được động lực để phát triển sản xuất và làm chuyển biến tình hình sản xuất nông nghiệp thời điểm đó.
Từ những suy ngẫm, chiêm nghiệm cá nhân và kết quả thí điểm cải tiến quản lý với nội dung khoán đến hộ gia đình xã viên tại một số hợp tác xã từ năm 1963 đến 1965; với kết quả thu nhận được ở 3 xã thuộc huyện Vĩnh Tường trong vụ đông xuân năm 1965 - 1966, ngày 10/9/1966, dưới sự chủ trì của Bí thư Kim Ngọc, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TU “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”.
Nghị quyết 68 đã đề cập tới hàng loạt vấn đề quan trọng đang tồn tại nhiều bất cập ở thời điểm đó, nổi bật nhất là yêu cầu phải giải quyết một số vấn đề có liên quan đến việc sử dụng hợp lý sức lao động nông nghiệp và tăng năng suất lao động nông nghiệp, trong đó đề ra hướng sử dụng công lao động xã hội chủ nghĩa, kiên quyết thực hiện bằng được, đúng và tốt chế độ ba khoán: Khoán việc cho nhóm, cho lao động và cho hộ. Nghị quyết này đề ra phương thức quản lý sản xuất của HTX với nhiều cách khoán như: Khoán cho hộ làm 1 khâu hoặc nhiều khâu; khoán cho hộ các khâu dài ngày hoặc suốt vụ; khoán sản lượng cho hộ, cho nhóm; khoán trắng ruộng đất cho từng hộ.
Bước đầu được triển khai thí điểm tại huyện Vĩnh Tường với hình thức khoán gọn, đơn giản, dễ tính toán và thực chất là trao ruộng đất trở về cho từng hộ nông dân nên ngay sau đó, hình thức khoán này được nông dân khắp các địa phương hưởng ứng rầm rộ, trở thành phong trào quần chúng rộng rãi trong toàn tỉnh lúc bấy giờ.
Thời gian thực hiện Nghị quyết không dài, nhưng kết quả thu nhận được đã mang lại những kết quả ấn tượng. Cuối năm 1967, toàn tỉnh có 160 HTX (chiếm 70%) đạt năng suất lúa bình quân từ 5 tấn đến trên 7 tấn/ha và sản lượng lương thực cả tỉnh đạt 222.000 tấn, giúp cải thiện đáng kể đời sống nhân dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn.