Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại. Để điều chỉnh, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, từ tháng 11-2007, Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-7-2008.
Sau đó, năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định 167/2013 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình).
Không chỉ xử lý hành chính, nếu hành vi bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng, cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, nước ta không thiếu quy định pháp luật để ngăn ngừa và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
Điều 42 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định: Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định: Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, hoặc người có công nuôi dưỡng mình, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Điều 49 Nghị định 167/2013 (về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình) quy định: Phạt tiền 1,5 triệu - 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình.
Tuy nhiên, hiện nay, mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực nhà đất, giao thông… có thay đổi, đã nâng mức phạt lên hàng trăm triệu và đến cả tỷ đồng, trong khi đó, mức xử phạt đối với hành vi bạo hành trong gia đình còn quá nhẹ, nên chưa đủ răn đe.
Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (tội cố ý gây thương tích), nạn nhân có thương tích phải từ 11% trở lên mới đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự.
Trường hợp thương tích dưới 11%, thủ phạm phải có các tình tiết tăng nặng (như dùng hung khí nguy hiểm, gây cố tật nhẹ cho nạn nhân, phạm tội 2 lần trở lên). Nếu hành vi của thủ phạm thuộc khoản 1 Điều 134, thì phải có đơn yêu cầu của bị hại, công an mới được khởi tố vụ án hình sự.
Nếu thuộc khoản 2, 3, 4 Điều 134 với khung hình phạt từ 2 năm tù đến tù chung thân, không cần có đơn của bị hại cơ quan tiến hành tố tụng vẫn được quyền khởi tố vụ án hình sự. Do vậy, người bị bạo hành nên mạnh dạn trình báo để được chia sẻ, bảo vệ.