Chân dung người phụ nữ hiện đại: Thành công trong sự nghiệp nhưng cuộc sống chỉ gói gọn hai từ “giản dị”

Đăng bởi Thanh Hoa

20/07/2024 10:41

Ít có ai với nhiều thành tựu trong sự nghiệp mà không gặp khó khăn, thách thức cuộc sống. Và chị Julie Fam cũng vậy, chị đã bước ra khỏi vùng an toàn, đến một đất nước mới để lập nghiệp và thay đổi cuộc đời mình.

Biết đến chị với những danh xưng “nghệ sĩ đàn tranh cõi mạng” hay “nghệ sỹ nhạc dân tộc đầu tiên sử dụng cây đàn tranh đánh những bản nhạc quốc tế”. Cho đến nay, Julie Fam nối nghiệp gia đình khi làm luật gia, mở Công ty riêng tại New Zealand và liên kết với văn phòng luật sư bản địa Bird & Yang. Có thể hình dung chị là một người phụ nữ thành đạt và mạnh mẽ. Thế nhưng ít ai biết, chị làm việc, hưởng thụ cuộc sống và nói về mình chỉ gói gọn trong hai từ “giản dị” mà thôi.

Julie Fam cuốn hút và nhiều năng lượng vì những điều mới mẻ mà bản thân học hỏi qua mỗi ngày: chị làm nghệ thuật, từng sản xuất âm nhạc, diễn viên, phiên dịch, giảng viên, kinh doanh tài chính,… Đặc biệt, cho đến hiện tại chị vẫn duy trì các hoạt động nghệ thuật của mình. Khi được hỏi về bí quyết để luôn sống trọn vẹn mỗi ngày, chị chỉ cười nói: “Đừng đặt nặng cuộc sống phải thật giàu sang hay đạt thành tựu lớn, vì có những thứ có nhiều tiền cũng không mang lại được, trong đó có hạnh phúc”.

Xin chào chị, cơ duyên nào chị quyết định chọn New Zealand để học tập và làm việc?

Julie sinh ra ở Bulgaria, lớn lên ở Việt Nam, mồ côi cha từ năm lên 10. Khi đó mẹ Julie là một trí thức trẻ làm việc ở Tạp chí pháp luật bằng tiếng Anh và tiếng Pháp thuộc Hội Luật gia Việt Nam. Thời đó còn chưa có internet lại lười học địa lý nên Julie chẳng biết New Zealand là đâu chỉ biết mẹ bảo dịch nó ra là Đất Mới nghe như kiểu thiên đường trong kinh thánh.

Lớn lên, có đứa em khi đó đang học ở Đại học Victoria – Wellington hay gọi điện thoại về mô tả thì Julie mới biết đất nước này ở đâu, thanh bình thế nào và bình quân thu nhập thuộc hạng cao.

Và khi Julie sinh sống tại Việt Nam, lúc đó có nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao và có cả công ty riêng. Thế nhưng đầu năm 2011 gia đình Julie có biến cố nặng nề, con trai thứ 2 mất, chồng ngoại tình.. khi đó cuộc đời Julie chỉ có một màu đen, hoàn toàn mất phương hướng. Julie đành nghĩ đến việc đi xa một thời gian, ban đầu nghĩ đến nước Đức nơi mà du học không mất tiền và Châu Âu cũng lại là nơi quen thuộc vì Julie sinh ra ở đó.

Tuy nhiên nhờ gợi ý của đứa em cùng với sự cổ vũ tinh thần cũng như ủng hộ tài chính của mẹ nên Julie quay xe tìm hiểu việc du học - học bổng New Zealand và làm thủ tục ly hôn. Kết quả Julie đã tìm được học bổng thạc sĩ ngành Quốc tế học. Hoàn thành thủ tục ly hôn với người cũ một cách nhẹ nhàng, ngày giỗ đầu con trai thứ hai cũng là vừa lúc nhận được visa New Zealand, Julie bắt đầu hăm hở lên đường tung cánh tự do tới vùng đất hứa hẹn này.

Khi chị đặt chân tới vùng đất mới, ắt hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn, và chị đã làm gì để vượt qua thử thách đó?

Ngay khi bắt đầu cuộc sống tại New Zealand, mọi thứ đều khó khăn khi Julie phải làm quen với một môi trường hoàn toàn xa lạ. Vừa đơn thân nuôi con một mình, vừa đi làm và học để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Julie đã làm việc rất chăm chỉ bất kể công việc nào mà mình cũng từng làm, từ việc đánh đàn tranh cho đến bán đồ handmade đường phố để kiếm thêm thu nhập. Julie còn phải tự học cách sửa xe từ "anh Google" để vượt qua những khó khăn với chiếc Mazda cũ.

Khi con gái đến tuổi đi học, Julie đã may mắn khi xin việc trong lĩnh vực công tác xã hội tại Thành phố Wanganui. Sau một thời gian làm việc và tự phấn đấu để có quyền cư trú ở New Zealand dài hạn, Julie quyết định tạm rời Wanganui bé nhỏ chuyển về Palmerston North tiếp tục sự nghiệp học hành. Tin vào định mệnh với nghệ thuật, Julie chọn học Hòa âm Phối khí Sản xuất âm nhạc, Sản xuất và Biên tập Video rồi ở lại làm Giảng viên dạy lý thuyết âm nhạc cho trường một năm. Cảm thấy chưa đủ, sau một năm Julie lại rời phố nhỏ để lên phố lớn Auckland, thời gian đầu mình đã làm diễn viên cho đài truyền hình trung ương New Zealand. Tuy nhiên sau khi nhận ra ngành công nghiệp giải trí của New Zealand rất hạn hẹp và khốc liệt, để đảm bảo thu nhập ổn định, Julie đã chuyển qua làm ngành tài chính, bắt đầu từ việc thu nợ rồi sau đó chuyển sang ngành ngân hàng, hàng ngày sống một cuộc sống bình yên của một viên chức sáng đi làm, tối về nhà, cuối tuần đi chơi với con rồi lâu lâu lên mạng đánh đàn.

Cho đến hiện tại, Julie đã mở riêng công ty luật cho mình. Có thể nói, thách thức mà Julie trải qua rất nhiều áp lực; áp lực từ tính chất khốc liệt của ngành luật, đồng thời gánh trọng trách vừa làm mẹ, vừa làm ba... Nhưng Julie vẫn hạnh phúc, vì con cái nên sẽ phải vượt qua thôi. Và quan trọng hơn cả là công việc đã kéo Julie sát gần hơn với người Việt tại New Zealand vì tính chất công việc là bảo vệ con người trước pháp luật. Tóm lại, Julie xem cuộc đời như mỗi chuyến dạo chơi vậy, nếu gặp khó khăn mình chỉ cần  “tìm kiếm mặt tốt của vấn đề đó” là sẽ được.

Là một CEO của công ty luật tại New Zealand, chị có thể chia sẻ thêm về công ty mình chứ, thưa chị?

Công ty của Julie có thể hiểu là cầu nối luật pháp giữa Việt và New Zealand, công ty chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý, tư vấn, bảo vệ quyền lợi, thực hiện giao dịch mua bán tài sản, doanh nghiệp của người Việt khi sinh sống và làm việc tại New Zealand, hay những người có ý định đến đây để sinh sống. Bên cạnh đó, Julie cũng thường tư vấn kỹ năng sống nơi xứ người, những thông tin về xã hội và pháp luật nơi đây. Cho đến nay, Julie đã thành công khi giúp đỡ rất nhiều người Việt lấy lại quyền lợi của mình, đặc biệt thoát được những vụ án oan do tính kỳ thị chủng tộc và sự đối xử bất công của những người cầm quyền bản xứ gieo giắc. Ngoài ra dịch phụ phiên dịch với không chỉ phiên dịch ngôn ngữ là còn là phiên dịch văn hóa và hệ tư tưởng sẽ giúp mọi người tháo gỡ được nhiều rắc rối ở đây.

 

Hành trình bén duyên công việc này cũng không quá dài, vậy ở thời điểm hiện tại khi nhìn lại những gì đã qua, chị cảm thấy như thế nào?

Cảm giác lớn nhất Julie đang có là hạnh phúc và sự biết ơn. Nhiều năm sinh sống và làm việc tại New Zealand đã cho phép mình gặp gỡ những người cộng sự, những người bạn, những đồng hương đã hỗ trợ mình rất nhiều. Nói đến nghệ thuật thì mình muốn lan tỏa giữa giá trị và văn hóa nghệ thuật nước nhà đến gần cộng đồng quốc tế hơn. Còn nói đến luật, giúp cộng đồng Việt đòi lại công bằng pháp lý khi sinh sống tại New Zealand. Thành quả của tất cả những việc làm đó là tình yêu thương, quý trọng mà các đồng hương dành cho mình và điều đó làm cho mình cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa hơn mỗi ngày.

Đặc biệt, Julie rất biết ơn mẹ, mẹ là người truyền cảm hứng và hỗ trợ Julie về tinh thần cũng như trao cho cơ hội để theo đuổi hoài bão của mình, cũng như được lan tỏa sự biết ơn mà mình đang có đến tất cả mọi người xung quanh. Bên cạnh công việc, Julie cũng thấy biết ơn vì gia đình khỏe mạnh, các con ngoan, yêu thương và chăm học, đối với Julie như vậy là quá đủ.

Là một người đi trước, chị có thể cho lời khuyên đến các bạn trẻ chứ, thưa chị?

Và châm ngôn mà Julie muốn gửi gắm tới độc giả rằng,“ Hãy ngừng đặt câu hỏi “Nếu như” và thực sự bắt đầu hành động – thì kết quả sẽ thực sự xảy ra – Vì vậy, hãy trau dồi để phát triển cũng như hoàn thiện bản thân mỗi ngày và luôn mở đường cho chính mình tiến về phía trước”.

Cảm ơn chị Julie đã chia sẻ!

Thanh Hoa
Bạn đang đọc bài viết "Chân dung người phụ nữ hiện đại: Thành công trong sự nghiệp nhưng cuộc sống chỉ gói gọn hai từ “giản dị”" tại chuyên mục KINH TẾ. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.