Bệnh lý nhau thai chết người tăng nhanh

16/03/2020 06:03

Lạm dụng sinh mổ có thể gây ra nhiều hậu quả, trong đó có những bệnh lý về nhau thai nguy hiểm như: nhau cài răng lược, nhau bám vết mổ cũ

Tại 2 hội nghị y học lớn diễn ra ở TP HCM gần đây, 2 nhóm nghiên cứu đến từ Bệnh viện (BV) Từ Dũ và BV Hùng Vương đều ái ngại khi nhắc đến nhau cài răng lược - một bệnh cảnh lâm sàng chết người đã tăng gấp 10 lần trong vài thập kỷ qua.

Không được kiểm soát: Dễ tử vong

Trong báo cáo được trình bày tại Hội nghị Khoa học Công nghệ tuổi trẻ lần thứ XI do Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức hồi tháng 5, PGS-TS-BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng Khoa Sản bệnh BV Hùng Vương, Trưởng Bộ môn Sản Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết ở Mỹ đã có nghiên cứu cho thấy tỉ lệ nhau cài răng lược đã tăng gấp 10 lần sau 5 thập kỷ tại nước này.

Nghiên cứu của PGS Khánh Trang trên số bệnh nhân đến từ BV Hùng Vương còn cho thấy sự gia tăng chóng mặt hơn. Từ năm 1995 đến 2017, tỉ lệ sản phụ bị nhau cài răng lược đã tăng từ 1/10.000 lên 1/1.000, tức gấp 10 lần trong vòng 22 năm. 

Năm 2017, trong 38.810 sản phụ đến BV Hùng Vương sinh thì 40 người gặp bệnh cảnh này, trong đó 6 trường hợp phải mổ cấp cứu. Trong 40 sản phụ vừa nêu, 5 người buộc phải cắt tử cung để cứu lấy tính mạng.

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả từ Khoa Sản A của BV Từ Dũ (báo cáo tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp, châu Á - Thái Bình Dương do BV này và Khoa Y Đại học Paris Descartes (Pháp) tổ chức cuối tháng 5), năm 2017, BV Từ Dũ tiếp nhận đến 235 ca nhau cài răng lược, trong khi năm 2015 chỉ 100 ca. Tuy là tình trạng ít gặp nhưng nhau cài răng lược rất dễ gây tử vong cho cả mẹ lẫn con nếu không được kiểm soát từ đầu và khi chuyển dạ mà không kịp nhập viện.

Liên quan mật thiết đến sinh mổ

Theo PGS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, sinh mổ và nhau cài răng lược là 2 chuyện khác nhau nhưng có sự tương quan. Sinh mổ càng nhiều thì nguy cơ bị nhau cài răng lược càng tăng. Theo thống kê, người sinh mổ một lần có tỉ lệ nhau cài răng lược là 1%, sinh mổ 2 lần tăng lên 11%, sinh mổ 3 lần là 35% và hơn 4 lần thì tỉ lệ này lên đến 50%.

Nghiên cứu của Khoa Sản A - BV Từ Dũ dẫn thống kê trong số các ca nhau tiền đạo - nhau bám thấp cho thấy thai phụ có vết mổ lấy thai cũ làm tăng nguy cơ nhau cài răng lược lên đến 20 lần.

PGS Khánh Trang phân tích nhau cài răng lược có nhiều mức độ khác nhau: bám 1/3, 2/3, toàn bộ và thậm chí ăn xuyên qua lớp cơ tử cung, xuyên qua bọng đái. Nhau bám càng sâu thì càng nguy hiểm. 

Thai phụ thường chuyển dạ sinh con, bánh nhau sẽ dần tróc khỏi thành tử cung, chỉ mất một ít máu do bánh nhau bám vừa đủ để bảo đảm trao đổi chất mẹ - con. Nhau ăn quá sâu vào tử cung, xuyên cơ thì khi sinh nở, quá trình tách ra sẽ gây mất máu ồ ạt, thậm chí thủng tử cung. Đó là lý do khiến nhiều sản phụ phải cắt tử cung để bảo toàn tính mạng.

Bất thường về nhau thai có thể phát hiện từ 3 tháng đầu. Ở 3 tháng giữa, giai đoạn thai 22 tuần, có thể xác định rõ vị trí, độ sâu của bánh nhau và biết đó có phải nhau cài răng lược hay không. PGS Khánh Trang khuyến cáo: Nếu đã xác định bị nhau cài răng lược, thai phụ nhất thiết phải được theo dõi và sinh nở tại cơ sở y tế chuyên khoa lớn, có đầy đủ phương tiện, nguồn máu, nhân lực để xử lý. Bởi lẽ, đây là một trong những bệnh cảnh đáng sợ nhất trong sản khoa, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ lẫn con và mất rất nhiều máu khi phẫu thuật.

Tin mừng là với sự tiến bộ y học như hiện nay, nếu được phát hiện sớm, theo dõi thường xuyên, mổ chủ động thì cơ hội bảo tồn tử cung có thể lên đến 90%. Tuy nhiên, theo thống kê của BV Từ Dũ trên 135 ca nhau cài răng lược trong năm 2017 được chọn nghiên cứu, có 118 ca - tương đương 87,4% - là được mổ chủ động. Những ca khác phải mổ cấp cứu, làm tăng mức độ nguy hiểm của bệnh lên sản phụ và em bé. Do vậy, thai phụ gặp phải bệnh này cần cẩn trọng và nhập viện sớm khi đến kỳ sinh nở.

Nhau bám vết mổ cũ: Nguy hiểm không kém

BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cảnh báo về nhau bám vết mổ cũ: hiếm gặp, cũng cực kỳ nguy hiểm và có nguy cơ cao đi kèm với nhau cài răng lược. Nhau bám vết mổ cũ được xem như thai ngoài tử cung, nếu không biết mà lỡ phá thai vẫn có thể xuất huyết nặng, tử vong. Vì vậy, bác sĩ khi thấy thai phụ có vết mổ sinh phải thực hiện kỹ lưỡng lần khám thai đầu tiên để phát hiện sớm.

Thai phụ từng sinh mổ cũng nên chủ động đi khám sớm nếu nghi ngờ mình có thai. Quan trọng hơn, đừng lạm dụng sinh mổ. Sinh mổ chỉ nên được chỉ định bởi bác sĩ, trong trường hợp thật sự cần thiết, sản phụ hay em bé có vấn đề sức khỏe khiến việc sinh tự nhiên trở nên không thể hoặc nguy hiểm.

 

Những điều nên biết về khám sản phụ khoa nữ Những điều nên biết về khám sản phụ khoa nữ

Khám sản phụ khoa nữ là một việc làm cần thiết đối với mọi chị em phụ nữ. Nhưng rất nhiều chị em, đặc biệt là những người trẻ với tâm lý lo ngại đều băn khoăn, lo lắng không...

Nguồn soha.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bệnh lý nhau thai chết người tăng nhanh" tại chuyên mục Nhịp sống. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.