Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban, ngành của Việt Nam, Đại sứ quán các nước Mexico, Chile và Peru tại Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng và đông đảo doanh nghiệp hai nước. Hội thảo còn có sự kết nối trực tuyến với các Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico, Chile và Brazil kiêm nhiệm Peru để trao đổi và giải đáp cho các doanh nghiệp những thông tin cập nhật về chính sách thương mại và tiếp cận thị trường tại nước sở tại.
Ảnh minh họa nguồn internet
Khởi sắc từ Hiệp định CPTPP
Hiệp định CPTPP đã chính thức được phê chuẩn vào ngày 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019. Trong số 11 quốc gia thành viên tham gia Hiệp định CPTPP, đã có Mexico phê chuẩn hiệp định còn 2 nước Peru, Chile chưa được phê chuẩn. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm có hiệu lực đối với Việt Nam, năm 2019, tổng giá trị thương mại hai chiều của Việt Nam với Mexico, Chile, Peru đạt 5,12 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang ba thị trường này đạt 4,11 tỷ USD, tăng 26,76% so với cùng kỳ năm 2018.
Bà Võ Hồng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cho biết: đây là những thị trường mà Việt Nam xuất siêu cao nhất tại khu vực Mỹ Latinh, với tổng giá trị thặng dư thương mại đạt hơn 3 tỷ USD. Tăng trưởng ghi nhận lần lượt tại các thị trường Mexico (26,3%), Chile (20,3%) và Peru (36,4%).
Năm 2020, mặc dù chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid 19, song xuất khẩu sang 3 thị trường này vẫn đạt 3,74 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tăng trưởng ghi nhận ở cả Mexico (8,6%) và Chile (0,7%). Những mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: hàng dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ, điện thoại linh kiện các loại,…
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng ít nhiều đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước, nhằm phục hồi kinh tế hậu Covid - 19, ông Ivan Antonino Sosa – Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam – thông tin: là thành viên của CPTPP, Mexico và Việt Nam cùng hai quốc gia Mỹ Latinh khác trong CPTPP là Chile và Peru đã thống nhất trong Phiên họp thứ 3 của Hội đồng Hiệp định được tổ chức tại Mexico vào tháng 8 năm nay về việc tiếp tục làm việc với nhau để hướng tới phục hồi kinh tế bằng cách tránh các biện pháp hạn chế thương mại, đảm bảo hoạt động và tính liên kết của các chuỗi cung ứng.
Đây chính là những cơ hội để hàng Việt Nam cũng như hàng của các nước như Mexico, Peru, Chile có thể tiếp tục vận hành một cách thông suốt tại các thị trường lẫn nhau.
Ảnh minh họa nguồn internet
Nhiều dư địa hợp tác
Trong số 11 nước tham gia CPTPP, Mexico, Peru, Chile đều là những nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan cho hàng hoá Việt Nam rất cao ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Cụ thể, tỷ lệ cắt giảm thuế quan cho hàng hoá Việt Nam tại Peru là 80%, Mexico là 77%, thậm chí Chile lên đến 95%. Với những ưu đãi thuế quan dành cho Việt Nam cao như vậy, hàng Việt sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập vào các thị trường này.
Ông Lưu Vạn Khang - Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico - cho biết, Mexico là thị trường đầy tiềm năng cho thuỷ sản Việt. Đơn cử như: Cá đông lạnh, tôm là mặt hàng được hưởng thuế suất 0% kể từ năm thứ 3 CPTPP có hiệu lực. Hàng năm, Mexico nhập khẩu khoảng 351 triệu USD cá đông lạnh. Mặt khác, Mexico còn là thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh nên doanh nghiệp Việt cần chú ý đến yếu tố về giá.
Đối với mặt hàng tôm, hiện Mexico đang có lệnh cấm nhập khẩu tôm từ một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. “Khi lệnh cấm được xóa bỏ, chắc chắn với thế mạnh về giá và chất lượng, Việt Nam có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường khi mức thuế hiện tại cho nhóm hàng này là khoảng 20%” - ông Lưu Vạn Khang cho hay.
Peru cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng và là thị trường tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận của Việt Nam bởi 75% các công ty xuất nhập khẩu của Peru là vừa và nhỏ, hàng hóa dễ thâm nhập. Ông Lê Hồng Quang – Tham tan thương mại Việt Nam tại Brazil – cho rằng: Peru và Việt Nam lần đầu tiên có quan hệ FTA, các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu một số loại hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh, điển hình như dệt may, giày dép.
Dệt may, giày dép khi xuất khẩu sang thị trường Peru, thuế suất giảm theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 16. Hàng năm, Peru nhập khẩu khoảng 350 triệu USD hàng giày dép, chủ yếu là giày dép giả da hoặc có thành phần nhựa. Với CPTPP, mặt hàng giày dép xuất xứ từ Việt Nam vốn đã được biết đến tại Peru sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh ngang bằng hàng hóa của Trung Quốc và Brazil.
Đối với Chile, dù là một thị trường nhỏ tại Nam Mỹ nhưng cơ hội lại rất rộng mở cho hàng hóa Việt Nam. Với việc CPTPP đã có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, Việt Nam đang có thêm nhiều cơ hội tăng cường xuất khẩu sang Chile. Mặc dù Hiệp định CPTPP chưa được phê chuẩn tại Chile song trước đó, Việt Nam và Chile đã có FTA từ năm 2011, nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tận dụng được ưu đãi từ FTA này.
“Các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng không phải là thế mạnh của Chile và không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân nước này. Hàng năm, Chile phải nhập khẩu trên 16 tỷ USD hàng tiêu dùng. Do vậy, các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Chile chủ yếu mang tính bổ sung, không cạnh tranh lẫn nhau”- bà Sải Thị Thu Thủy – Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Chile cho hay.
Mặc dù có nhiều cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư thông qua việc tận dụng các ưu đãi của CPTPP song do địa lý xa xôi, rào cản ngôn ngữ, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và nắm bắt cơ hội. Theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường này, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu thị trường để dánh giá nhu cầu đối với sản phẩm của mình, xác định lợi thế cạnh tranh; nghiên cứu kỹ các quy định về nhập khẩu hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan. Đồng thời lựa chọn phương thức thâm nhập thị trường xuất khẩu phù hợp và tìm kiếm đối tác tin cậy.