Phú Quang - nghệ sĩ lang thang phố

Đăng bởi DƯƠNG PHƯƠNG VINH

01/09/2020 20:00

Giải thưởng Lớn “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” đặt tiêu chí “cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng các tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp”. Ban Tổ chức nhận định “Phú Quang xứng đáng từ lâu”. Dưới đây là đôi nét chấm phá về người nhận giải năm nay.

Chân dung Phú Quang chụp năm 1994 trên nền tranh Phái - trong BST Trần Hậu Tuấn

GIA TÀI ÐỒ SỘ

Trang web của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thống kê chưa đầy đủ về hội viên Nguyễn Phú Quang: Có 13 chương trình Audio - Cassette, 3 chương trình CD, 2 chương trình Video-Cassette; Tập bài hát Đâu phải bởi mùa thu (1990), Tuyển Những tình khúc Phú Quang chọn lọc (46 bài, 1995)…

Khi còn khỏe Phú Quang cho biết đã viết 500-600 ca khúc, ra vài chục album. Căn cứ vào độ phổ biến, có thể thấy anh có khoảng gần trăm ca khúc vang lên thường xuyên ở các đêm nhạc riêng chung và phủ sóng phát thanh, truyền hình, các nơi chốn khác.

Người này là hội viên mấy hội liền, bởi anh soạn nhạc cho khoảng 200 phim điện ảnh- truyền hình và chừng ấy vở diễn (kịch, cải lương, múa, ballet…). Ngoài lượng đồ sộ ca khúc, Phú Quang còn nổi tiếng trong giới là người viết khí nhạc chắc tay. Anh kể Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiều lần mang sắc thái “tự biên tự diễn tự hoan hô, tự mua phần thưởng tự trao cho mình” cho nên có năm Hội ưu ái vinh danh Phú Quang thì anh cợt nhả: “Năm nay các anh không tự trao giải cho mình nữa à”.

Những năm cuối 1970 đầu 1980, Phú Quang là nhà sáng lập và nhạc trưởng Dàn nhạc nhẹ thính phòng (kiểu Paul Mauriat) mang tên Mùa Thu vang danh cả nước, chuyên trình tấu các bản nhạc không lời chuyển soạn từ các ca khúc nổi tiếng, đồng thời tổ chức phối khí để thu thanh rất nhiều ca khúc cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Chỉ đến khi Phú Quang chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp, Dàn nhạc Mùa Thu mới ngừng hoạt động.

Về Em ơi Hà Nội phố, đỉnh cao danh vọng của Phú Quang. Một người quen của tôi nói: “Đọc trường ca Em ơi Hà Nội phố của Phan Vũ thấy ca khúc phổ thơ chỉ như cái khuy đẹp trên chiếc áo lộng lẫy”. Tôi không nghĩ thế. Gần 300 câu thơ rút lại chỉ còn vài chục câu hát mà Hà Nội vẫn hiện lên cổ kính nên thơ hào hoa phong lưu đến vậy! Em ơi Hà Nội phố chính là trường hợp bài hát nổi tiếng khiến người ta tìm đến bài thơ, chứ không phải ngược lại. Vinh dự thuộc về nhà thơ, chứ không phải ngược lại! (Có thống kê: Em ơi Hà Nội phố là ca khúc được các ca sĩ thu âm nhiều nhất trong lịch sử tân nhạc). Nỗi nhớ mùa đông cũng thế thôi- nếu không tút tát mà để nguyên đai nguyên kiện thế này thì liệu có hay hơn không: Dường như ai đi ngang cửa/Hay là ngọn gió mải chơi… Chưa chắc.

Các ca khúc phổ thơ cực uyển chuyển nữa của Phú Quang: Biển của thời đã mất (thơ Dương Thu Hương), Trong miền ký ức và Mùa hạ còn đâu đều thơ Hoàng Hưng, Phía tối tâm hồn tôi thơ Phan Đan, Khúc mùa thu thơ Hồng Thanh Quang, Đâu phải bởi mùa thu - Giáng Vân, Biển nỗi nhớ và em - Hữu Thỉnh, Im lặng đêm Hà Nội - Phạm Thị Ngọc Liên, Tình khúc 24 - Dương Tường, Chiều hoang - Thái Thăng Long… Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường thì Dạ khúc được Phú Quang chuyển thể du dương nhất, một nỗi buồn sang trọng mà chẳng cần la toáng Có nhiều khi tôi quá buồn/Tôi ước mơ quanh chỗ tôi ngồi mọc lên nhiều cây cỏ… (Nỗi buồn- Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Các lãng tử thời còn quán bia Hội Văn nghệ 81 Trần Quốc Thảo (TPHCM). Từ trái sang, hàng đứng: Trần Tiến, Phù Hư. Hàng ngồi: Trần Hữu Dũng, Phú Quang, Bùi Chí Vinh
 Ảnh và chú thích: Tư liệu Bùi Chí Vinh

“Ta còn em”

“Nghe Em ơi Hà Nội phố thấy như sắp mất Đất Thánh đến nơi”- Phú Quang kể thuở ca khúc này mới ra đời,có người nói như vậy, không hiểu khen hay chê nữa.

Ca sĩ Mỹ Hạnh- hát nhạc Phú Quang rất hay, kể với tôi rằng hồi xưa bọn Hạnh vẫn bảo Phú Quang “Nhạc anh phản động lắm, chả có tí hào hùng nào mà quá lãng mạn, quá tình”. (“Người phản động” cuối cùng cũng được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014). 

Mùa thu 1994, Cung Văn hóa Hữu nghị diễn ra 6 đêm Cả nước hát về Hà Nội nhân 40 năm giải phóng Thủ đô. Có hôm Ban Tổ chức lên danh sách nhầm tên ca khúc Hà Nội hào hùng, Hà Nội vinh quang gì đó của Phú Quang, anh bảo: Tên bài hát như thế chắc của Vĩnh Cát, không phải Phú Quang!

Trong chương trình Giai điệu Tự hào 2016, Em ơi Hà Nội phố thêm một lần được vang lên. Một nữ tiến sĩ, thành viên hội đồng bình luận tỏ ra am hiểu, cho biết câu thơ “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” có bối cảnh là phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam khi ấy, căn nhà bị bom làm gãy đôi”. 

Bên dưới bài báo thuật lại chi tiết này, có độc giả thông tin như sau:

“Theo tôi biết, Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ không liên quan đến Đài Phát thanh mà là ở một ngôi nhà phố Quán Thánh bị trúng bom. Ai cần tìm hiểu thì hỏi chính tác giả thơ Phan Vũ - một trong những người đêm Hà Nội bị ném bom (12/1972) đã xúm vào đẩy chiếc piano nặng trịch khỏi căn nhà trúng bom, mấy ngày sau lại đẩy về để chị Nhàn (pianist nổi tiếng Trịnh Thị Nhàn- DPV) thánh thót đàn trong căn nhà ấy”.

Thật là vùng ký ức đặc biệt, cuộc tranh luận đặc biệt, đau thương mà phong lưu hào hoa. Và đó là Hà Nội!

Còn nhạc sĩ kể: “Em ơi Hà Nội phố thu âm xong, nhiều người nói không thể cho vào băng được, vì viết về Hà Nội là phải ca ngợi, phải hào hùng”. Anh bộc lộ: “Tôi nghĩ tình yêu đích thực đâu cần ồn ào. Nếu không biết yêu những điều bé nhỏ thì sẽ không biết yêu điều lớn lao. Hai năm sau bài hát được giải thưởng sáng tác về Hà Nội, tôi đã không muốn nhận giải”. 

NHỮNG NỖI NHỚ

Tôi từng nói với Phú Quang: “Bài Nỗi nhớ của anh (Nỗi nhớ dâng đầy trong anh, gương mặt em nụ cười em…) thực sự là nỗi nhớ. Còn nỗi nhớ Hà Nội, có nhất thiết tri hô luôn luôn thế không?”.

 lúc tôi trêu: “Lại ve vãn nỗi nhớ (Hà Nội) rồi”. Khán giả có người bảo: “Hơn tiếng rưỡi đồng hồ bay chứ mấy mà cứ kêu gào nhớ với nhung”. (Hồi đó Phú Quang còn ở Sài Gòn, chưa “về lại phố xưa”).

Nói vậy chứ tôi biết tình yêu ở người này là có thật, và thỉnh thoảng cố tình liệt kê một lô sự dở, bất cập của Hà Nội. Phú Quang chả phản bác mà còn vào hùa, kể hôm rồi đoàn nghệ sĩ Sài Gòn ra diễn, đi xe ca trên đường Hà Nội thấy dòng chữ viết bậy mà còn sai chính tả làm cả bọn cười “nghiêng xe”. Nhiều pha chết cười khác nữa (trong những câu chuyện cách nay hai mấy năm). Anh cũng kể hồi trẻ sống ở Khâm Thiên, hàng xóm nói tục đến nỗi sau này anh “không thấy cái gì trên đời là tục nữa”.

Có nghĩa là, tình yêu này không hề mù quáng. Biết tuốt - sự hay sự dở, nhưng vẫn yêu, thương.

Còn tình yêu “kia”? Tôi phán: “Những người tuyệt đối khăng khăng không có khả năng yêu đơn phương thì hình như chỉ biết yêu vừa vừa thôi?”. Không thể đơn phương là vì lòng tự trọng như trái núi, hay vì quá yêu bản thân? Còn câu này nữa: Nếu không yêu quá mức nghĩa là yêu chưa đủ (ai đó nói, không phải tôi).

Chuyện nghề thì sao?

“Ăn như vũ, ngủ như ca, la cà như nhạc”. Nghe kẻ trong chăn như Phú Quang phân tích, tôi mới biết nhiều người hát như thể một người sâu sắc, kỳ thực hát từ cổ họng lên thôi, chỉ là được trời phú giọng hát cộng thêm ăn tốt ngủ tốt mà thành ông sao. Tuy vậy giới sáng tác như Phú Quang hẳn đôi lần ngó nghiêng sang giới biểu diễn thấy vinh quang của họ mà chạnh lòng. Khán giả yêu chiều họ quá, báo chí cũng vậy! Cát-sê ngất ngư, không tưởng. Sống như ông hoàng bà chúa. Khi mà các nhạc sĩ tiếng tăm vẫn phải lần hồi mưu sinh. Tuy vậy có nhà văn trứ danh phàn nàn với tôi rằng các anh thiệt đơn thiệt kép so với “bọn nhạc nhẽo” vì dù có là văn chương Nobel đi nữa cũng chả độc giả nào tấu lên, ngân nga chúng trong khi khán giả âm nhạc thì vô cùng nhẹ dạ nhất là fan nữ.

Hồi cuối tháng 5/2020 nhà báo Ngô Hà Thái, cựu Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, đồng sáng lập kiêm thành viên giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội gọi điện cho tôi sau khi đọc bài Phú Quang - Cháy lên tia lửa mặt trời của tôi in Tiền Phong 30/5/2020. Anh Thái hỏi thăm tình hình sức khỏe của Phú Quang để tháng Tám liệu vinh danh nhạc sĩ của Hà Nội ở hạng mục Giải thưởng Lớn - quan trọng nhất trong 4 hạng mục. Số là giải này luôn trao cho người sống, mà Phú Quang được đề cử lâu rồi, chỉ là đang nhường người khác mà thôi. Đến 14/7, Cẩm Vinh- con dâu danh họa Bùi Xuân Phái bước ra từ cuộc sơ khảo, cho tôi biết Phú Quang đạt đồng thuận tuyệt đối. Gia đình ông Phái cũng đề cử miệng cho Phú Quang từ 3 năm trước.

Và bây giờ, giải đã có chủ. Cho dù Phú Quang vẫn mệt nặng, chưa thể lang thang phố mà đang chơi vơi trong miền ký ức...

Kỉ niệm Hà Nội 1994 giữa nhạc sĩ Phú Quang (phải) và đạo diễn NSND Huy Thành (trái). Tác giả bài báo ngồi giữa chứng kiến Ảnh: Tư liệu DPV

KHÁN GIẢ VÀ NỖI NHỚ DÀN NHẠC MÙA THU
(Phú Quang là nhạc trưởng và nhà sáng lập)


Thời đó thiếu thốn đủ thứ, không có phơ cho guitar điện, phòng thu không có máy tính mà chỉ có máy ghi âm chạy băng từ. Nhạc cụ dây thì không có dây Alice hay Dominan hay Vilaso như giờ đâu. Cũng lấy đâu ra đàn organ, phần mềm soạn nhạc. Nhưng thế hệ đầu tiên của Trường Nhạc đã chơi tuyệt vời!

(LINHISMYNAME TOO)

Tôi muốn nghe lại tất cả các bản nhạc không lời được chuyển soạn từ ca khúc của Dàn nhạc Mùa Thu, Dàn nhạc Hồng Hà. Cách đây 10 năm VOV3 vẫn phát sóng nhưng giờ không thấy nữa.
(NAM TRẦN)

Cú thành lập dàn nhạc bán cổ điển mang tên Mùa Thu những năm 70 thế kỉ trước là sự phá rào đi trước thời đại, oánh hơi bị chất! Phú Quang đệm cho Ngọc Tân thì hay thôi rồi, phối ngon, mỗi tội Ngọc Tân hát hay sáng tác lời.                               
(LÃ HỒNG NGUYÊN)

Phú Quang làm nhà tổ chức biểu diễn cũng chuyên nghiệp như chuyên môn sáng tác. Hai mươi mấy năm trước, Hà Nội no nê các đêm nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn…- đều do Phú Quang khởi sự, sau đó mới thành trào lưu. Nhờ anh mà thời internet chưa phát triển đó, khán giả được thưởng thức các đại danh một cách hệ thống, thấy danh bất hư truyền. Thế nhưng đây đó vẫn có người nói Phú Quang “hỗn hào”, “róc mía trên đầu tiền bối”, “dám đặt mình ngang Văn Cao, Trịnh Công Sơn cơ đấy”… Nói chung, mệt phết. Nhưng người này gan liền tướng quân bởi anh cho rằng “miệng thế gian như làn sóng bể” và hay thương những ai “giống con thỏ vừa đi vừa nghiêng tai lắng nghe người khác nói gì về m

DƯƠNG PHƯƠNG VINH
Nguồn https://www.tienphong.vn/van-hoa/phu-quang-nghe-si-lang-thang-pho-1714167.tpo
Bạn đang đọc bài viết "Phú Quang - nghệ sĩ lang thang phố" tại chuyên mục Nghệ thuật. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.