Bức tranh kinh doanh “bết bát” qua từng năm của Casuco
Là doanh nghiệp tồn tại với hơn 28 năm trên thị trường, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) tiền thân là Công ty Mía đường Cần Thơ, doanh nghiệp Nhà nước được thành lập ngày 15/11/1995 để thực hiện đầu tư xây dựng Nhà máy đường Vị Thanh và Phụng Hiệp. Đến năm 2005, Casuco được cổ phần hoá theo Quyết định 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Từng được mệnh danh là “đại gia” của ngành mía đường miền Tây, thế nhưng đi ngược với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, suốt nhiều năm qua, Casuco dần trở thành điển hình cho mô hình quản lý yếu kém, đi lùi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, tính từ niên vụ 2018-2019, Casuco chỉ ép được gần 600.000 tấn mía, giảm gần 40% sản lượng mía ép, lượng đường thu được gần 51.000 tấn, giảm hơn 40% so với niên vụ trước đó. Về mặt doanh thu, Công ty ghi nhận con số 1.051 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kì; giá vốn quá cao khiến cho công ty này lỗ gộp 34 tỉ đồng.
Không có dấu hiệu cải thiện, tiếp sang niên độ 2021-2022, sản lượng mía đưa vào ép và sản lượng đường sản xuất của Casuco đều không đạt kế hoạch. Cụ thể, với sản lượng mía ép thực tế chỉ đạt 70.600 tấn, thấp hơn kế hoạch gần 30.000 tấn; sản lượng đường sản xuất đạt 7.000 tấn so với kế hoạch là trên 9.200 tấn, dẫn đến tổng doanh thu chỉ đạt 86/141 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế lỗ trên 1,951 tỉ đồng trong khi kế hoạch lãi trên 2,3 tỉ đồng.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Casuco gây nhiều tranh cãi
Trên đà giảm “không phanh”, tháng 3/2023, Casuco tiếp tục khiến thị trường phải bất ngờ khi Chủ tịch HĐQT ký tờ trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 với mục tiêu lỗ 34,147 tỷ đồng trong niên độ 2022-2023.
Có thể nói, từ chỗ ép 950.000 tấn mía niên độ 2017-2018 thì sau nhiều vụ, lượng mía ép tụt giảm liên tục và đỉnh điểm là vụ 2022-2023 ép chỉ được hơn 10.000 tấn mía – sản xuất chỉ có một tuần, kết quả kinh doanh bết bát này chính là hệ quả tất yếu đã được cảnh báo từ 4-5 năm trước khi mà diện tích mía ngày càng bị thu hẹp.
Niên độ 2023-2024, vụ mía sau “đắng” hơn vụ mía trước
Vùng nguyên liệu mía đường miền Tây rất lớn nhưng hiện nay gần như bị xóa sổ bởi người trồng mía ồ ạt bỏ ruộng mía, không còn tin nhà máy đường có thể giúp đủ trang trải cuộc sống bởi giá mía bấp bênh, không ổn định. Theo cáo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, niên vụ 2022-2023, tổng diện tích mía đã xuống giống của địa phương chỉ đạt 3.377 héc ta, so với diện tích lên đến 14.000-15.000 héc ta từng được ghi nhận của những năm trước đây do người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
Nhà máy đường Phụng Hiệp không đủ điều kiện để sản xuất trong niên vụ 2023-2024
Trái với thực tế khó khăn đó, tại ĐHĐCĐ vào tháng 3/2023, ông Trần Ngọc Hiếu – Chủ tịch HĐQT Casuco khẳng định, vụ 2023-2024 nhà máy đường Phụng Hiệp không đủ điều kiện để sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không có được định hướng hay kế hoạch kinh doanh cụ thể nào cho niên độ 2023-2024.
Niên độ 2022-2023 sắp kết thúc, Casuco chắc chắn sẽ phải đối mặt với hàng loạt chất vấn mới. Trong đó, kế hoạch cho vụ ép 2023-2024 cũng như tương lai ngành mía đường miền Tây vẫn là lời bỏ ngỏ của doanh nghiệp này. Trước sự mờ mịt đó, con số lỗ của Casuco dự kiến sẽ còn cao hơn so với mục tiêu đề ra.
Người nông dân miền Tây không còn nhiều “mặn mà” với mía
Thực tế, với kết quả kinh doanh liên tục gây thất vọng trong nhiều năm qua, cổ đông, nhà đầu tư hay người nông dân cũng không còn quá nhiều hi vọng vào một sự chuyển biến tích cực có thể vực dậy một sớm một chiều tại Casuco. Người trồng mía mất niềm tin, còn nhà máy đường thì mất uy tín. Lối thoát cho Casuco, dù sớm dù muộn vẫn là một bài toán cần được giải, không thể mãi né tránh.