Nét đặc trưng của không chỉ nằm ở tuổi đời mà còn ở cách thức pha cà phê bằng chiếc vợt thay vì phin như bình thường, thế nên cái tên Cà phê vợt là xuất phát từ cách pha của loại đồ uống này. Người bán dùng nước sôi để trụng sạch vợt rồi cho một lượng cốt cà phê xay nhuyễn nhất định vào một chiếc vợt vải hình phễu, miệng tròn, kẹp cọng kẽm ở đầu và cán, sau đó trụng nước sôi, lấy muỗng khuấy đều vài lần rồi đậy nắp siêu lại ngâm ủ nóng trên nồi hơi. Khi có khách yêu cầu, người pha mới chế nước sôi già, lọc qua vợt một lần để trong khoảng 5 đến 10 phút cho cà phê thấm dần nữa rồi rót ra ly, từ đấy tạo nên những mẻ cà phê tuyệt ngon với hương vị độc quyền.
Cà phê vợt từng một thời phổ biến ở đất Sài Gòn, qua thời gian, nét văn hóa cà phê này dần biến mất. Hiện nay, chỉ còn khoảng 2 quán giữ được hình thức này, với tuổi đời đều trên nửa thế kỷ.
Quán cà phê vợt ở hẻm 330 Phan Đình Phùng
Với "tuổi đời" bước sang con số hơn 60, quán cà phê vợt của bà Phạm Ngọc Tuyệt và ông Đặng Trần Con ở lề đường của hẻm 330 Phan Đình Phùng (Phú Nhuận, TP.HCM) đã trở thành một điểm đến quá quen thuộc của người Sài Gòn.
Quán cà phê này là một nhân chứng đầy sinh động và hoài cổ của Sài Gòn. Ảnh: Internet
Quán đã truyền đến 3 đời và là điểm hẹn yêu thích của nhiều thế hệ. Ở đây, bà Ba (chủ quán) nay đã hơn 60 tuổi cùng các con thay phiên nhau bán cả ngày đêm. Chiếc bếp than đun nước pha cà phê được gia chủ coi là linh hồn của quán. Quán nhỏ nhưng rất đông khách, đa phần đều là khách quen vì thế hơn 50 năm nay, quán chưa một lần đóng cửa.
Nét đặc trưng của quán không chỉ nằm ở tuổi đời mà còn ở cách thức pha cà phê bằng chiếc vợt thay vì phin như bình thường. Người bán cà phê dùng nước sôi để trụng sạch vợt rồi cho vào trong một lượng cà phê xay nhuyễn nhất định. Sau đó, nhúng chiếc vợt vào siêu nước đang sôi, lấy muỗng khuấy đều vài lần rồi đậy nắp siêu lại, để trong khoảng 5 đến 10 phút cho cà phê thấm dần và tạo nên những mẻ cà phê tuyệt ngon với hương vị 60 năm không đổi.
Cà phê pha bằng vợt làm nên nét đặc trưng của quán. Ảnh: Internet
Cà phê pha xong được rót vào 2 ấm nhỏ. Cà phê thơm, sánh là lý do nhiều người dù ở xa nhưng tuần nào cũng phải ghé quán uống cà phê.
Cà phê ở đây được rót vào 2 ấm nhỏ, một ấm đựng loại để nguội, dùng cho những người thích uống với đá. Ấm còn lại để trên bếp than lửa nhỏ để giữ nóng. Nhờ hương vị đặc trưng nên quán lúc nào cũng đông và đủ mọi thành phần khách. Giá một ly cà phê từ 10 – 14 ngàn với các loại như cà phê đen, đen đá, sữa nóng, sữa đá, cà phê vị đắng, bạc xỉu…
Hương vị độc đáo của cà phê vợt khiến các vị khách chấp nhận ngồi dọc hai lề hẻm để nhâm nhi ly cà phê. Ảnh: Internet
Cảnh chờ đợi uống cà phê thường xuyên diễn ra vào sáng sớm hoặc dịp cuối tuần. Nhiều người sẵn sàng đi xe hàng cây số để mua cà phê về nhà cho gia đình.
Quán cà phê ở hẻm 313, quận 11
Một quán cà phê vợt khác được nhiều người biết đến ở Sài Gòn là quán của ông Lưu Nhân Thanh nằm trong hẻm 313 (Tân Phước, P. 6, Q.11). Hơn nửa thế kỉ hoạt động với không gian đơn giản, cũ kĩ đặc trưng của quán đã níu chân biết bao người thành khách quen.
Cách pha chế của quán ông Thanh có phần xưa cũ với bếp củi, siêu đất nung. Cứ 5h sáng, bếp củi nhà ông lại đỏ lửa để đun nước sôi pha cà phê phục vụ khách. Bí quyết pha cà phê của ông là không bao giờ giặt vợt pha bằng xà phòng vì dễ làm mất mùi thơm của cà phê. Đồng thời ông dùng siêu đất - loại siêu chuyên dùng để nấu thuốc bắc để pha cà phê. Cầu kỳ là thế nên khi nhấp từng ngụm, người uống sẽ cảm nhận được mùi thơm, vị đậm đà tan chảy từ đầu lưỡi đến họng.
Ông Thanh cho biết vợt càng đen thì cà phê càng đậm đà hương vị. Ảnh: Internet
Cà phê được ông pha bằng siêu đất - loại siêu chuyên dùng để nấu thuốc bắc. "Chỉ có giữ nóng bằng cái siêu đất, hương thơm cà phê vợt mới ngon hơn hẳn cà phê đựng trong cái phin bằng kim loại”, ông Thanh cho biết.
Cà phê pha xong bằng siêu đất mới được đổ ra siêu nhôm để bán cho khách. Ảnh: Internet
Cà phê ở quán này giá rất rẻ, ly cà phê nóng giá chỉ 5.000 đồng, có sữa là 6.000 đồng. Đối tượng khách hàng của ông đa phần là những vị trung và cao tuổi. Họ uống như một thói quen hay nói đúng hơn là thỏa cơn ghiền cà phê vợt, nhất là khi kiểu pha chế này đã gần như mất hút tại Sài Gòn.
Cho đến bây giờ, vẫn không ai biết chính xác cái cách pha cà phê bằng vợt có từ thời điểm nào. Chỉ biết những quán như của ông Thanh, bà Tuyết vẫn đang níu giữ "hồn" cà phê vợt và nét văn hoá một thời của người dân đô thị.
Cà Phê cô Hạnh nằm góc đường Thủ Khoa Huân, thành phố Cần Thơ
Cà phê vợt được biết đến với những cái tên khác như cà phê bít tất, cà phê kho. Cà phê này bắt nguồn từ người lao động gốc Hoa ở Sài Gòn vào thế kỷ XX tại quận 5, sau đó dần phổ biến sang các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ.
Du khách muốn thưởng thức ly cà phê miền Tây, thư thái đọc báo giấy, trò chuyện lai rai có thể tìm các sạp cà phê vợt nằm trên quận Ninh Kiều. Cà phê vợt góc đường Thủ Khoa Huân, cạnh bảo tàng Cần Thơ là một địa chỉ quen thuộc được người bản địa ưa chuộng. Quán thu hút mọi tầng lớp lao động từ người già, hưu trí đến học sinh, sinh viên.
Mỗi ngày từ 4h sáng, bắc bếp than đun nước sôi, châm vợt cà phê đón khách. Chỉ một xe đẩy nhỏ, quán bán những loại cà phê đơn giản như: đen, nâu, bạc sỉu. Mỗi ly có giá 12.000 đồng, có thể uống nóng, lạnh tùy thích.
Cô Hạnh mở hàng cà phê được hơn 47 năm. Khách của cô chủ yếu là người cao tuổi, hưu trí. "Thanh niên cũng có, chủ yếu là người làm văn phòng quanh đây còn cuối tuần thường có bọn trẻ tụ tập vì chỗ ngồi rộng, thoáng", cô chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Hạnh, 57 tuổi bán cà phê vợt hơn 47 năm. Ảnh: Internet
Mỗi ly cà phê được đựng trong chén sứ nhỏ màu trắng, kèm đĩa con và thìa nhỏ để khuấy. Ảnh: Internet
Cà phê vợt không dùng phin pha nên có hương vị đặc trưng khó lẫn. Hương thơm nồng nàn, cái đắng tan vào lưỡi, xen lẫn mùi rang xay khen khét, thêm chút ngọt béo của lớp sữa đặc dưới đáy ly khiến thực khách nhâm nhi cả ngày không chán.
Cô Hạnh tự chế chiếc gáo cả có cán dài hơn 20 cm để lấy nước sôi. "Ngày đầu mới bán, tôi bị bỏng nhiều lắm. Không cẩn thận, khói bốc lên làm rộp hết bàn tay, nhưng càng về sau càng quen. Giờ hỏi bán được bao nhiêu ly tôi cũng không nhớ được", cô chia sẻ.
Cô Hạnh sử dụng gáo cả dài để rót nước vào ấm nhỏ pha cà phê. Ảnh: Internet
Ấm cà phê thơm nóng nghi ngút khói trở thành hình ảnh đáng nhớ làm người dân bến Ninh Kiều mỗi lần đi xa về đều ghé lại quán. "Mình thích uống cà phê đen ở đây vì ngon và thơm đậm mùi, không có vị bắp pha như các chỗ khác.", Lữ Công Nguyên, một vị khách quen của quán chia sẻ.
Quán bán từ 4h sáng hàng ngày. Cuối tuần là những ngày đông khách nhất. Góc phố chật ních người, mỗi người một ly ghế nhựa, trò chuyện râm ran cả buổi.