KINH TẾ VIỆT NAM VỚI TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG Á CHÂU ,TỪ TẦM NHÌN NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á.

Đăng bởi Lê Thành Ý

02/05/2021 20:38

Như thông lệ. vào cuối Quý I hàng năm, Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank-ADB-)đều xây dựng báo cáo Phát triển châu Á (ADO). Ngày 28 tháng 4 năm 2021, từ Manila (Phlippines) tổ chức này đã truyền đi thông cáo báo chí nêu rõ “Tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế đang phát triển châu Á sẽ phục hồi ở mức 7,3% trong năm nay”. Thông cáo nhấn mạnh “Tăng trưởng đang lấy lại đà trong toàn bộ các nền kinh tế đang phát triển châu Á, nhưng những đợt bùng phát Covid-19 mới đây đe dọa tiến trình phục hồi”. Trong chương viết về Việt Nam, báo cáo ADO2021 cho rằng, nhờ thành công trong kiềm chế đại dịch Covid-19, nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 và 7,0% vào năm 2022. Từ quan điểm và tầm nhìn khách quan của các chuyên gia phân tích thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á, bài viết tổng hợp một số nội dung để cùng trao đổi.

Xu thế khu vực và thực trạng của nền kinh tế Viêt Nam

Được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế toàn cầu và những tiến bộ ban đầu về vắc xin Covid-19, những nền kinh tế đang phát triển châu Á có nhiều khả năng hồi phục tốt trong năm nay. Mặc dù kinh tế toàn cầu có nhiều biến đông; song kinh tế Việt Nam, với độ mở rất rộng vẫn tăng trưởng dương, bất chấp đại dịch COVID-19 và theo đó là sụt sụt giảm trong đà tăng trưởng âm của nền kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo thường niên “Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021” ấn hành vào tháng 4, Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết, ngoại trừ những nền kinh tế công nghiệp mới như Hồng Kông, Trung Quốc, Han Quốc, Singapore và Đài Bắc, những nền kinh tế đang phát triển châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng 7,7%  trong năm nay và 5,6% trong năm 2020.

Báo cáo ADO 2021 nhấn mạnh, phần lớn các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021 và 2022 với dự báo, kinh tế Trung Á tăng trưởng trung bình 3,4% trong năm nay và 4% trong năm tới; những nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại ở ĐNA, sau khi tăng trưởng ở mức âm 4,0% vào năm 2020, năm 2021 sẽ  tăng trưởng 4,4% và đạt 5,1% trong năm 2022; các quốc đảo Thái Bình Dương vẫn chịu ảnh hưởng bởi hạn chế đi lại và suy sụp của ngành du lịch, có mức tăng trưởng khiêm tốn, chỉ đạt 1,4% và có thể lên 3,8% trong năm 2022.

Xuất khẩu gia tăng và tiêu dùng hộ gia đình phục hồi thúc đẩy mạnh hoạt động kinh tế ở CHND Trung Hoa và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này năm 2021 được dự báo tăng 8,1% và 5,5% trong năm 2022. Nhìn chung, đà tăng trưởng của khu vực Đông Á vẫn có nhiều triển vọng với dự báo GDP toàn khu vực năm 2021 tăng 7,4% và đạt 5,1% trong năm 2022. Mặc dù tình trạng Covid-9 bùng phát dữ dội gây rủi ro lớn trong những ngày gần đây ở Ấn Độ. song tăng trưởng của khu vực Nam Á vẫn có khả năng phục hồi với dự báo tăng 9,5% năm nay và đạt 6,6% trong năm 2022. Trong xu thế hồi phục của các nền kinh tế, lạm phát ở các quốc gia có chiều hướng thu hẹp,dự báo sẽ giảm xuống 2,3% , thấp hơn 0,5 % so với năm 2020 và sẽ tăng lên 2,7% trong năm 2022,

Mở đầu chương Việt Nam của báo cáo ADO 2021, Ngân hàng Phát triển châu Á(ADB) nhấn mạnh Kỳ vọng kiểm soát hiệu quả COVID-19 và tăng trưởng trong công nghiệp, thương mại và đầu tư sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng lên đáng kể trong năm 2021 và 2022. Lạm phát sẽ tăng nhẹ và thặng dư tài khoản vãng lai dần thu hẹp. Tuy nhiên, nền kinh tế chỉ có thể quay trở lại với mức độ tăng trưởng mạnh mẽ nếu như kiểm soát được đại dịch COVID-19”.

Thách thức chính sách lớn đặt ra là phải giảm bớt được tác động của đại dịch lên nghèo đói và thu nhập. Để thấy rõ xu thế và triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam, ADB đã đi sâu phân tích thực trạng của nền kinh tế. Theo đó, các biện pháp hiệu quả của chính phủ đã có tác động lớn trong việc bảo vệ nền kinh tế khỏi đại dịch COVID-19 trong năm 2020.

Với mức tăng trưởng GDP đạt 2,9%, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2020. Nhờ tích cực xúc tiến xuất khẩu; chuyển đổi cơ cấu ngành và khu vực tư nhân năng động, nên mặc dù đại dịch Covod và thiên tai khủng khiếp, song sản xuất nông nghiệp vẫn tăng 2,7%, cao hơn mức 2,0% của năm 2019 và đóng góp tới 0,4 % vào tăng trưởng GDP năm 2020. Mức tăng trưởng của Viêt Nam so với một số nước trong khu vực được thể hiện trong đồ thị dưới đây

 

Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2020 - VietNamNet

Các biện pháp kiểm soát COVID-19 hiệu quả đã góp phần duy trì nguồn cung lao động ổn định. Mặc dù tăng trưởng công nghiệp và xây dựng năm 2020 giảm xuống 4,0%,nhưng vẫn đóng góp 1,4 % vào tăng trưởng. Do nhu cầu bên ngoài yếu đi, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm gần một nửa; mặt khác, nhu cầu dầu mỏ và hàng hoá có liên quan toàn cầu giảm mạnh đã làm chậm tốc độ tăng trưởng của ngành khai kháng. Cho dù vào quý IV năm 2020, ngành dịch vụ có sự phục hồi, song tăng trưởng toàn ngành vẫn giảm 2,3%. Năm 2020, du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do giảm đến 78,7% số lượt khách du lịch quốc tế. Về tổng thể, đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng GDP năm 2020 giảm xuống 0,9% thấp hơn nhiêù so với mức 2,8% của năm 2019.

Về phía cầu, tiêu dùng giảm khi nhiều doanh nghiệp bị phá sản và thu nhập sút giảm do đại dịch.Trong năm 2020, tiêu dùng chỉ tăng 1,1% làm mức đóng góp vào tăng trưởng GDP giảm xuống còn 0,8 %. Do tăng trưởng tổng tích luỹ tài sản cố định giảm một nửa, nên chỉ đóng góp được 1,4% vào tăng trưởng GDP trong năm 2020.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do COVID-19 gây ra, nhưng Thương mại quốc tế vẫn có kết quả tốt; xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ ròng đóng góp 0,3 % vào tăng trưởng, trong đó xuất khẩu tăng 4,4%, cao hơn so với nhập khẩu tăng 3,9%. Lạm phát trung bình ở mức 3,2% , cao hơn so với 2,8% của năm 2019. Giá thịt lợn tăng đột biến trong quý I/2020 và lũ lụt nghiêm trọng tàn phá vào quý III, song nhờ nhu cầu nội địa thấp và giá nhiên liệu thế giới giảm mạnh nên Chính phủ đã kiềm chế đáng kể tình trạng lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2020 đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 3 lần xuống mức thấp kỷ lục 4,0%; lãi suất chiết khấu giảm từ 4,0% xuống 2,5%; giảm trần lãi suất huy động tiền VND và lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ tín dụng thông qua cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất đối với các khoản vay, áp dụng lãi suất ưu đãi cho các khoản vay mới đối với các lĩnh vực ưu tiên nên đã cải thiện được lưu thông tiền tệ. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh ảm đạm và tình trạng phá sản doanh nghiệp làm cho nhu cầu tín dụng sút giảm. Tính đến cuối năm 2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng ngân hàng ước tính vào khoảng 11,0% so với năm 2019, giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua.

Nhờ các hiệp định thương mại tự do, đa dạng hoá các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển hướng thương mại, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 tăng 7,0%. Trong đó, xuât sang Mỹ tăng 25,0%. và CHNDTrung Hoa (PRC) đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ. Dựa vào thặng dư thương mại đáng kể nên mặc dù thu nhập ròng giảm và nhập khẩu tăng 3,6%, song thặng dư tài khoản vãng lai đã không thay đổi so với năm 2019, vẫn tăng 4,6% GDP,.

Trong năm 2020, thặng dư tài chính giảm hơn một nửa, xuống 3,1% GDP, chủ yếu do sự sụt giảm của dòng vốn vay trung, dài hạn và đầu tư gián tiếp. Vì lý do này, thặng dư tổng cán cân thanh toán giảm xuống còn tương đương 6,1% GDP. song dự trữ ngoại hối vẫn tăng,ước đạt 4,2 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2020.

Trong cân đối vĩ mô của nền kinh tế năm 2020, theo ADB, thâm hụt tài khoá tăng chiếm khoảng 5,8% GDP, thu ngân sách giảm 9,2%; Tổng chi ngân sách tăng 1,2%, do chi tiêu của Chính phủ cho các chương trình an sinh xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng (khoảng11,5% GDP) và nợ công tăng nhẹ, lên 55,4% GDP so cùng kỳ năm 2019 là 55,0%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuy giảm vào đầu năm 2020, nhưng đã nhanh chóng phục hồi khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và Ngân hàng Trung ương đã thực hiện các biện pháp cắt giảm lãi suất, kéo các nhà đầu tư trong nước trở lại với thị trường.

Triển vọng phát triển của nền kinh tế việt Nam từ goc nhìn của ADB

Phân tích thực trạng nền kinh tế; từ xu thế phát triển toàn cầu và khu vực, các nhà phân tích dự báo, nền kinh tế Viêt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 và 7,0% trong năm 2022, Đây được cho đây là mức tăng trưởng mạnh và vững chắc nhờ thành công trong việc kiềm chế đại dịch COVID-19.

Nghiên cứu đặc thù của đất nước sau những biến cố từ đại dịch, giới nghiên cứu cho rằng, các động lực tăng trưởng là ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu; gia tăng đầu tư và mở rộng thương mại. Ngành công nghiệp được dự báo sẽ tăng trưởng 9,5% trong năm 2021, để đóng góp 3,5 % vào tăng trưởng GDP. Khu vực này đã có bước khởi động mạnh mẽ ngay trong quý I/2021 với mức tăng 6,3% so với ba tháng đầu năm 2020. Chỉ số quản trị mua hàng tăng 53,6% trong tháng 3, là mức tăng cao nhất kể từ tháng 01năm 2019. Nhờ vắc-xin COVID-19 tạo thuận lợi cho việc đi lại trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam, nhiều doanh nghiệp có vồn nước ngoài (FDI) và trong nước mới sẽ được thành lập. Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn làm gia tăng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu. Lĩnh vực xây dựng được dự báo sẽ tăng nhanh khi Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng trong năm 2021, mặt khác, lãi suất thấp cũng sẽ kích thích mạnh mẽ hơn hoạt động xây dựng và bất động sản.

Nhờ cải cách cơ cấu được duy trì, tiếp cận thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do khu vực được cải thiện và giá lương thực toàn cầu cao hơn;  khu vực dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi với mức tăng 6,0% trong năm 2021 và đóng góp 2,3 % vào tăng trưởng GDP. Theo các nhà phân tích, tăng trưởng của khu vực dịch vụ đến từ tiến trình chuyển đổi số, tăng chi tiêu vắc-xin COVID-19, cải thiện niềm tin kinh doanh và mặt bằng lãi suất thấp hơn.

Khu vực nông nghiệp được dự báo sẽ hoạt động mạnh hơn, đầu tư gia tăng sẽ là động lực tăng trưởng then chốt của năm nay và trong những năm tiếp sau. Thành công kiểm soát COVID-19 và Luật Đầu tư được ban hành tháng 1/2021 giúp giảm được những rào cản quy định về kinh doanh sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài; mức đầu tư FDI đăng ký trong quý I/2021 đã tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ đầu tư tư nhân gia tăng và với yếu tố xúc tác là mặt bằng lãi suất thấp, chi tiêu công tăng, vốn đầu tư đã gia tăng đáng kể. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh cùng với hồi phục tiêu dùng cá nhân, tăng đầu tư tư nhân và lạm phát thấp. Bán lẻ trong quý I/2021 tăng 5,1% cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng đã dần phục hồi và lòng tin của doanh nghiệp gia tăng, Kết quả điều tra doanh nghiệp tháng 12/2020 còn cho thấy, 80% dự báo tình hình kinh doanh trong năm 2021 sẽ khá hơn hoặc ổn định.

Theo nhận xét của ADB, lạm phát trong quý I/2021 của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, nhưng giá dầu tăng trong xu hướng hồi phục toàn cầu và tiêu dùng trong nước gia tăng có thể đẩy lạm phát lên 3,8% trong năm nay và 4,0% trong năm 2022.

Nhờ kinh tế Trung Quốc và Mỹ, hai đối tác thương mại lớn nhất phục hồi và việc thực thi 15 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới, thương mại sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm 2021. Việt Nam đã đạt mức xuất siêu hàng hoá trên 2 tỉ USD trong quý I/2021 và được dự báo sẽ tăng 8,0% năm nay và trong năm tới. Tuy nhiên, tiếp tục lệ thuộc vào đầu tư FDI với sự gia tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá vốn và đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo có thể dẫn đến nhập khẩu tăng 5,0% và thu hẹp thặng dư tài khoản vãng lai xuống tương đương 2,0% GDP của năm nay và 2,5% trong năm 2022.

Được hỗ trợ bởi cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và nhu cầu tín dụng phục hồi của doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện trong năm 2021. Ngân hàng nhà nước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán là 12,0% trong năm nay. NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho đến hết năm 2021 để hỗ trợ doanh nghiệp đương đầu với tác động của đại dịch COVID-19. Sự gia tăng của thị trường chứng khoán và bất động sản,tỉ lệ nợ xấu tăng khi đại dịch qua đi và lạm phát tăng nhẹ trong năm 2020 đều không ủng hộ việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chính sách tài khoá sẽ tiếp tục được mở rộng do nhu cầu chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc y tế và tiêm chủng vắc-xin, ..; những vấn đề này có thể dẫn đến thâm hụt tài khoá cao hơn mục tiêu bội chi ngân sách 4,0% GDP.

Rủi ro theo hướng tiêu cực là đại dịch bùng phát trở lại do các biến thể coronavirus mới và chậm trễ trong triển khai chương trình vắc-xin. Nếu chậm trễ triển khai vắc-xin, COVID-19 sẽ tác động ngay đến khả năng quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ như trước khi có dịch. Sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước có thể làm tăng rủi ro bong bóng tài sản nếu như nguồn vốn không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất. Xét từ góc độ tích cực, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của Trung Quốc và Mỹ có thể làm triển vọng thương mại và tăng trưởng gia tăng đáng kể.

Thách thức chính sách, kiềm chế tác động COVID-19 đối với thu nhập và giảm nghèo đói

Tính toán của ADB vào tháng 12/2020 cho thấy, tác động và rủi ro đáng kể của đại dịch đối với thu nhập. Đặc biệt, COVID-19 sẽ làm giảm thu nhập trên đầu người của hộ gia đình với mức trung bình 9,8%. Trong đó, nhóm có thu nhập thấp nhất có thể bị giảm đến 10,2%. Do các hộ gia đình ở nông thôn cung cấp lao động di cư nhiều, nên họ dễ bị tổn thất thu nhập từ nguồn người lao động gửi tiền về nhiều hơn so với các hộ gia đình ở đô thị. Tương tự, hộ gia đình do phụ nữ làm chủ sẽ bị tổn thất kiều hối nhiều hơn so với hộ gia đình nam giới làm chủ hộ. Theo ADB, sự gia tăng tỉ lệ hộ nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số tuy thấp hơn so với hộ nghèo trong nhóm không thuộc dân tộc thiểu số, nhưng tính theo số lượng tuyệt đối thì số người nghèo người dân tộc sẽ tăng nhiều hơn so với số không thuộc dân tộc thiểu số.

Nhằm ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 trong thu nhập và nghèo đói, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 ngày 9 tháng 4 năm 2020 về Chương trình an sinh xã hội với trị giá tương đương 0,25 GDP để trợ cấp cho cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp. Chương trình dự kiến sẽ trợ giúp cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập thấp nhất và các hộ gia đình ở nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Mặc dù Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả giảm nghèo, nhưng chỉ một chương trình này là chưa đủ để đưa những nhóm dễ bị tổn thương thoát nghèo do hạn chế về số tiền và khoảng cách nghèo còn lớn.

Chương trình trợ giúp người dân cần được tăng cường để giúp các nhóm nghèo và dễ bị tổn thương không tiếp tục bị mất thu nhập. Do tác động của COVID-19 đối với các đối tượng rất khác nhau, nên cần ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng làm việc trong những lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất. Xây dựng một hệ thống theo dõi và đánh giá toàn diện đối với các đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội, bao gồm cả những người thuộc khu vực phi chính thức sẽ là hữu ích để tiếp cận được với những người dân cần được hỗ trợ. Các chương trình trợ cấp nói chung đều có hàm ý ngân sách, chúng cần được sử dụng như một giải pháp ngắn hạn để khắc phục các cú sốc về thu nhập, Theo đó, kế sách lâu dài và bền vững phải hướng vào giúp cho người nghèo và người dễ bị tổn thương đa dạng hoá sinh kế thông qua đào tạo nghề ngắn hạn và cải thiện tín dụng vi mô để hỗ trợ thành lập doanh nghiệp mới.

Thay lời kết luận

Báó cáo ADO 2021 đã làm nổi bật thông điệp; Bất chấp sự tái xuất hiện nguy hiểm của đại dịch Covid-19 ở một số nước trong khu vực, Việt Nam sẽ trở lại với mức tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2021 và tiếp tục tăng lên 7,0% vào năm 2022. Trong phục hồi kinh tế, các ngành chế biến xuất khẩu và đầu tư mở rộng hoạt động thương mại vẫn là những động lực tăng trưởng chủ yếu. Mặc dù có nhiều triển vọng hồi phục, song rủi ro của tăng trưởng vẫn xuất phát từ dịch bệnh Covid-19. Sự bùng phát lại của đại dịch diễn ra ở nhiều nước trong khu vực cho thấy, còn tốn nhiều thời gian để khắc phục hậu quả nên không thể chủ quan và xem nhẹ các giải pháp kiềm chế.

Trong phát triển bao trùm và bền vững, giảm thấp tỷ lệ đói ngheò là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Tác động của Covid-19 đến đói nghèo vẫn rất nghiêm trọng; dịch bệnh kéo dài có thể dẫn đến những thảm họa, tác động nguy hại đến tăng trưởng kinh tế, biến tác động ngắn hạn thành vấn đề nghiêm trọng mang tính hệ thống trong phát triển trung và dài hạn.

Từ những cam kết đạt tới một khu vực châu Á Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đếu, thích ứng và bền vững trong khi duy trì nỗ lực xóa đóí nghèo cùng cực, những vấn đề tổng hợp trong báo cáo ADO 2021 là những tham khảo có ích. Hy vọng sẽ được các nhà quản lý và hoạch định chính sách phát triển nước nhà quan tâm để vận dụng vào xây dựng chính sách phát triển vững quốc gia trong giai đoạn tới./.

Địa chỉ liên lạc Lê Thành Ý 19b/668 Đường Lạc Long Quân, Quận Tây Hồ Hà Nội

Mob 0829848231; Email Lethanhy 05@gmail.com

Lê Thành Ý
Bạn đang đọc bài viết "KINH TẾ VIỆT NAM VỚI TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG Á CHÂU ,TỪ TẦM NHÌN NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á." tại chuyên mục KINH TẾ. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.