Là địa phương đi đầu trong thực hiện Chương trình BOTT- ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, trước đây chương trình chủ yếu nhằm tạo nguồn cung hàng hóa thiết yếu nhằm mục đích điều tiết giá, chống găm hàng, nâng giá bán; cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng với giá rẻ hơn thị trường 5 - 10% và chỉ giới hạn ở từng địa phương. Gần đây, chương trình đã được nhiều doanh nghiệp (DN) liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh và hình thành nên mạng lưới hàng hóa BOTT liên khu vực và cả nước, tạo ra một kênh mua sắm phục vụ đến tận tay người tiêu dùng ở cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Chương trình BOTT đã giúp phân phối hàng hóa chất lượng, giá cả ổn định
Theo ông Vũ, hiện có 28 DN BOTT của TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư trên 18.000 tỷ đồng xây dựng 47 nhà máy, cơ sở sản xuất, 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành phố và mỗi năm liên kết, ứng vốn 3.200 tỷ đồng cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm. Các DN này đã hình thành được vùng nguyên liệu ổn định, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững.Hiện tại, Chương trình BOTT của TP. Hồ Chí Minh đã thiết lập được hơn 11.000 điểm bán trên địa bàn thành phố và các DN phân phối lớn đã đầu tư 336 siêu thị gần 2.500 cửa hàng tiện lợi tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đơn cử, siêu thị Saigon Co.op hiện đã đầu tư khoảng 100 siêu thị Co.opmart tại 42 tỉnh, thành phố; Big C đầu tư 27 siêu thị tại 20 tỉnh, thành phố; Bách Hóa Xanh đầu tư 1.093 cửa hàng tiện lợi tại 23 tỉnh, thành phố.
Đơn cử như Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản - VISSAN đã liên kết với các trang trại chăn nuôi ở nhiều tỉnh, thành phố tiêu thụ mỗi năm khoảng 31.000 tấn heo hơi và 1.241 tấn bò hơi. Không chỉ tạo nguồn hàng để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, một số DN trong Chương trình BOTT chuyên sản xuất thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh như: San Hà, Cầu Tre, Ba Huân còn thiết lập mạng lưới phân phối cung cấp sản phẩm cho thị trường phía Bắc.
Ngoài TP. Hồ Chí Minh, Chương trình BOTT hiện đã trở thành một mạng lưới cung ứng và tiêu thụ hàng Việt hiệu quả của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT). Theo bà Bùi Thị Dung - Giám đốc Sở Công Thương BRVT, chương trình đã giúp phân phối hàng hóa chất lượng, giá rẻ hơn giá thị trường đến tay người dân ở từng thôn ấp vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Để người dân tiếp cận được với hàng hóa chất lượng, giá rẻ, ngành Công Thương BRVT đã đưa gắn Chương trình BOTT với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhờ đó, hàng Việt đã được lan tỏa nhanh đến nhiều vùng miền xa xôi.
Với tỉnh Tây Ninh, thực hiện kế hoạch BOTT năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Sở Công Thương tỉnh này đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn kinh phí hơn 180,4 tỷ đồng để sản xuất, dự trữ hàng hóa. Trong đó các DN dự kiến dự trữ 14.000 tấn gạo, 1.400 tấn đường, 2.100 tấn thịt heo, 1.400 tấn thịt gà, 11,2 triệu quả trứng gà, 1.400 lít dầu ăn, 5.600 tấn rau, củ, quả; 700.000 lít nước mắm và 700.000 lít nước tương. Lượng hàng này dự kiến sẽ đủ sức đáp ứng cho nhu cầu của 1,3 triệu dân Tây Ninh và nhập cư trên địa bàn.