Tuy nhiên, chính sự phát triển của các mạng xã hội, các nền tảng công nghệ cũng đặt ra thách thức không hề nhỏ trong công cuộc đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
1. Thủ đoạn, vũ khí trên không gian mạng của các thế lực thù địch:
Tương tự một số vụ án kinh tế liên quan đến thị trường chứng khoán thời gian gần đây khi các đối tượng vi phạm pháp luật sử dụng hàng chục, hàng trăm tài khoản chứng khoán để tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán, từ đó thu lợi bất chính và làm thiệt hại cho các nhà đầu tư. Các đối tượng thù địch, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước cũng vậy, chúng lợi dụng sự phát triển của hệ thống mạng xã hội, sử dụng công nghệ để tiến hành cắt ghép, tạo các video, các nội dung tuyên truyền sai sự thật, bôi nhọ và chống phá Đảng, Nhà nước, sau đó sử dụng công nghệ để tạo ra hàng trăm tài khoản, hàng trăm kênh mạng xã hội ảo nhằm phát tán và lan truyền các nội dung độc hại, sai sự thật đó lan tràn trên không gian thông tin nhằm làm suy yếu, chia tách và phi chủ quyền hóa nước ta.
Trong điều kiện hiện đại, với việc sản xuất thông tin tự do, truyền tải và tiếp nhận thông tin với vận tốc tối đa như hiện nay, việc tiếp thu tất cả khối lượng thông tin được sản xuất ra gần như là không thể, việc đánh giá thông tin, tư duy phê phán và sử dụng chúng càng khó khăn và phức tạp. Khi một người nào đó có tư tưởng, định hướng không rõ ràng, không đánh giá và nhận thức đúng được tính chất của thông tin tuyên truyền sai sự thật nói trên, vì lý do này hay khác, vì những lý do cá nhân thôi thúc, anh ta chia sẻ lại những thông tin này, kết quả là những người trong cùng mạng lưới của anh ta cũng nhận được thông tin sai lệch đó và đến lượt mình, họ lại tiếp tục chia sẻ, phát tán thông tin, tạo thành một mạng lưới phức tạp, lấn át các thông tin thật, chính thống.
Trong trường hợp xấu nhất, những kẻ thiết kế, cắt ghép, sáng tạo các nội dung tuyên truyền độc hại, sử dụng các công cụ khuếch đại khả năng phát tán thông tin sai lệch từ hàng chục, hàng trăm tài khoản “ảo” và lôi kéo, hình thành các hội nhóm, các tổ chức hoạt động chống phá “thật” trên mạng thì hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng lôi kéo, tổ chức thành các cuộc chống đối, xuống đường trên thực tế chứ không chỉ trên không gian mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, tâm lý xã hội và nghiêm trọng hơn, sâu xa hơn là các cuộc “cách mạng màu”, các cuộc cải cách “bất bạo động” như thực tế đã diễn ra tại một số nước không gian hậu Xô viết như: Gruzia (2003), Ucraina (2004), Kưrgưstan (2005),…
2. Một số giải pháp để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới:
Nhận thức được thực tế các mối đe dọa trên không gian mạng buộc chúng ta phải có các biện pháp để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước trong tình hình mới như sau:
Thứ nhất: Bản thân các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước cũng cần xây dựng các kênh truyền thông chính thức với hình thức trẻ trung, gần gũi với đông đảo độc giả quần chúng nhân dân để thúc đẩy và truyền bá những nội dung tích cực, chính thống, chính xác, những nội dung thể hiện đường lối chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước là luôn hết mình vì nước vì dân, vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Xây dựng bộ tiêu chí văn hóa ứng xử, phát ngôn trên mạng xã hội đối với những cá nhân có tầm ảnh hưởng, thu hút sự theo dõi của đông đảo quần chúng nhân dân như: các chính trị gia, các văn nghệ sĩ,… nhằm hình thành các cộng đồng có lối sống, tư duy tích cực, tránh xa các thông tin xấu, các hình tượng có tư duy và cách hành xử không đúng mực.
Thứ hai: Không ngừng nâng cao năng lực công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước nhằm phát hiện sớm, ngay lập tức đẩy lùi, dẹp bỏ các thông tin sai sự thật, các thông tin bôi nhọ, chống phá, tuyên truyền lệch lạc của các tổ chức phản động trên không gian mạng. Có phương thức nhận diện các nội dung video, các nội dung bôi nhọ được cắt ghép, tạo dựng bởi công nghệ AI, kỹ thuật số nhằm phản biện, ngăn chặn kịp thời sự phát tán, truyền bá các nội dung độc hại, sai lệch.
Thứ ba: Bản thân các Đảng viên, quần chúng, các tổ chức Đảng cần không ngừng học hỏi nâng cao nhận thức, rèn luyện tư duy tỉnh táo nhằm nhận diện mưu đồ thâm độc của các thế lực thù địch, cần phải phân biệt rõ các quan điểm sai trái với những ý kiến phản biện chính đáng, tâm huyết… Mỗi đảng viên cần phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nêu cao tính chiến đấu của người đảng viên, đấu tranh không khoan nhượng trước luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các đối tượng bất mãn chính trị, bất đồng chính kiến; giải thích rõ chủ trương, quan điểm của Đảng, vạch trần luận điệu xuyên tạc của các đối tượng thù địch cho người dân hiểu, tạo dựng niềm tin, uy tín người đảng viên và uy tín của Đảng.