Nghị quyết đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”. Các công ty gia đình hàng đầu tại Việt Nam kể đến như Kido, Biti’s, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Hoà Phát, TTC Group,.... đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế trong nhiều năm qua. Các công ty, tập đoàn đại chúng thuộc sở hữu của gia đình niêm yết trên sàn chứng khoán được thành lập từ gia đình gốc rồi phát triển, kế thừa đến đời con cháu qua nhiều thế hệ. Nhằm duy trì, kiểm soát và đảm bảo sự phồn thịnh của một đế chế doanh nghiệp gia đình, tính minh bạch và điều chỉnh quản trị hợp thời được xem là đòi hỏi cấp thiết.
Xu hướng quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế và tính minh bạch trong các công ty đại chúng
Trong quản trị doanh nghiệp, các công ty luôn thay đổi và điều chỉnh linh hoạt để phù hợp, đáp ứng đúng với thời điểm, bối cảnh và môi trường kinh doanh. Những yếu tố luôn được cập nhật liên tục như quản trị chiến lược, chuỗi cung ứng, giải pháp thích ứng, chiến lược nhân sự,... nhằm giúp các doanh nghiệp tăng cường sức cạnh tranh và duy trì sự phát triển bền vững. Đặc biệt, các công ty đại chúng cần đưa ra chiến lược doanh nghiệp, tăng cường năng lực quản lý và xây dựng nguồn nhân sự, tạo ra giá trị cho cổ đông và các bên liên quan.
Năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố bộ nguyên tắc Quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất dành cho các công ty đại chúng Việt Nam. Bộ tài liệu được xây dựng với sự hỗ trợ của Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) khuyến khích các doanh nghiệp đại chúng hướng tới các thông lệ quốc tế tốt
Buổi lễ công bố Bộ tiêu chuẩn nguyên tắc Quản trị theo thông lệ tốt nhất với sự tham gia của đại diện UBCKNN, tổng giám đốc điều hành IFC và các bên liên quan (năm 2019).
Quản trị doanh nghiệp cần bao gồm cả việc nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu nhằm thu hút nhân tài, khách hàng và các đối tác tiềm năng. Tất cả các hoạt động kể trên trong xu hướng quản trị hiện đại đều yêu cầu tính công khai, minh bạch là yếu tố tiên quyết, làm trụ cột cho sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đại chúng sở hữu gia đình nói riêng.
Đặc biệt với các công ty đại chúng, yếu tố minh bạch và rõ ràng trong quản trị doanh nghiệp vừa là yếu tố xuyên suốt vừa là yêu cầu thực tế, đóng cấp độ quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến nhiều yếu tố. Thứ nhất, tạo dựng sự tín nhiệm từ các nhà đầu tư vì họ có thể đánh giá được mức độ rủi ro, nguy cơ từ doanh nghiệp. Thứ hai, tăng cường uy tín thương hiệu thông qua niềm tin được xây dựng lâu bền, trường tồn qua nhiều giai đoạn trong mắt khách hàng, đối tác và chính nhân sự trong công ty. Thứ ba, tính minh bạch trong quản trị giúp ngăn chặn tham nhũng, gian lận và thúc đẩy sự thuận lợi trong việc thu hút đầu tư và huy động vốn từ công chúng.
Tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp chính là công cụ góp phần vào sự phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích của các cổ đông, đồng thời cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn trong các công ty đại chúng sở hữu gia đình tại Việt Nam và trên thế giới.
Thực tiễn về tính minh bạch trong quản trị công ty niêm yết sở hữu gia đình ở Việt Nam
Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất cả nước năm 2023[4] (Theo công bố của Forbes Việt Nam).
Các vấn đề tồn đọng trong QTCT tại các doanh nghiệp niêm yết thuộc sở hữu gia đình như thành phần, cơ cấu trong hội đồng quản trị chưa hiệu quả, yếu kém trong công tác lập kế hoạch kế nhiệm, sự thiếu chuyên nghiệp và minh bạch trong quản trị tài chính, kinh doanh của các thành viên trong gia đình sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng thu hút vốn đầu tư, nhân tài, từ đó làm xói mòn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ suy tàn.
Để lấy được niềm tin từ nhà đầu tư, công chúng và cả nhân tài, thì yếu tố minh bạch là chìa khóa then chốt. Vì vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đại chúng thuộc sở hữu gia đình cần điều chỉnh và thay đổi tư duy, năng lực quản trị hiện đại để đảm bảo tính minh bạch trong quản lý vận hành doanh nghiệp.
Từ thế giới đến Việt Nam: Bài học hệ luỵ xung đột do thiếu minh bạch trong quản lý doanh nghiệp
Cùng với sự đóng góp mang tính tích cực vào sự phát triển kinh tế, nhiều tập đoàn lớn sở hữu gia đình vướng lùm xùm về tính minh bạch và thậm chí người đứng đầu vướng phải vòng lao lý. Điển hình như Samsung Group là một trong những tập đoàn gia đình lớn nhất Hàn Quốc. Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực từ ông Lee Kun-hee sang con trai là ông Lee Jae-yong, xung đột và tranh cãi về quyền lực và quản lý doanh nghiệp xảy ra. Ông Lee Jae-yong là người đứng đầu tập đoàn bị kết án về tội lợi dụng quyền lực và tham nhũng năm 2017. Xung đột giữa hai anh em trong tập đoàn Reliance Industries (Ấn Độ) về tài sản và quản lý công ty con. Hay xung đột của các thành viên trong gia đình tập đoàn Sun Hung Kai Properties (Hong Kong) về quản lý doanh nghiệp được thừa kế từ người cha đã mất.
15 gia tộc đa thế hệ giàu nhất Châu Á đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Châu Á.
Tại Việt Nam, các sự kiện lớn liên quan đến sự thiếu minh bạch trong quản trị như Oceanbank trong quản lý kém minh bạch, tham nhũng và vi phạm quy định về kinh doanh ngân hàng. Hoàng Anh Gia Lai là tập đoàn sở hữu gia đình cũng từng trong giai đoạn khó khăn do vấn đề quản lý tài chính không minh bạch, gây mất uy tín với các nhà đầu tư. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp gia đình khác cũng từng gặp phải những lùm xùm trong quản trị doanh nghiệp về mặt nhân sự, tài chính, vận hành,...
Quản trị doanh nghiệp không minh bạch và chuyển giao sai người – sai vị trí là những nguyên nhân sâu xa gây ra các mâu thuẫn quyền lực và xung đột lợi ích, thổi bùng nguy cơ nội chiến làm suy yếu các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp gia đình, đặc biệt là các doanh nghiệp đã niêm yết cần nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ quản trị tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng và đảm bảo minh bạch trong quản lý công ty; có kế hoạch chuyển giao thế hệ hiệu quả từ sớm, dựa trên năng lực để đúng người – đúng việc. Đã đến lúc các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam cần đối diện với những “góc tối” có thể nảy sinh bên trong doanh nghiệp ở giai đoạn chuyển giao nhiều thời cơ và thách thức như hiện tại, kịp thời ngăn chặn xói mòn niềm tin, đạo đức và nguy cơ nội chiến có khả năng xảy ra trong tương lai gần.