Ngày hội diễn ra trong 3 ngày (từ 21-23/11) với nhiều hoạt động hấp dẫn, sôi nổi và ý nghĩa như: Cuộc thi tìm hiểu “Dòng chảy Di sản Văn hóa Đà Nẵng”; thi hùng biện “Tự hào Di sản Văn hóa Đà Nẵng”; triển lãm xe máy “Scooter cổ - huyền thoại một thời”; giao lưu “Scooter trên những cung đường”; cuộc thi ảnh “So dáng cùng Scooter” trên mạng xã hội Instagram... Đặc biệt, Bảo tàng Đà Nẵng còn giới thiệu đến công chúng nhiều di sản của thành phố thông qua các hoạt động như trải nghiệm văn hóa biển; xem nghệ nhân Alăng Đợi thực hiện điêu khắc gỗ, chia sẻ về nghệ thuật điêu khắc tượng của người Cơ tu; hướng dẫn công chúng làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; tái hiện lễ dựng cây nêu và múa tung tung da dá, dệt vải thổ cẩm, làm bánh sừng trâu...
Trình diễn dệt thổ cẩm của người Cơ Tu tại ngày hội.
Nghệ nhân A Lăng Đợi, thôn Phú Túc, xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) cho biết, ông rất vinh dự cùng đội múa trong thôn tham gia Ngày hội Di sản Văn hoá ở Bảo tàng thành phố Đà Nẵng. Đến với ngày hội, ngoài mong muốn giữ gìn bản sắc dân tộc thì ông cũng mong nhiều người sẽ biết đến văn hoá của người Cơ tu qua các sản phẩm điêu khắc, điệu múa và các phong tục, tập quán văn hoá của đồng bào đang được giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ trẻ.
Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Ngô Thị Bích Vân cho biết: Thành phố Đà Nẵng hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 57 di tích cấp thành phố, 5 di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản quốc gia. Trong những năm qua, các di sản văn hóa tại Đà Nẵng ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền thành phố và người dân. Qua đó, nhiều di sản tại Đà Nẵng đã được nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng thông qua các hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.
Trưng bày các tác phẩm điêu khắc gỗ của người Cơ Tu tại ngày hội.
Ngày hội Di sản Văn hoá Đà Nẵng góp phần tôn vinh và giới thiệu đến người dân, du khách một bức tranh di sản văn hóa của Đà Nẵng đầy màu sắc với nhiều loại hình, từ đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn. Bên cạnh đó, ngày hội còn tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho giới trẻ bằng cách thay đổi cách tiếp cận lịch sử và di sản văn hóa dân tộc với các hình thức mới mẻ, vui tươi và tăng tính tương tác, trải nghiệm.