Phân tích của các chuyên gia, nhà quản lý tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V, chủ đề "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà" tổ chức sáng 13/10 nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, cũng như tháo gỡ những khó khăn khi tiếp cận với công nghệ cao. Tiếp theo là mối liên kết chặt chẽ giữa "6 nhà" gồm: nông dân, doanh nghiệp, nhà nước- nhà băng- nhà khoa học- nhà phân phối.
Theo ông Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong nông nghiệp khoa học công nghệ đóng góp 35% giá trị gia tăng của sản phẩm. Để phát triển nông nghiệp hướng tới nông nghiệp bền vững thì việc ứng dụng công nghệ cao là yếu tố then chốt. Tuy nhiên, không phải hộ nông dân nào cũng có đủ vốn để phát triển sản phẩm.
"Bài toán cần giải quyết là biết lựa chọn và phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế của địa phương, để thiết kế hình thức tổ chức với đầy đủ cơ sở khoa học từ quản lý giám sát thông minh đến truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ quá trình" ông Bình nói. Các nông phẩm chủ lực khi được tiếp cận kỹ thuật công nghệ thành công sẽ có thể tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thay đổi tập quán sản xuất truyền thống cho người nông dân, quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao ngày một mở rộng.
Trồng dưa lưới trong nhà kính ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai.
Lấy ví dụ về lợi ích tập trung công nghệ vào các sản phẩm chủ lực, hộ nông dân Nguyễn Thanh Tân, Vĩnh Long chia sẻ, thay vì vừa canh tác lúa nước, vừa nuôi thêm gia súc, gia đình ông tập trung sản xuất lươn giống nhân tạo cùng nhiều hộ dân tại địa phương. Áp dụng các phương pháp lọc và cấp nước tự động, tự nghiên cứu và chế tạo máy ấp lươn, lươn giống ra đời có sức đề kháng cao. Trang trại rộng 19.800 m2 của ông tăng thêm 30% năng suất, tổng doanh thu đạt 9 tỷ đồng mỗi năm.
Tại diễn đàn, nhiều hộ nông dân cũng đưa ra những băn khoăn, vướng mắc khi muốn tiếp cận công nghệ vào quy trình nuôi trồng và sản xuất. Mặc dù xác định được nông sản chủ lực, nhưng khó khăn trong vay vốn khiến nhiều hộ nông dân chưa thể ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ còn manh mún, nhỏ lẻ.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng tình, hiện nông dân còn khó khăn khi vay vốn là do chưa có cơ chế đưa các thiết bị, máy móc (nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tiêu) trong trang trại làm tài sản cố định để có cơ sở thế chấp, vay vốn. "Ngoài vấn đề về vốn, đất đai, khí hậu, trình độ tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế của nông dân là bước cần giải quyết trước", bà Thủy nói.
Ông Bình cho rằng, trong mối liên kết "6 nhà" doanh nghiệp cần được coi là "đầu tàu", hạt nhân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua nông sản. Đồng thời liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp nhà nông đến gần với các mô hình kỹ thuật 4.0 và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, các yếu tố về đầu tư tín dụng cho khoa học công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ với những sáng chế phục vụ nông nghiệp của nông dân, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các nông sản đặc thù, cần được chú trọng để hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ cao.