Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 6h ngày 15/9: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.
- Tính từ 18h ngày 14/9 đến 6h ngày 15/9: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Tính đến sáng ngày 15/9, Việt Nam bước vào ngày thứ 13 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Các địa phương có ca nhiễm cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường.
Tính đến sáng ngày 15/9, Việt Nam bước vào ngày thứ 13 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Các địa phương có ca nhiễm cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, theo Chính phủ nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhất là khi Việt Nam mở cửa trở lại trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép.
Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là chống dịch như đánh trận, quyết liệt nhưng phải bình tĩnh, vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh vừa phải bảo đảm phát triển kinh tế. Đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, yêu cầu tất yếu là mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội.
Trước mắt và dễ thấy nhất, đó là yêu cầu phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu đem lại lợi ích cho quốc gia, cùng với đó là những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên, việc mở cửa lại này, ngay cả trong “trạng thái bình thường mới”, cũng tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, khi dịch COVID-19 trên thế giới còn hết sức phức tạp.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan trước dịch bệnh nhưng vẫn phải lo sản xuất kinh doanh, việc làm cho người lao động.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 32.578, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 459
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.890
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 16.229.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 926 bệnh nhân bệnh nhân COVID-19/1.063 ca mắc.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 13 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 13 ca, số ca âm tính lần 3 là 19 ca.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị có 73 ca không có biểu hiện lâm sàng, 31 ca có biểu hiện lâm sàng nhẹ.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 3 trường hợp có tiên lượng nặng, rất nặng và nguy kịch phải thở oxy hỗ trợ, trong đó 01 trường hợp nặng thở máy xâm nhập.
Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân về những việc cần làm khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở:
Ngay sau khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở:
1. Đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét;
2. Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 19009095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế;
3. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, hoặc khăn vải hoặc khăn tay hoặc khan giấy; Tháo bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng;
4. Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy;
5. Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa…
6. Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học;
7. Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.