Phát triển kinh tế Sinh Vật Cảnh đi đôi với phòng chống COVID19 hiệu quả

Đăng bởi ThS. Vương Xuân Nguyên

28/08/2020 11:51

Trong bối cảnh cả nước đang gồng mình phòng chống đại dịch COVID19, cộng đồng những người yêu Sinh Vật Cảnh cả nước đã có nhiều việc làm thiết thực để nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế Sinh Vật Cảnh với đi đôi với công tác phòng chống COVID19 hiệu quả.

Hơn 30 năm qua, chúng ta luôn tự hào được đồng hành cùng nhiều vị tiền bối cách mạng, nhân sĩ trí thức, nhà văn hóa khi đã nghỉ hưu lại dấn thân vào hoạt động Sinh Vật Cảnh. Ban đầu họ tham gia hoạt động này không phải vì vui thú điền viên lúc tuổi già hay hoạt động vật chất để mưu sinh, mà họ lấy thú chơi cây, chơi lan, chơi hoa, chơi cá, chơi chim...làm phương tiện để hướng đạo và tập hợp quần chúng vào những mục tiêu phục vụ lợi ích vật chất và tinh thần cho cộng đồng. Đó là việc phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha ta trong lối sống hòa đồng với thiên nhiên, là sự tiếp nối những ý nghĩa tốt đẹp từ phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động những năm 60 của Thế kỷ trước. Dần dần thú chơi Sinh Vật Cảnh đã phát triển và trở ngành một ngành kinh tế phát triển nông thôn với sự tham gia của hàng triệu lao động, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu trong nhóm ngành Rau Hoa Quả của nước ta.

Phát huy những giá trị trong phong trào Tết Trồng cây để phát triển Sinh Vật Cảnh

Kể từ khi ra đời Hội Sinh Vật Cảnh, ở mỗi thời điểm trào lưu chơi lại phát triển mạnh nghiêng về một bộ môn cụ thể, lúc thì rộ người chơi cây cảnh, lúc lại chuyển sang chơi chim cảnh và bây giờ hoa lan...Đạo của người chơi Sinh Vật Cảnh nói chung và các bộ môn Cây, Hoa, Đá, Cá, Chim...đều thống nhất ở chỗ lấy giá trị CHÂN - THIỆN - MỸ làm căn bản. Giữa những người chơi thống nhất với nhau bởi “luật chơi” là đi tìm sự thống nhất trong đa dạng khác biệt về nhận thức, tay nghề, giá trị, tiêu chí đánh giá...tránh việc "Độc quyền chân lý – Áp đặt tư duy – Quy kết tùy tiện”

Luật chơi ấy dẫu “bất thành văn” nhưng hễ là người chơi chân chính đều tự giác chấp hành. Và đã trở thành kim chỉ Nam để thú chơi Sinh Vật Cảnh tồn tại và ngày càng phát triển mạnh mẽ thành nét đẹp văn hóa, mỹ tục mới trong đời sống đương đại.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT thăm mô hình xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu tại  Làng Du lịch Sinh Vật Cảnh xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội)

Tuy nhiên, bên cạnh phần lớn những người chơi Sinh Vật Cảnh chân chính, tôn trọng cộng đồng, thượng tôn luật pháp thì luôn có một số ít người vì nhiều lý do luôn "khai thác sự khác biệt trong tổng hòa thống nhất" để đạt những động cơ mục đích riêng. Nhẹ là đề cao cái tôi cá nhân, nặng là phá phách, cơ hội, trục lợi gây nhiễu loạn thị trường bằng trăm phương ngàn kế. Đó dường như là hai mặt của một vấn đề mà chúng ta vẫn thường nói “mặt trái” của cơ chế thị trường.

Một trong những “mặt phải” có tính ưu việt của cơ chế thị trường là sự vận hành của những quy luật khách quan, học thuyết gắn với điều tiết cung cầu, giá cả - giá trị trên thị trường. Tiêu biểu như, học thuyết “Bàn tay vô hình” (invisible hand) của Adam Smith đưa ra vào năm 1776 khi bàn về Tài sản Quốc gia (Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations) đã chứng minh: "Trong nền kinh tế thị trường, các cá nhân tham gia muốn tối đa hóa lợi nhuận cho mình. Ai cũng muốn thế cho nên vô hình chung đã thúc đẩy sự phát triển và củng cố lợi ích cho cả cộng đồng".

Theo học thuyết này, thì hoạt động của mỗi thành viên trong xã hội chỉ mang mục đích bảo vệ lợi ích của riêng mình; thông thường, không có chủ định củng cố lợi ích công cộng và cũng không biết mình đang củng cố lợi ích này ở mức độ nào. Tuy nhiên khi đó, hệ thống thị trường và cơ chế giá cả sẽ hoạt động một cách tự phát vì lợi ích của tất cả mọi người như thể có một bàn tay vô hình để tự điều chỉnh. Vì thế sẽ chẳng có mặt hàng nào luôn luôn sốt và mang lại lợi ích vật chất mãi mãi, mà nó sẽ tự điều chỉnh theo thời gian và phụ thuộc vào mực độ tham gia của cộng đồng. Trong kinh doanh, bất cứ lĩnh vực nào thì lợi nhuận luôn tỷ lệ thuận với rủi ro, cơ hội luôn đi cùng với thách thức.

Bỏ qua những lý thuyết đó, thì với những người yêu Sinh Vật Cảnh chân chính luôn nhận thức mộc mạc rằng thú chơi nào trong Sinh Vật Cảnh, dù là cây, hoa, đá, cá chim...nếu hoạt động có ích về vất chất và tinh thần cho xã hội thì đều đáng để trân trọng như nhau. Miễn sao những việc đó, những người tham gia vào đó không sa vào phạm pháp, không đi ngược lại lợi ích của cộng đồng vì sự cơ hội nào đó cho riêng mình.

 

Cộng đồng những người yêu Sinh Vật Cảnh với nhiều hoạt động phòng chống COVID19

Trong bối cảnh cả nước đang gồng mình phòng chống đại dịch COVID19, cộng đồng những người yêu Sinh Vật Cảnh cả nước đã có nhiều việc làm thiết thực như: Quyên góp tổng số tiền trên 50 tỷ đồng để ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh ở Trung ương và các địa phương; Đưa hàng chục vạn cây lan dược liệu, phong lan rừng đặc biệt quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng trở lại môi trường rừng tự nhiên ở khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì và một số nơi ở khu vực Bắc Trung Bộ; Nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế Sinh Vật Cảnh với đi đôi với công tác phòng chống COVID19 hiệu quả...

Cùng với đó trong thời gian vừa qua, sự phát triển "quá nóng" trong lĩnh vực kinh doanh hoa lan đột biến diễn ra tấp nập qua mạng xã hội, nhất là trong và sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống COVID19. Trong bối cảnh các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động này đang được hoàn thiện đã dẫn tới phát sinh một số vụ việc tiêu cực như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tung tin sai sự thật gây nhiễu loạn thị trường...Những sự việc đáng tiếc nêu trên, đã được các cơ quan chức năng, các thông tấn báo chí có trách nhiệm đã kịp thời cảnh báo, đấu tranh và ngăn chặn. Tuy nhiên, cũng từ đó trong xã hội vẫn còn những luồng thông tin trái chiều về tính minh bạch của hoạt động kinh doanh này, xu hướng phát triển và tác động xã hội của nó.

Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội phối hợp cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp nhân giống Lan thạch hộc tía và các loại phong lan quý hiếm để đưa trở lại môi trường rừng tự nhiên tại Vườn Quốc gia Ba Vì và một số khu rừng tại khu vực Bắc Trung Bộ 

Một trong những cuộc Tọa đàm bàn về giải pháp phát triển kinh tế Sinh Vật Cảnh đi đôi với phòng chống COVID19 được tổ chức tại TP. HCM

Chúng ta, những người yêu Sinh Vật Cảnh luôn phát huy những giá trị truyền thống vốn dĩ tốt đẹp trong thú chơi nhân văn tạo nhã đã được ông cha trao truyền qua bao thế hệ. Đồng thời, lên án mạnh mẽ bất kỳ hành vi cơ hội trục lợi bất chính, vi phạm pháp luật và gây tổn hại đến cả thú chơi lẫn thị trường dưới mọi hình thức, nhưng cũng không vì lo ngại những tiêu cực có thể xảy ra mà có cái nhìn quá cực đoan về bất cứ một chuyên ngành nào trong hoạt động Sinh Vật Cảnh.

Thiết nghĩ, trách nhiệm của các tổ chức Hội chuyên ngành, các cơ quan hữu trách trong lúc này cần đẩy mạnh việc tuyên truyền hướng dẫn hội viên, người dân thực hiện nghiêm các quy định của Điều lệ hội và quy định có liên quan của Pháp luật. Đồng thời với việc cảnh báo, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm phát sinh trong quá trình hoạt động, thì phải động viên, hướng dẫn bảo vệ các lợi ích hợp pháp, những việc làm thiết thực, hiệu quả và có ích của họ đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng./.

ThS. Vương Xuân Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Phát triển kinh tế Sinh Vật Cảnh đi đôi với phòng chống COVID19 hiệu quả" tại chuyên mục Văn hóa. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.