Chúng tôi có mặt trong một buổi sinh hoạt của CLB Hoa lan đột biến Thủ đô thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam vào sáng ngày 29/5/2020 tại xã Đông La mới cảm nhận rõ được tình yêu, sự đam mê dường như không có giới hạn của những nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn nơi đây với nghề trồng hoa lan.
Nhắc đến hoa lan là nhắc đến cái đẹp của sự thanh khiết, tao nhã, là sự kết tinh của thiên nhiên, vũ trụ…giúp cho con người sống hài hòa với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh. Chính vì hiểu được giá trị sâu sắc ấy, người dân Đông La càng yêu quý hoa lan hơn bao giờ hết. Mấy chục năm qua, những người nông dân chất phác, yêu quý ruộng vườn đã chắt chiu từng tấc đất, quý những giọt mồ hôi để dành chọn tấm lòng cho hoa lan và quyết tâm giữ những giống lan quý hiếm và không ngừng giao lưu, học hỏi, trao đổi, sưu tầm các giống quý hiếm, cũng như nhân rộng và tỏa đi muôn phương. Họ đang nỗ lực phấn đấu để nơi đây trở thành Làng nghề truyền thống trồng hoa lan đầu tiên của cả nước.
Đông La nơi gặp gỡ của giới chơi lan nhiều vùng miền
Làng nghề hoa lan Đông La có khoảng 30, 40 năm nay. Từ những nhà vườn nhỏ lẻ đến nay trên địa bàn xã đã có khoảng 20ha trồng lan rừng của 200 nhà vườn, có tốc độ phát triển nhanh, mạnh về quy mô cũng như mạng lưới tiêu thụ và nhiều chủng loại lan phong phú, quý hiếm. Ngày nay, nhắc đến xã Đông La không thể không nói đến nghề trồng hoa lan, đây là loài cây có giá trị kinh tế cao, là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương.
Nhiều nhà vườn đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng mô hình, nâng cao kỹ thuật chăm sóc để đưa ra thị trường những giò lan đẹp, quý hiếm và có giá trị cao. Đến nay, thương hiệu lan Đông La đã được nhiều người yêu lan từ trong Nam, ngoài Bắc biết đến. Dù không trồng hoa lan theo công nghệ cao nhưng hiện tại nghề trồng lan cho thu nhập rất tốt và ổn định, đặc biệt với hình thức phát triển hiện tại thì hộ gia đình nào cũng có thể trồng lan với diện tích 20-30 m2. Hiện nay, trong xã tập trung trồng nhiều lan nhất là thôn Đồng Nhân với khoảng 130 nhà vườn.
Thị trường tiêu thụ của Đông La trải khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Nhờ vậy, thu nhập bình quân một năm của các nhà vườn rất cao. Mức thu này cũng tùy thuộc vào một số dòng lan hoặc một số nhà trồng nhiều hay ít. Điển hình như có hộ trồng nhiều và có nhiều dòng lan quý hiếm sẽ cho tổng thu (chưa trừ tất cả các khoản chi phí) khoảng 40-60 tỷ.
Nhà vườn Trịnh Toàn chia sẻ với báo chí
Theo chia sẻ của Nhà vườn Trịnh Toàn, một trong những nhà vườn lớn ở địa phương, thì ở Đông La các nhà vườn tập trung mạnh vào các dòng lan rừng như: Quế, cáo, hồ phi điệp… và nhiều loại độc, lạ khác, nhất là các dòng lan phi điệp đột biến đang được giới yêu lan săn lùng. Trên địa bàn xã việc giao dịch mua bán các giống và hoa lan thuần rừng được thực hiện thường xuyên, liên tục và rất nhộn nhịp, nhất là qua online. Các địa phương khác đến học hỏi kinh nghiệm rất nhiều, bởi Đông La được coi là “thủ phủ” của lan rừng với bề dầy lâu năm nên đã tạo được uy tín, tiếng vang trong giới chơi lan. Để trồng lan có chất lượng tốt, giá trị cao, anh Toàn cho biết, nghề nuôi lan đòi hỏi người trồng lan trước hết phải có lòng đàm mê, ham học hỏi, không ngừng giao lưu để nắm được kỹ thuật và đúc rút cho mình những bí quyết riêng. Đồng thời phải luôn tìm tòi và sáng tạo trong quá trình chăm sóc lan. Ví dụ như việc phát hiện ra những loại giá thể mới trồng lan phù hợp. Có dòng như rễ hành thì lan phù hợp trồng xốp trộn mùn dừa và trấu, hay như vỏ thông với dừa và gỗ. Dòng lan Tai châu phải ghép chậu, không trồng được trên giá thể vì bộ rễ sẽ hỏng…
Nhà vườn Tạ Duy Lĩnh chia sẻ một số dòng lan phi điệp đột biến độc lạ tại Đông La
Còn theo chia sẻ của nhà vườn Tạ Duy Lĩnh, thì nuôi lan không đơn thuần chỉ là trồng, cắt, tỉa, chăm bón…như những loại cây cảnh khác, việc nuôi lan vô cùng công phu và cầu kỳ, đòi hỏi những kỹ thuật tỉ mỉ chính xác. Nuôi trồng lan góp phần làm cho con người tính tình trở nên nền nã. Nuôi lan không chỉ là thú vui mà còn là sự đồng điệu, nơi gửi gắm tâm hồn, ý niệm của người chơi hoa. Anh Lĩnh bày tỏ sự vui mừng, trước thông tin làng nghề của anh đang được cơ quan chức năng xem xét công nhận là làng nghề truyền thống trồng hoa lan đầu tiên của cả nước. Bởi đây sẽ là cơ hội để mở rộng việc quảng bá thương hiệu hoa lan Đông La, kết nối thị trường mà còn thúc đẩy du lịch các ngành phụ trợ khác giúp quê hương anh ngày càng phát triển nhanh, mạnh.
Anh Đỗ Đức Nghĩa dẫn chúng tôi đi thăm nhiều mô hình trồng lan ở Đông La và không giấu được niềm tự hào về sự thay đổi của quê hương từ nghề truyền thống này. Anh Nghĩa cho rằng, việc các làng nghề thủ công truyền thống khác đẩy mạnh sản xuất thường đi đôi với vấn đề lo ngại là sự ô nhiễm môi trường. Nhưng với ngành hoa lan, càng mở rộng sản xuất môi trường sẽ ngày càng được cải thiện, đời sống vất chất và tinh thần của người dân sẽ không ngừng được nâng lên. Chính vì vậy, anh và các nhà vườn lớn khác ở địa phương sẽ cùng nhau hỗ trợ, kết nối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã để thúc đẩy ngành lan ở địa phương phát triển mạnh theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Đông La luôn tập nập người săn lùng tìm kiếm hoa lan từ các vùng miền
Anh Nghĩa cũng cho biết, do trồng lan cho thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, nên chính quyền xã Đông La cũng khuyến khích, giúp đỡ bà con phát triển trồng lan để nâng cao kinh tế hộ, đảm bảo cuộc sống, thu nhập cho người dân trong vùng. Thời gian qua, xã Đông La luôn chung tay cùng với bà con trong vùng và đã có một số chính sách hỗ trợ cho người làm vườn. Đồng thời phối hợp để tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, liên hệ các tổ chức tín dụng ngân hàng và nguồn vốn cho người trồng lan vay. Cũng như đồng hành với hội hoa lan để trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà vườn, giúp nhau cùng phát triển kinh tế và coi nghề trồng lan là kinh tế mũi nhọn.
Những cuộc giao dịch hoa lan đột biến tiền tỷ giữa những người yêu lan
Là Chủ tịch Hội nhà vườn hoa lan Đông La, ông Tạ Công Thực chị cho chúng tôi thấy rõ thực trạng phát triển ngành hoa lan ở địa phương những năm vừa qua. Ông cho biết, từ những nhà vườn nhỏ lẻ đến nay Đông La đã trở thành nơi hội tụ và lan tỏa, thành những vườn lan lớn mạnh cả về quy mô, số lượng cũng như chất lượng. Được bạn bè yêu hoa lan trong nước và quốc tế biết đến. Thương hiệu hoa lan Đông La đã có chỗ đứng trong lòng người yêu hoa lan của cả nước. Cũng theo ông Tạ Công Thực, để có được kết quả và thành công như hôm nay là nhờ sự quan tâm cũng như tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Sự phối hợp giúp đỡ của Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam. Đặc biệt là cả quá trình nỗ lực, miệt mài, vượt qua mọi khó khăn không biết mệt mỏi của các anh chị em Hội nhà vườn Hoa lan Đông La.
Phi điệp Hoả Linh Sơn
Phi điệp Sơn Nữ Đà Bắc
Phi điệp Hồng Xoè Xanh
Phi điệp Hồng Minh Châu
Phi điệp 5 cánh trắng Thảo Nguyên 2
Từ một thú chơi hoa lan nhân văn tao nhã có truyền thống ngàn đời, ngay nay hoạt động sản xuất nuôi trồng và kinh doanh hoa lan đang dần dần trở thành một ngành kinh tế sinh thái ở nhiều địa phương. Hiện tại cả nước hàng năm xuất khẩu được hơn 4 triệu USD và ngành này có đóng góp tích cực trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, ngày 12/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ – CP, trong đó đã xác định hoạt động sản xuất, kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 7 nhóm ngành quan trong trong phát triển kinh tế nông thôn. Đây là cơ hội cho những làng nghề có truyền thống trồng hoa cây cảnh phát triển với tư cách một ngành kinh tế sinh thái. Thú chơi tao nhà một thời, nay đã trở thành một ngành kinh tế sinh thái đã góp phần thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của người dân nhiều địa phương ven đô, trong đó có xã Đông La (Hoài Đức - Hà Nội). Được biết mới đây, Chi cục Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội cũng đã có những chuyến khảo sát để xem xét đề xuất công nhận làng trồng hoa lan ở Đông La là Làng nghề truyền thống trồng hoa lan đầu tiên của cả nước ở nơi đây./.