Tối 27/10, để mừng sinh nhật tuổi 24, Đỗ Thanh Thảo rủ chồng lái xe vượt 200 km về về Melbourne. Họ dự định sẽ đến ăn ở một nhà hàng sau 6 tháng ở lì trong trang trại với bò, cừu, ngựa, lạc đà và một chú chó già nhận nuôi ở trạm cứu hộ. Nhưng đi 10 km, rồi 20 km, họ vẫn không thể tìm thấy nhà hàng nào mở cửa do đại dịch. Đôi vợ chồng son suýt quên mất ngoài kia, cả thế giới đang "đóng băng" vì Covid-19.
Mark Jackman, 36 tuổi, đành đưa vợ ngược về trang trại trên đồi. Họ cùng ăn món thịt nướng. Anh chồng vừa bê ba chiếc bánh ngọt nhỏ bằng lòng bàn tay thắp nến vừa hát: "Chúc mừng sinh nhật em Thảo ba tuổi". Tiếng cười rộn lên, phá tan sự yên tĩnh của đêm miền nam Australia.
Đây là sinh nhật giản dị nhất và cũng là lần đầu cô gái Hà Nội đón tuổi mới mà không có ba mẹ, chị và em gái bên cạnh.
Trước khi sang đây, Mark và Thảo đều là giảng viên tại một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội. Một lần, Mark bị ngã xe nên không lên lớp. Cả trường không ai hỏi thăm, duy nhất có Thảo nhắn tin cho anh. Thực ra, cô gái đang "bức xúc" vì dạy cùng một lớp nhưng anh nghỉ đột xuất, để cô một mình phải quản lý 20 học viên tinh nghịch. Sau lần đó, người này chú ý đến người kia hơn. Những lần trò chuyện, những buổi gặp gỡ dày lên, nuôi lớn tình yêu trong lòng họ.
Nhưng ba mẹ Thanh Thảo không nghĩ vậy. Ba cô đã dự định sau khi ngôi nhà mới hoàn thiện sẽ xây một khu riêng để con gái mở trung tâm tiếng Anh. Chàng trai ngoại quốc bỗng nhiên xuất hiện, có ý định "ẵm con gái về xứ lạ" nên ba Thảo kịch liệt phản đối. Quan trọng hơn, họ lo Mark có thể đã có gia đình ở quê nhà, trách con "sống giữa thủ đô chứ có phải thiếu thốn mà phải lấy chồng Tây".
Nhưng tiếp xúc với Mark, họ quý anh và nhận ra tình yêu của hai con nghiêm túc. Đôi trẻ được ba mẹ cho kết hôn sau khi chàng trai xứ chuột túi "nộp" chứng nhận độc thân cho mẹ vợ tương lai.
Hôn lễ của Mark và Thảo được tổ chức ở Hà Nội, bên những người thân yêu của cô. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau đám cưới hồi tháng 9 năm ngoái, hai người định vào Quy Nhơn khởi nghiệp. Nhưng lúc này, bố mẹ Mark Jackman đều đã già. Trang trại ở quê nhà sớm muộn Mark cũng cần đảm nhiệm. Vì vậy, cả hai quyết định về quê chồng.
Từng đến thăm trang trại của gia đình chồng một lần, Thanh Thảo cảm nhận không khí trong lành đến độ hít thở cũng thấy "oxy đi qua não". Nhưng đến sống, cô mới thấm hết cái khổ khi làm nông dân.
Từ quốc lộ vào đến trang trại của gia đình là đường đồi quanh co, chỉ có hai nóc nhà, mỗi nhà cách nhau 1 km. Họ sống nhờ tích trữ nước mưa, dùng điện từ pin năng lượng mặt trời. Đêm xuống, bao quanh họ chỉ có màu đen đặc, tiếng gió cuộn với tiếng bò, tiếng dê. Mùa hè tới, rắn, rết xuất hiện khắp nơi. Có lần, Thảo hét toáng lên khi thấy một con rắn nhỏ đến tận cửa nhà, ngóc đầu nhìn cô.
Nhà chồng nuôi 300 con bò. Cứ năm ngày, hai vợ chồng phải lùa gần 100 con từ đồi này sang đồi khác để tưới phân cho cỏ mọc lại. Hai vali chỉ toàn quần áo đi dạy, đi chơi, giày cao gót, mang từ Việt Nam sang, cô gái dồn vào một góc tủ.
Mỗi sáng, Thảo cột cao mái tóc dài, mặc áo phông, đeo ủng, găng tay, đội mũ rộng vành cùng chồng lùa bò lên đồi. Cô gái Hà Nội chưa từng biết đến việc nhà nông giờ phải học cách cầm cuốc đào đất, trồng rau, cho bò uống sữa. Những ngày mưa bão, cây cối đổ rạp, hai vợ chồng cầm cưa đi đốn, sửa lại hàng rào. Có lần, Thảo phải vác cả con bê từ đồi cỏ về nhà vì nó bị mẹ bỏ. Hàng ngày, hai vợ chồng thay nhau pha sữa đổ vào bình bón như trẻ con.
Một chiều, Mark lái xe chở vợ lên đồi lùa bò về. Đập vào mắt cô là hai con bò nằm sõng soài. Một con chết chẳng rõ lý do, một con bị kẹt vào hàng rào. Bế chúng trên tay, Thảo bị sốc. "Lúc đó, mắt tôi dại đi vì những thứ chưa từng thấy và làm bao giờ. Tôi nhớ Hà Nội đông đúc đến cồn cào, nhớ bữa cơm bên gia đình, nhớ quán trà sữa và thèm được chạy xe máy giữa con đường chật cứng người và khói bụi", Thảo kể.
Bao quanh nhà Thảo là đồi núi. Hàng ngày, cô phải đi chăn bò, đào đất, bón phân, tưới nước cho cỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Kim Dung, 49 tuổi, hay gọi sang hỏi han con gái những ngày đầu Thảo theo chồng. Nghe giọng, thấy con nói chuyện với mình mà chỉ ngồi thu lu một chỗ, bà biết con buồn. "Xa ba mẹ, lại sống ở nơi khác hẳn cuộc sống trước đó làm sao không buồn được. Nhưng gọi điện về, con bé chẳng bao giờ than thở một lời. Nó chỉ nói nhớ nhà, nhớ Hà Nội", người mẹ kể.
Không thể thích nghi với cuộc sống mới, không dám chia sẻ vì sợ ba mẹ buồn, Thảo stress nặng. Cô hay nổi cáu với chồng. Mark hiểu vợ đang trải qua những ngày khó khăn vì mình nên luôn kiên nhẫn. Nhưng một lần, cả hai vào siêu thị, vì một lý do rất nhỏ, hai người cãi lộn. Mark xin lỗi nhưng về nhà rồi cô vợ vẫn tỏ ra khó chịu.
Lúc chồng sang nhà bố đưa đồ ăn, Thảo bỏ khỏi nhà, không cầm điện thoại. Đêm đó, trong trí nhớ của cô là một ngày trời mưa bão. Gió rít từng cơn. Đường tối mịt mù vì không có điện. Mark lao xe đi tìm vợ thì thấy cô ướt sũng bên vệ đường. Anh chồng chạy tới dìu vợ lên xe. Nhưng về nhà, Thảo càng nổi loạn.
"Cô ấy la hét nói không muốn ở đây nữa và đòi về Việt Nam", Mark kể. Anh giữ chặt hai vai để vợ bình tĩnh lại: "Em muốn ở đây hay về nước do em quyết định. Anh không cản em, nhưng đừng tự làm đau mình". Sau đó, Mark lặng lẽ nấu bữa tối, dặn vợ đi ngủ sớm để đầu óc tỉnh táo.
Bón sữa cho những chú dê yếu ớt hoặc bị mẹ bỏ rơi là công việc quen thuộc của vợ chồng Thảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cách hành xử của chồng đột nhiên làm Thảo hối lỗi. Đêm xuống, cô tĩnh tâm hơn. "Tôi nhận ra đây không phải là gia đình chồng nữa, mà là gia đình mình rồi. Không thể cứ tiếp tục để nỗi nhớ nhà khiến mình stress và hành xử trẻ con nữa. Phải coi đây là nhà của mình thì sẽ sống với một tâm thế khác", cô bừng tỉnh.
Sáng hôm sau, Thảo dậy sớm, vác cuốc ra vườn làm luống trồng rau, trồng thêm cây ăn quả. Cô học lái xe ôtô và thi lấy bằng để không phụ thuộc chồng. Thi thoảng, Thảo tự lái xe lên phố để khuây khỏa. Một ngày, hết lên trang trại nuôi bò, lại về làm vườn, chăm động vật, hai vợ chồng lăn ra ngủ, chẳng còn thời gian để buồn chán và nghĩ ngợi.
Thảo thường tranh thủ lúc rảnh rỗi chụp hình một chú bò mới sinh, cảnh đang cho dê con uống sữa bình hay cây đào đang ra hoa gửi cho ba mẹ. "Trước đây nó chưa nuôi con vật nào nhưng giờ lại biết yêu và trân trọng những thứ xung quanh đến vậy", bà Dung nói.
Một lần, hai vợ chồng trẻ cùng đến Trạm cứu hộ để nhận nuôi một chú chó. Đi qua các chuồng, con nào cũng chạy ra vẫy đuôi, nhưng có một chú chó trắng muốt, to lớn chỉ ngồi gọn một chỗ, điềm tĩnh ngửi tay rồi nhìn theo... Nhân viên trong trạm nói nó ở đây nhiều năm nhưng vì to lớn, nhiều tuổi nên không ai chọn. Thảo và chồng quyết định đón về. Chú chó ngoan ngoãn, vâng lời và thích chui vào lòng mọi người. Thảo cũng bớt cô đơn khi có thêm chú chó làm bạn. Vợ chồng cô gọi nó là con.
Cô cũng trân trọng cuộc sống mình đang có hơn khi nhìn thấy cảnh động vật, kể cả vật nuôi phải đấu tranh để sinh tồn. Bỗng nhiên, Thảo cảm giác tiếc nuối vì bỏ lỡ nhiều vẻ đẹp của thiên nhiên khi 23 năm trước đó chỉ quen với phố phường tấp nập.
Sự chăm chỉ, bắt nhịp tốt với cuộc sống mới của cô con dâu ngoại quốc khiến bố mẹ chồng Thanh Thảo bớt bận lòng. "Chúng tôi chỉ cần con hạnh phúc, làm gì, ở đâu cũng được. Thấy thảo thích nghi nhanh với cuộc sống bên này, tôi rất mừng", ông David, 70 tuổi, bố chồng Thảo nói.
Còn hạnh phúc như nhân đôi với Mark vì cô vợ trẻ trưởng thành mỗi ngày và điềm tĩnh hơn trong mọi việc.
Đôi vợ chồng son dự định sẽ sống lâu dài ở trang trại, đặt những mục tiêu nhỏ để dần hoàn thiện mình. Ước mơ của họ là có thể mở một nhà hàng để thỏa đam mê ẩm thực và sở thích ăn uống.
Sáng nay, Đỗ Thanh Thảo sẽ bắt đầu tuổi 24 ở một nơi cách xa quê nhà gần 8.000 km. Nơi đây, mở mắt ra, cô sẽ được hít căng lồng ngực thứ không khí mát lành và ngắm những ngọn đồi xanh mướt, nối tiếp nhau đến tận chân trời.