BlackBerry: một thời hoàng kim nay chỉ còn vang bóng

Đăng bởi Hoài Viễn/nguoitieudung.com.vn

15/03/2020 17:43

BlackBerry vừa tuyên bố ngừng hợp tác với TCL. Công ty này sẽ ngưng bán tất cả smartphone Android hiện tại. Một lần nữa, BlackBerry lại rút lui khỏi đường đua smartphone.

4/2/2020, BlackBerry Mobile chính thức thông báo trên Twitter rằng TCL sẽ ngừng bán điện thoại BlackBerry vào ngày 31/8/2020. "Chúng tôi rất tiếc phải chia sẻ, từ ngày 31/8/2020, TCL Communication sẽ không còn bán các thiết bị di động mang thương hiệu BlackBerry. TCL Communication không có quyền thiết kế, sản xuất hoặc bán bất kỳ thiết bị di động BlackBerry mới".

Điều này có nghĩa là sau bốn năm "đổi mới" của BlackBerry, cuối cùng hãng cũng "rời khỏi" chiến trường của điện thoại thông minh. BlackBerry sẽ không còn sản xuất điện thoại BlackBerry sau khi thỏa thuận TCL và BlackBerry hết hạn. Mối duyên phận sau nhiều thăng trầm cuối cùng cũng đã chấm dứt. 

Ông lớn muốn từ bỏ và cái bắt tay thất bại

BlackBerry đã từng là một thương hiệu "sừng sỏ" trong thị trường điện thoại thông minh. Với hệ điều hành riêng (BlackBerry OS) và bàn phím thiết kế độc đáo với trải nghiệm tuyệt vời, BlackBerry có cả một thời gian thống trị dài trước khi Apple và Samsung bùng nổ. Thiết kế bàn phím đầy đủ nhỏ gọn đặc trưng của hãng có được một nhóm người dùng trung thành suốt nhiều năm. Thời kỳ đỉnh cao, Smartphone BlackBerry có 80 triệu người dùng trên toàn thế giới, chiếm hơn nửa thị phần điện thoại thông minh của Mỹ và chiếm 20% thị phần toàn cầu.

Nhưng sau khi màn hình cảm ứng "trỗi dậy", sự kiên trì của BlackBerry đã khiến công ty Canada xuống dốc. Trước khi TCL xuất hiện, BlackBerry dường như đã sẵn sàng rời khỏi thị trường điện thoại thông minh và tập trung vào các hệ thống phần cứng như dịch vụ bảo mật, dịch vụ doanh nghiệp và sản xuất xe hơi. 

Tháng 9/2016, BlackBerry đã trao số phận của điện thoại thông minh cho TCL để giảm chi phí vốn. Công ty Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm phát triển, thiết kế và bán điện thoại thông minh thương hiệu "BlackBerry", trong khi BlackBerry sẽ chỉ cung cấp dịch vụ bảo mật và phần mềm hỗ trợ. Cũng từ ngày này, BlackBerry không còn là BlackBerry trước đây nữa. "Dâu đen" đã bắt đầu một con đường tương tự như HMD - Nokia và Lenovo - Motorola.

Sau khi TCL tiếp quản BlackBerry, hãng đã nhanh chóng ra mắt sản phẩm đầu tiên của mình là DTEK60. Điện thoại này không tiếp tục sử dụng bàn phím cổ điển của BlackBerry mà là điện thoại màn hình cảm ứng phù hợp hơn với định hướng chung của điện thoại thông minh vào thời điểm đó và sử dụng hệ điều hành Android, dư âm còn lại của BlackBerry trên sản phẩm này chỉ là những cải tiến bảo mật. 

BlackBerry DTEK60 được sản xuất bởi TCL (Ảnh: TCL)

BlackBerry đã đưa ứng dụng bảo mật DTEK duy nhất vào thời điểm đó cho sản phẩm DTEK60, ứng dụng này có thể giúp hệ thống giám sát cuộc gọi của các ứng dụng khác đến quyền riêng tư của người dùng. Tuy nhiên, thiết kế của BlackBerry DTEK60 rất giống với smartphone Idol 4S của thương hiệu Alcatel do TCL sản xuất trước đó. Vì vậy, nhiều đánh giá tại thời điểm ra mắt đã nhận định DTEK60 là sản phẩm OEM của điện thoại di động Alcatel. Rõ ràng, TCL trong giai đoạn này chưa được chuẩn bị đầy đủ. Phát súng đầu tiên về BlackBerry của TCL có vẻ hơi cẩu thả.

Alcatel Idol 4S được cho là bản gốc của BlackBerry DTEK60 (Ảnh: TCL)

Mặc dù TCL là nhà sản xuất hàng đầu Trung Quốc, nhưng BlackBerry DTEK60 vẫn chưa vào thị trường Trung Quốc. Điện thoại BlackBerry đầu tiên mà người tiêu dùng Trung Quốc có thể mua từ các kênh thông thường được gọi là KEYone. Đây là sự kết hợp giữa màn hình cảm ứng và bàn phím đầy đủ. Vào thời điểm đó, điện thoại này thực sự kích thích sự tò mò của người hâm mộ BlackBerry bởi nó không chỉ kế thừa "phả hệ" của BlackBerry mà còn chứa đựng những cải tiến của một kỷ nguyên mới.

BlackBerry KEYone kết hợp màn hình cảm ứng và bàn phím đầy đủ (Ảnh: The Verge)

Tuy nhiên, sau lần xuất hiện đầu tiên của Triển lãm điện tử tiêu dùng quốc tế CES và Hội nghị Di động Thế giới MWC, BlackBerry KEYone lại không thành công như kỳ vọng. TCL có vẻ hơi "lạc lối" trong quá trình quảng bá lẫn ra mắt, hãng đã kéo dài thời gian quảng bá của điện thoại này quá lâu: ra mắt vào tháng 1 nhưng chính thức mở bán vào tận tháng 8/2017. Đối với một sản phẩm điện tử, thời gian lâu như vậy chắc chắn sẽ làm giảm sức nóng của cú nổ "ra mắt". Đặc biệt là khi các sản phẩm của Samsung, Xiaomi và các nhà sản xuất khác liên tục trình làng. 

Những sản phẩm "mờ nhạt" không đủ sức thu hút người dùng 

BlackBerry KEYone thực sự đúng với phong cách của "dâu đen" hơn so với dòng DTEK trước đây. Phong cách thiết kế kết hợp của màn hình cảm ứng + bàn phím vật lý và chất liệu nhựa có họa tiết độc đáo ở mặt sau khiến chiếc điện thoại này trông rất khác biệt. TCL đã nỗ lực hết mình để tạo ra bầu không khí cho sự trở lại của BlackBerry.

Mặc dù màn hình cảm ứng + thiết kế bàn phím vật lý thu hút sự chú ý nhưng nó cũng mang đến những vấn đề trong vận hành. Người dùng cần liên tục chuyển đổi thói quen giữa màn hình cảm ứng và bàn phím. Việc điều chỉnh ứng dụng không quá hoàn hảo và bộ phần mềm bảo mật độc đáo của BlackBerry cũng hơi "mong manh" vì không có hỗ trợ từ hệ điều hành OS độc quyền của BlackBerry. 

Mức giá 550 USD của BlackBerry KEYone cũng khá cao với thị trường chung. Sự cạnh tranh trên thị trường điện thoại di động Trung Quốc lẫn Thế giới vẫn rất khốc liệt và người tiêu dùng có quá nhiều sản phẩm để lựa chọn.

Ngay sau khi BlackBerry KEYone mở bán, điện thoại này đã gặp sự cố nghiêm trọng khi màn hình của BlackBerry KEYone có thể bị bung khỏi thân kim loại của máy dù chỉ uốn nhẹ. TCL đã nhanh chóng phản hồi sự cố và điều chỉnh độ bám dính của kính màn hình mới để giải quyết vấn đề .

TCL chưa bao giờ công bố doanh số của sản phẩm này mà chỉ đề cập rằng KEYone đã có hơn 140.000 lượt đặt trước, bán được 5.000 chiếc trong 8 phút ở lần bán đầu tiên. Tuy nhiên, theo dữ liệu của StrategAnalytics, các thương hiệu BlackBerry và Alcatel của TCL chỉ chiếm 1% thị trường điện thoại thông minh toàn cầu và đã bị giảm xuống chung mục với các sản phẩm "khác" trong bảng dữ liệu.

BlackBerry KEYone đã không mang lại vinh quang cho TCL như mong đợi, nhưng nhà sản xuất điện thoại di động vẫn khăng khăng ra mắt sản phẩm thứ hai của dòng bàn phím đầy đủ BlackBerry - BlackBerry KEY2. So với ngoại hình xuất sắc của KEYone, KEY2 có vẻ hơi yếu thế. Điện thoại này giống như phiên bản nâng cấp 2.0 của KEYone, kế thừa thiết kế cốt lõi của KEYone - sự kết hợp của bàn phím và màn hình cảm ứng, cải thiện cấu hình và tối ưu hóa. Cuộc họp báo ra mắt vào thời điểm đó tập trung vào những fan hâm mộ trung thành của BlackBerry. Mặc dù hãng cũng hy vọng rằng thiết kế độc đáo sẽ thu hút nhiều người dùng mới hơn nhưng thực tế, nhóm người dùng của BlackBerry KEY2 vẫn chỉ là những người dùng cũ còn lưu luyến với "dâu đen". 

BlackBerry KEY2 mở bán với giá 650 USD, mức giá cao hơn người tiền nhiệm nhưng lại sử dụng chip tầm trung. Đây là điều mà người dùng khó có thể chấp nhận. Vì vậy, TCL đã ra mắt Key2 LE ở nước ngoài, giữ lại các thành phần bàn phím đầy đủ cổ điển của Key2 nhưng với mức giá thấp hơn - 400USD. Những sản phẩm thiếu sự đặc trưng lẫn chất lượng không thực sự vượt trội đã kéo danh tiếng lẫn doanh thu của BlackBerry sụt giảm dần đều. 

BlackBerry KEY2 (Ảnh: The Verge)

Ngoài việc hợp tác trực tuyến với JD.com, BlackBerry dưới sự quản lý của TCL tại Trung Quốc cũng đã mở cửa hàng cấp cao đầu tiên tại Thượng Hải và tự tin về tương lai. Những tin đồn về việc "Blackberry sẽ được thay đổi bởi TCL" đã xuất hiện rất nhiều, nhưng dường như trong cuộc đua của thời đại, TCL lẫn BlackBerry đều đã trở thành kẻ thua cuộc. 

Dĩ nhiên, thông báo chấm dứt hợp tác không phải là lời kết cho dòng smartphone mang nhãn hiệu BlackBerry. Sau khi giấy phép dành cho TCL hết hiệu lực, một số nhà sản xuất phần cứng khác có thể tham gia vào một thỏa thuận tương tự, thậm chí mua lại thương hiệu này nhưng hi vọng BlackBerry sống lại và thành công thực sự rất mong manh. 

Trong lòng người hâm mộ, BlackBerry là cái tên đầy kiêu hãnh không thể xóa nhòa. Nhưng cũng giống như Motorola và Nokia của năm đó, với sự thay đổi của thời đại, những thương hiệu cổ điển vang bóng một thời này cuối cùng đã dấn thân vào con đường OEM và sẽ không bao giờ quay trở lại.

Hoài Viễn/nguoitieudung.com.vn
Nguồn http://www.nguoitieudung.com.vn/blackberry-mot-thoi-hoang-kim-nay-chi-con-vang-bong-d80376.html
Bạn đang đọc bài viết "BlackBerry: một thời hoàng kim nay chỉ còn vang bóng" tại chuyên mục Tác giả - Tác phẩm. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.