Ứng dụng công nghệ trong y tế: Bác sĩ có thể sớm khám, chữa bệnh tại nhà cho người bệnh

Đăng bởi Thái Bình

17/10/2020 12:45

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa đã phát triển từ Telemedicine sang Telehealth, tiến tới triển khai phòng khám bệnh từ xa và cuối cùng khám bệnh tại nhà người bệnh

Chiều 16/10, trong khuôn khổ Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 đã diễn ra Hội thảo thảo Triển vọng y tế tư xa trong tim mạch đồng thời ra mắt nền tảng chăm sóc sức khỏe từ xa - Ourhealth.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho rằng những ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ bác sĩ rất nhiều trong khám chữa người bệnh, đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 ở miền Trung, việc ứng dụng công nghệ đã phát huy hiệu quả tuyệt vời để các bác sĩ nắm bắt thông tin về bệnh nhân nặng, đưa ra hội chẩn điều trị tốt nhất

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, các ứng dụng Telemedicine, Telehealth, Tele-ICU, mới nhất là trợ lý sức khỏe Ourhealth hỗ trợ rất lớn trong chẩn đoán, khám chữa bệnh, nâng cao năng lực của y tế cơ sở. Bác sĩ tuyến Trung ương có thể hội chẩn bệnh nhân, thậm chí siêu âm tim, đọc kết quả từ xa... để hội chẩn.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội: những ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ bác sĩ rất nhiều trong khám chữa người bệnh, đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 ở miền Trung

"Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa đã phát triển từ Telemedicine sang Telehealth (tư vấn trực tuyến đa bệnh viện), tiến tới triển khai phòng khám bệnh từ xa và cuối cùng khám bệnh tại nhà người bệnh"- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Ví dụ như siêu âm tim, một kĩ thuật vốn chỉ thực hiện được tại bệnh viện, thì nay bác sĩ ngồi tại viện vẫn có thể siêu âm tim cho bệnh nhân. Với đầu dò nhỏ, phát sóng wifi, người cầm đầu dò là kỹ thuật viên. Các thông số hiển thị ngay tức thì cho phép bác sĩ đang ở tại viện nắm bắt kết quả để đưa ra đánh giá.

Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ của công nghệ tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát triển. Hiện nay, tại BV Đại học Y Hà Nội mỗi tuần thực hiện 2 buổi hội chẩn trực tuyến với y tế cơ sở, với 10 bệnh nhân mỗi buổi.

"Con số bệnh nhân không lớn, nhưng rất có ý nghĩa nâng cao vai trò của bệnh viện vệ tinh, người dân tin tưởng hơn khi có bác sĩ tuyến đầu hỗ trợ. Đây cũng là phương pháp để đào tạo, hướng dẫn cho bác sĩ trẻ mới ra trường, bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa"- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Nhờ kho dữ liệu khổng lồ, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi bệnh nhân sau điều trị, tổng kết đánh giá tác dụng điều trị, tác dụng phụ, tránh tác dụng không mong muốn trong sự phối hợp các phương pháp điều trị, phối hợp các loại thuốc với nhau.

Đặc biệt, chúng ta sẽ có thể tối ưu hóa phương pháp điều trị dựa trên dữ liệu. Hiện nay với công nghệ thông tin sẽ có cách thu thập công nghệ, dự đoán chính xác nhất, đưa ra phác đồ điều trị chính xác nhất. Lúc đó, chỉ cần điều dưỡng, kỹ thuật viên cũng có thể thực hiện kỹ thuật khám bệnh, siêu âm, nghe tim.. và bác sĩ có thể chẩn đoán từ xa.

Thông tin tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, nền tảng chăm sóc sức khỏe từ xa - Ourhealth giúp bác sĩ, bệnh nhân và người thân kết nối trực tuyến để chia sẻ tình trạng sức khỏe hoặc tự động gửi cảnh báo khi có những dấu hiệu bất thường. Nền tảng cũng là diễn đàn mở giữa người bệnh, bác sĩ và các chuyên gia đầu ngành để chia sẻ kiến thức y tế; đồng thời kết nối 24/7 tới đường dây nóng của bệnh viện, dẫn đường đến bệnh viện cấp cứu đột quỵ gần nhất.

Ourhealth sử dụng Big data (Phân tích dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo) phân tích toàn bộ thông tin bệnh án, quá trình tư vấn, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt của bệnh nhân… nhằm ra đưa cảnh báo sớm về các chỉ số sức khỏe bất thường của người bệnh; các dấu hiệu cần cấp cứu, đồng thời giúp bác sĩ tư vấn chính xác và hiệu quả nhất.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, thông qua Ourhealth, người dân bị tăng huyết áp có thể đến trạm y tế địa phương để lấy thuốc mà không cần đi khám ở các bệnh viện tuyến trên như trước đây. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được tư vấn, điều trị kịp thời nếu có vấn đề bất thường về sức khỏe…

Tuy nhiên theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, để Ourhealth hoạt động hiệu quả cần tiếp tục hoàn thiện, mở rộng nền tảng, xây dựng chế độ đãi ngộ cũng như những ràng buộc trách nhiệm đối với những người tham gia tư vấn cho bệnh nhân…

Nền tảng OurHealth hiện đã và đang được triển khai thử nghiệm tại BV E Hà Nội, BV 198 Bộ Công an, BVĐK Quảng Ninh, BVĐK Ninh Bình.

Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hoa cho biết, hiện BVĐK tỉnh Quảng Ninh đang triển khai thử nghiệm nền tảng Ourhealth. “Việc sử dụng nền tảng này giống như hồ sơ bệnh án của bệnh nhân trên hệ thống phần mềm, giúp cho các bác sĩ khi tư vấn cho bệnh nhân nằm bắt được quá trình diễn biến bệnh và cập nhật tất cả những xét nghiệm của bệnh nhân. Nhờ vậy, các bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân một cách chính xác và hiệu quả nhất”, BS Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Dự kiến, trong giai đoạn đầu, Ourhealth tập trung hỗ trợ cho các bệnh liên quan đến tim mạch. Đến quý 1/2021, sẽ mở rộng nền tảng cho các bệnh lý khác như tiểu đường, suy thận, bệnh nhi khoa… và đến cuối năm 2021 cơ bản hoàn thiện hệ sinh thái y tế như bảo hiểm, nhà thuốc.

Tính đến tháng 10/2020, Ourhealth đã và đang triển khai thử nghiệm tại BV E, BV 198 Bộ Công an, BVĐK tỉnh Quảng Ninh, BVĐK tỉnh Ninh Bình. Trong thời gian tới, Ourhealth sẽ tiếp tục triển khai mở rộng tại các bệnh viện trên toàn quốc.

Bệnh tăng huyết áp đã trở nên vô cùng phổ biến, tiến triển thầm lặng và tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp và để lại những hậu quả xấu tới sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên rất nhiều người có tâm lý “sống chung với lũ” và việc uống thuốc điều trị tăng huyết áp như chuyện ăn cơm hàng ngày. Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân tăng huyết áp cần được cần chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đầy đủ.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp, và mỗi năm có khoảng 9,4 triệu người bị tăng huyết áp đã tử vong. Tại Việt Nam, điều tra dịch tễ học tăng huyết áp tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng miền trên toàn quốc cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp đã lên tới 47,3% ở những người trên 25 tuổi, tuy nhiên trong số này chỉ có 50% biết mình bị tăng huyết áp và chỉ 10% trong số này điều trị đạt đích như mong muốn

Thái Bình
Bạn đang đọc bài viết "Ứng dụng công nghệ trong y tế: Bác sĩ có thể sớm khám, chữa bệnh tại nhà cho người bệnh" tại chuyên mục KHOA HỌC. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.