Trăn trở về đô thị Hà Nội

Đăng bởi Hà Vy

05/10/2020 11:51

Nhà văn Nguyễn Văn Học vừa ra mắt tập ký sự “Hà Nội thênh thang ký ức”, với 22 bài viết suy tư về nhiều nét đẹp của Thủ đô đã bị mai một. Điều đáng nói, anh đi sâu khai thác về những làng ven đô Hà Nội đã và đang tiếp tục bị xóa mờ yếu tố làng. Phóng viên có cuộc trao đổi với anh về cuốn sách cũng như những nỗi niềm về Hà Nội.

- Từ ý tưởng nào anh đã viết tập ký sự “Hà Nội thênh thang ký ức”?

- Là người sống ở trung tâm Hà Nội 20, đồng thời quan sát những chuyển biến của siêu đô thị này và thấy rằng sự thay đổi quá lớn. Đặc biệt, lại là người làm báo, chịu khó tìm hiểu, nên tôi thấy rằng Hà Nội đã phát triển, mở rộng địa giới hành chính, đời sống người dân được nâng lên, nhưng nhiều lối ứng xử đẹp bị mai một, hệ thống làng ven đô vốn rất nổi tiếng đã không được bảo tồn một cách hiệu quả. Rất nhiều di tích bị xâm phạm, bị làm mới hoặc mất đi. Những nếp nhà cổ, tường cổ, cổng cổ, giếng cổ… không còn hoặc còn rất ít. Điều cần làm lúc này là làm sao gìn giữ được những nét đẹp của làng xưa để dù có phát triển đô thị thông minh, hạ tầng cơ sở hiện đại thì vẫn giữ được những giá trị cội nguồn, bền vững.

- Rõ ràng, đô thị hóa có mặt được và không. Như trong sách anh đã nói, cái giá của sự phát triển khá đắt?

- Mỹ từ “làng lên phố” đã và đang được hiểu là làng bị bê tông hóa, không còn đất nông nghiệp, người dân chia lô xây nhà, bám mặt đường và mở ki-ốt buôn bán. Khi đem câu hỏi “đô thị Hà Nội có thể phát triển nếu giữ gìn quá nhiều nếp làng?”. Phần lớn ý kiến trả lời là không thể. Ngay cả các cụ già thọ trăm tuổi đầy nỗi niềm cũng bảo rằng, đô thị là sự tất yếu và cái chất làng, xã với bao lối ứng xử gần gũi thân thương phải giảm sút. Trước hết đô thị hóa mạnh mẽ sẽ khiến hàng xóm không còn phụ thuộc lẫn nhau vì chung bờ thửa trong sản xuất nông nghiệp. Chúng ta đã thấy nhiều khu đất xưa trồng hoa, trồng rau muống, cấy lúa nay chỗ đó đã thành khu đô thị (KĐT), xây dựng nhiều cao ốc. Cách sống của người dân thay đổi, chuyển từ nông nghiệp sang buôn bán, kinh doanh dịch vụ, làm công nhân, vào cơ quan nhà nước… Một trong những ngôi làng từng rất nổi tiếng với nghề trồng hoa truyền thống là Ngọc Hà mà vườn hoa xen với nhà cửa đã không còn. Thương hiệu làng hoa chỉ còn trong ký ức và trong một số bức bích họa người làng vẽ lại ở trên tường. Chung cảnh ấy, một thương hiệu nổi tiếng là hồng xiêm Xuân Đỉnh cũng mai một. Xuân Đỉnh là làng cổ, nay thuộc phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) - một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa chóng mặt trong 5 năm qua. Xuân Đỉnh bây giờ sống bằng nghề cho thuê trọ. Song cuộc sống khá ngột ngạt.

- Cụ thể hơn, theo anh những cái mất lớn nhất của đô thị hóa là gì?

- Trong quá trình làng lên phố, cái được dễ thấy, nhưng có những cái mất âm thầm như mối quan hệ hàng xóm láng giềng đang bị vơi cạn, nề nếp gia phong phai mòn thì chẳng phải người nào cũng nhìn ra. Cùng với đó, các tệ nạn xã hội, tình hình mất an ninh trật tự cũng khiến mỗi chung ta phải trăn trở. Phát triển bền vững là điều ai cũng mong muốn, nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được. Trong khoảng 20 năm qua, công tác bảo tồn làng cổ ở Hà Nội rất hạn chế, thậm chí có nơi còn xin trả lại danh hiệu. Nhiều địa danh như làng hoa Ngọc Hà, làng đúc đồng Ngũ Xá, làng ảnh Lai Xá, làng cắt tóc Kim Liên… chỉ còn là ký sức.

Điều quan trọng nữa là khi làng hóa phố, diện tích đất nông nghiệp của các ngôi làng vốn trước đây có nhiều người làm ruộng, thì nay họ khó chuyển đổi nghề nghiệp. Họ cầm một khoản tiền đền bù rất lớn và xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, gửi ngân hàng, và rồi họ hoang mang trong cuộc sống khá đủ đầy tiện nghi đó. Những bi kịch của cuộc sống cũng sinh ra từ chuyện tiền nhiều nhưng không có việc làm.

- Tập ký sự của anh tập trung rất nhiều đến yếu tố làng, phải chăng anh rất yêu làng quê?

- Tôi sinh ra ở vùng quê, huyện Phú Xuyên. Bây giờ quen gọi là ngoại thành Hà Nội. Ở đó có rất nhiều làng cổ, nghề cổ, giếng cổ, cổ thụ, cổng làng… So với các quận huyện khác thì Phú Xuyên chậm phát triển. Nhưng sự chậm phát triển đó cũng chẳng giúp Phú Xuyên bảo tồn được nhiều nét đẹp. Nói đúng hơn, rất nhiều nét đẹp văn hóa đã không còn. Nhiều cổng làng, tường cây, nhà cổ bị phá, giếng cổ bị lấp. Tôi đã đi tìm hiểu các làng quê, và thấy nhiều người dân thân thương yêu quê, yêu nhà cổ hay cổng cổ nhưng buộc phải phá bỏ để chiều theo sự tiện lợi. Nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi là thứ tiện lợi đang cám dỗ hầu hết chúng ta. Càng tìm hiểu thì càng thấy tiếc. Mà nói thật lòng là phải yêu quê thì mới thấy tiếc, xúc động khi ai đó bằng sự giản dị của mình đã cố gắng giữ nếp làng.

- Nghe nói anh đã đạt giải Nhì trong cuộc thi viết ký, ghi chép “Thăng Long - Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi”, do Báo Hànộimới tổ chức. Xin anh chia sẻ?

-Bài đạt giải là vệt bài 3 kỳ, có tin “Khi làng lên phố”, đã in trong tập sách này. Như đã chia sẻ, đây là bài viết tôi tập trung nói đến những cái mất âm thầm của những ngôi làng ven đô, nay đã đô thị hóa. Thật ra, nhờ có cuộc thi nên tôi đã có động lực để tìm hiểu và viết thêm bài, có động lực in cuốn sách “Hà Nội thênh thang ký ức”.

- Với anh, một nhà văn trẻ viết về Hà Nội có khó không và anh trăn trở những gì?

- Phải nói rằng, Hà Nội luôn là đề tài thời thượng cho không chỉ nhà văn, nhà thơ mà cả giới văn học, nghệ thuật nói chung. Cảm giác như kho cảm hứng về thành phố nghìn năm sẽ không bao giờ vơi cạn. Tất nhiên, viết hay về Hà Nội là rất khó. Đã có quá nhiều người viết về Hà Nội và có lẽ vẫn tiếp tục. Mỗi nhà văn tài hoa đều biết chọn cho mình một góc, một khía cạnh khai thác để có thể cống hiến cho cuộc đời những tác phẩm hay. Là người viết về Hà Nội trong quá trình đô thị hóa mau lẹ, thành phố cũng đang tích cực xây dựng đô thị thông minh với những thách thức lớn, tôi luôn trăn trở làm sao tôn bồi giá trị, gìn giữ nét đẹp, bản sắc của mảnh đất văn hiến, đóng góp tiếng nói trong xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch.

- Và anh vẫn có ý tưởng viết về Hà Nội chứ?

- Tất nhiên, đó là công việc thường xuyên, liên tục. Thành phố đã có tuổi 1.010 năm. Một thành phố ôm chứa rất nhiều giá trị, trầm tích. Tôi yêu những trầm tích đó và mong muốn không bao giờ những trầm tích ấy mất đi, mà luôn được bồi thêm.

- Xin trân trọng cảm ơn anh!

Hà Vy
Bạn đang đọc bài viết "Trăn trở về đô thị Hà Nội" tại chuyên mục Văn hóa. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.