Ít người mua
Đến hẹn lại lên, gần đến ngày Rằm tháng 8 (Tết Trung thu), nhiều quầy hàng bánh trung thu lại được mở ở nhiều tuyến phố tại Hà Nội. Tuy nhiên, dù số cửa hàng được mở ra khá nhiều nhưng lượng người mua không đông đảo như mọi năm. Anh Nguyễn Hải Nam, chủ quầy bánh trung thu trên đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) cho biết, thị trường năm nay nhìn chung diễn biến chậm, lác đác người mua dù giá cả các loại bánh tại cửa hàng vẫn giữ nguyên không khác so với mọi năm.
“Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì những ngày này sức mua giảm hơn 30%, cả thị trường khách công ty và thị trường khách lẻ. Do sức mua giảm và lo ngại tình hình kinh doanh ế ẩm nên tâm lý chung của các chủ quầy bánh đều ngại đầu tư thêm các điểm bán bánh”, anh Nguyễn Hải Nam cho hay.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Không chỉ ở khu vực Lê Đức Thọ, khảo sát tại các tuyến phố Phan Đình Phùng, Bà Triệu, Hoàng Quốc Việt, tuyến đường vành đai 3 (Hà Nội)… cho thấy, nhiều gian hàng bán bánh trung thu của các thương hiệu lớn đều rơi vào tình trạng ế ẩm. Theo lý giải của các cơ sở bánh trung thu, năm nay, do tình hình dịch bệnh nên người tiêu dùng kỹ tính hơn trong lựa chọn thực phẩm, trong đó có bánh trung thu, khiến sức mua suy giảm, dù giá bánh vẫn được giữ tương đối ổn định.
Trong khi nhiều gian hàng bánh hiện đại khá thưa thớt người mua thì những ngày gần đây, “điểm sáng” lại đến từ gian hàng bánh truyền thống Bảo Phương (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) khi lượng khách xếp hàng mua bánh tăng khá cao so với thời điểm cách đây một vài tuần.
Do lượng khách đông nên trung bình mỗi người phải chờ từ 10 đến 20 phút mới tới lượt mua bánh. Năm nay, bánh thập cẩm vẫn ở mức dao động từ 50.000 đồng/chiếc, bánh đậu xanh hạt dưa từ 40.000 đồng/chiếc. Đối với bánh nướng, hạn sử dụng từ 7 đến 10 ngày, bánh dẻo từ 5 đến 7 ngày.
Để chủ động phòng chống dịch Covid-19, chủ cửa hàng bánh Bảo Phương đã dựng vách ngăn, đảm bảo khoảng cách an toàn cho người đến mua. Trước cửa hàng đặt biển thông báo khách xếp hàng theo thứ tự, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Người mua hàng nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Người dân hầu như đều mua bánh với số lượng khá lớn. Trước đây, để tránh việc người tiêu dùng phải xếp hàng quá lâu, cơ sở đã nhận ship bánh đến địa chỉ người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay do đơn hàng nhiều, hiện tại, cửa hàng Bảo Phương đang tạm dừng nhận các đơn ship hàng từ 1-8 đến hết 15-8 Âm lịch.
“Mặc dù những ngày gần đây, người tiêu dùng đã đến cửa hàng khá đông nhưng nhìn chung năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên lượng bán ra không nhiều bằng những năm trước”, đại diện cửa hàng chia sẻ.
Cùng chung tình trạng ảm đạm của thị trường bánh, hầu hết các cửa hàng bán đồ chơi dịp cận Tết Trung thu ở các con phố sầm uất của Hà Nội như Hàng Mã, Lương Văn Can… các loại hàng hóa vẫn được bày biện không khác mấy so với thường ngày, tuy nhiên lượng người mua thực tế vẫn khá khiêm tốn, phần đông là các bạn trẻ tới chụp ảnh, “check-in”. Đồ chơi Trung thu khá phong phú, đa dạng với nhiều mặt hàng truyền thống như: đèn ông sao, trống, đèn lồng, mặt nạ, đầu sư tử... trong đó hàng sản xuất trong nước chiếm ưu thế.
Các sản phẩm như đèn ông sao, ông sư, đèn lồng, trống, đầu sư tử… là những loại đồ chơi không thể thiếu vào mỗi dịp Tết Trung thu, cũng là sản phẩm được bày bán nhiều nhất. Giá đầu sư tử từ 50 nghìn đến 300 nghìn đồng/chiếc, tùy loại; trống từ 30 nghìn đến 300 nghìn đồng/chiếc, tùy loại; mặt nạ ông địa từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/chiếc, tùy loại. Trong khi đó, giá đèn ông sao phổ biến từ 15 nghìn đến 30 nghìn đồng/chiếc loại nhỏ và vừa; loại cực đại giá lên đến cả trăm nghìn đồng; đèn kéo quân truyền thống có giá từ 200 nghìn đồng/chiếc, có thể dùng nguồn cắm điện hoặc chạy pin. Các món đồ chơi, đồ trang trí truyền thống càng nhỏ gọn, giá rẻ từ 10 nghìn đến 50 nghìn đồng thì càng đắt khách.
Những năm gần đây, nhiều gia đình có thói quen đến phố Hàng Mã để chơi trung thu và chụp ảnh “check in”. Tuy nhiên, do ít khách hỏi mua mà chỉ đến chụp ảnh rồi đi nên gần đây, nhiều cửa hàng ở đây quyết định thu phí chụp ảnh, trung bình là 20 nghìn đồng/người/lượt.
Bảo đảm lành mạnh thị trường trung thu
Dù dự báo nhu cầu tiêu thụ bánh sẽ giảm nhưng thị trường vẫn xuất hiện lượng lớn các loại bánh Trung thu giá rẻ có xuất xứ từ nước ngoài, kém chất lượng. Trong những ngày gần đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh các sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Điển hình, mới đây, Ðội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) đã phát hiện hơn 8.000 sản phẩm bánh Trung thu, bánh chuối, bánh phô mai... do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ đang kinh doanh tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy; Ðội QLTT (Cục QLTT Hà Nội) số 13 đã phát hiện hai ô tô tại khu vực Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) vận chuyển 1.443 hộp bánh các loại (bánh Trung thu, bánh ngọt, bánh quy) và 1.118 hộp trà hoa quả do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không rõ chất lượng.
Tết Trung thu là thời điểm thị trường hàng hóa sôi động nhưng có nhiều diễn biến phức tạp, là thời điểm các đối tượng tăng cường sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, đồ chơi trẻ em với số lượng lớn. Do đó, ngay từ giữa tháng 8, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công thương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc: Tổng Cục QLTT, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ thị trường trong nước… yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2020. Trong đó, tập trung kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh trung thu để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng; công bố tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng…