Giữa tháng 11, TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp tổ chức các hội nghị liên kết phát triển du lịch với 16 tỉnh, thành phố vùng Tây Bắc và Ðông Bắc Bộ. Tiếp đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chương trình liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền trung (Bình Ðịnh, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế). Lãnh đạo các tỉnh, thành phố sẽ thảo luận, ký thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng giai đoạn 2020 - 2025 và thông qua Kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng giai đoạn 2020 - 2021.
Theo đó, các tỉnh, thành phố sẽ ký kết về năm nội dung chính: Công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Nhiều hoạt động cũng sẽ diễn ra trong khuôn khổ các hội nghị liên kết, như: Chào đón đoàn khách du lịch đầu tiên theo chương trình du lịch liên tuyến giữa TP Hồ Chí Minh và các vùng; khảo sát điểm đến tại địa phương tổ chức hội nghị liên kết; giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch và sản vật đặc trưng của các tỉnh, thành phố trong liên kết. Tại các hội nghị còn diễn ra hội thảo phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch vùng nhằm giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch mới của các tỉnh, thành phố, chính sách kích cầu của các địa phương…
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, sau mỗi hội nghị, lãnh đạo các địa phương sẽ xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch, thúc đẩy khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng Ðông Bắc, Tây Bắc, các tỉnh miền trung và TP Hồ Chí Minh. Từ đó, các tỉnh, thành phố xây dựng sản phẩm tua, tuyến du lịch đặc trưng để thu hút du khách, đưa du khách khám phá các điểm đến trong cả nước, gia tăng tỷ lệ khách du lịch hai chiều, góp phần khôi phục lượng khách du lịch nội địa trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường.
Ðại diện lãnh đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành thành phố đã tổ chức khảo sát tại các tỉnh, thành phố phía bắc, các tỉnh trọng điểm về du lịch tại miền trung để xây dựng những tua mẫu. Hiện, 42 DN của vùng Tây Bắc Bộ ký kết với chín DN của thành phố; phối hợp phát triển ba tua liên kết mới nối các địa phương với nhau. Phần lớn các tua mới đều khai thác thế mạnh du lịch vùng, miền. Ðối với miền trung là khai thác du lịch biển đảo, du lịch di sản miền trung; vùng Ðông Bắc Bộ là khai thác tua tuyến văn hóa, ẩm thực vùng miền; riêng vùng Tây Bắc Bộ là khai thác các tua tuyến cội nguồn, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử…
Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, khách nội địa hai tháng gần đây đang có xu hướng tăng trở lại. Doanh thu của nhà hàng, khách sạn cũng đang có xu hướng tăng. Dựa vào tình hình thực tế, ngành du lịch thành phố phấn đấu cuối năm nay doanh thu đạt ít nhất 80 nghìn tỷ đồng. Thành phố cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ đạt 15 triệu khách nội địa. Khi các chương trình liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước diễn ra, hy vọng lượng khách nội địa đến thành phố sẽ nhiều hơn.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng đang tập trung xây dựng các tua đặc trưng nhằm kéo du khách các nơi đến với thành phố. Ðiển hình như chiều 31-10 vừa qua, tại bến tàu Ðông Dương (quận 4) đã diễn ra chương trình chào đón đoàn khách kích cầu du lịch của tỉnh Quảng Ninh đến tham quan lưu trú tại TP Hồ Chí Minh. Ðây là đoàn du khách do Công ty TST Tourist tổ chức, lưu lại TP Hồ Chí Minh hai ngày trong chương trình tua Nha Trang - Phan Thiết - TP Hồ Chí Minh. Tại TP Hồ Chí Minh, đoàn đã tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, Hội trường Thống Nhất, trải nghiệm du lịch trên sông, tham quan ngắm toàn thành phố với xe buýt hai tầng…
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm, mục tiêu liên kết với các vùng Ðông Bắc, Tây Bắc và các tỉnh miền trung nhằm phục hồi lượng khách, đưa khách từ các địa phương trong nước đến thành phố, đóng góp tăng trưởng cho thành phố. Việc ký kết giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố, các hãng hàng không, DN lữ hành không phải là nội dung "khung" chung chung mà mỗi DN phải cam kết đưa lại lợi ích gì cho nhau, ràng buộc cụ thể việc đưa khách hai chiều như thế nào. Qua chương trình liên kết, các DN sẽ có những sáng kiến mới thu hút khách du lịch trong nước đến với các tỉnh, thành phố...