Sau khi đạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư UPU, Phan Hoàng Phương Nhi, 13 tuổi, tiếp tục giành giải ba quốc tế với bức thư gửi mệ Sương bán xôi.
Sáng 1/12, trong lần thứ hai ra Hà Nội, Phương Nhi, lớp 8/2 trường THCS Duy Tân, tỉnh Thừa Thiên Huế, giản dị trong bộ đồng phục, có mặt tại trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, để nhận giải quốc tế. Được bạn bè, các em lớp dưới vây quanh xin chụp ảnh và chữ ký, nữ sinh hơi ngượng nghịu, nhưng vẫn tươi cười. "So với lần giải nhất quốc gia, niềm vui lần này rất khác, không chỉ cho mình em mà còn vì lá thư có thêm cơ hội được nhiều người biết đến", Nhi nói.
Ảnh minh họa nguồn internet
Được phổ biến thể lệ, đề tài "Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống" của cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 vào cuối tháng 12/2019, Phương Nhi nhanh chóng lựa chọn "mệ Sương bán xôi" là nhân vật chính trong bức thư.
Mệ Sương trạc 50 tuổi, làm nghề bán xôi. Là khách quen của gánh xôi mệ Sương 10 năm nay, khi thấy mệ luôn dùng túi nylon và hộp xốp đựng xôi cho khách, Nhi "hiểu mình và các bạn đang bị đầu độc mà không hay biết". Sau khi đắn đo, Nhi cùng mẹ đến gặp mệ Sương thủ thỉ về tác hại của hộp xốp, túi nylon đựng xôi.
Thời điểm Nhi gửi bức thư dự thi UPU trong nước, mệ Sương cũng chuyển hẳn từ hộp xốp sang dùng lá chuối để gói xôi. Khi được hỏi bức thư của Nhi có tác động như nào, mệ Sương thật thà: "Nhiều người tò mò và tìm đến gánh hàng xôi của tôi hơn. Dùng lá chuối vất vả và mất thời gian hơn hộp xốp nhưng tôi vẫn rất vui khi có thể cùng Nhi và nhiều người khác bảo vệ môi trường".
Sau khi đạt giải nhất quốc gia, bức thư được gửi dự thi quốc tế. Đầu tháng 11, Phương Nhi choàng tỉnh sau giấc ngủ trưa khi được mẹ báo tin bức thư của em có giải quốc tế. Sau khi chia vui với gia đình và thầy cô, Nhi nhanh chóng tìm gặp mệ Sương để báo tin. "Đã rứa", mệ cười, nói ngắn gọn.
Cô bé sinh năm 2007 cho rằng mình may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong gia đình có ý thức bảo vệ môi trường. Dù bố mẹ đều không làm trong lĩnh vực này, Phương Nhi luôn được dặn hạn chế dùng túi nylon, đồ nhựa một lần. "Với em, đây không chỉ là niềm vinh dự, sự tự hào mà còn là trách nhiệm. Em sẽ tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, động viên và nhắc nhở bạn bè, người thân cùng giảm thiểu rác thải nhựa", Nhi nói.
Ảnh minh họa nguồn internet
Từ câu chuyện của mình, Phương Nhi cho rằng không cần quá giỏi văn để tham gia viết thư UPU. Điều quan trọng là những điều truyền tải trong bức thư cần chân thực, gần gũi, không nhất thiết câu từ lúc nào cũng cần hoa mĩ bởi "những gì từ trái tim sẽ đến với trái tim".
Trong 32 năm Việt Nam tham dự viết thư UPU, Phương Nhi là học sinh thứ 15 đạt giải quốc tế. Em sẽ nhận được bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban tổ chức, cho rằng giải thưởng không chỉ là vinh dự với cá nhân Phương Nhi mà còn là sự tự hào của học sinh Việt Nam nói chung. Ông hy vọng các thế hệ học sinh sẽ đạt giải cao trong các cuộc thi Viết thư UPU tiếp theo.