Gạo, tiền cho người bán vé số dạo, người lao động tự do
Tại kỳ họp thứ 19, HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa IX, UBND TPHCM đã trình HĐND TPHCM thông qua nội dung một số chế độ chi của TP phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cho người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19.
Từ đó, HĐND TP. đã có nghị quyết về một số chế độ chính sách chi cho phòng chống dịch trên địa bàn thành phố. Cụ thể, thành phố sẽ chi 2.700 tỉ đồng hỗ trợ chống dịch COVID-19, trong đó dành 1.800 tỉ giúp các đối tượng khó khăn do tác động của dịch bệnh, cùng với đó là rất nhiều giải pháp cụ thể để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo nghị quyết, người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá ba tháng, tính từ tháng 4/2020. Dự kiến 600.000 người, bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ sẽ được hưởng chính sách này.
Bên cạnh đó, người bị cách ly y tế, kể cả tại khu dân cư được khoanh vùng kiểm dịch, phân loại trước khi chuyển đến khu cách ly tập trung (không bao gồm cách ly tại nhà, nơi lưu trú - NV) và người điều trị COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh TP.HCM được hỗ trợ mức 90.000 đồng/người/ngày.
Các đối tượng: Công an, quân đội, nhân viên y tế và lực lượng tham gia phòng chống dịch đều có chế độ hỗ trợ từ nguồn ngân sách của thành phố. Học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp công lập và công nhân vệ sinh trực tiếp tham gia chống dịch được hỗ trợ 3 cái khẩu trang/người/tháng.
Dự kiến tổng nguồn kinh phí hỗ trợ người lao động, chế độ hỗ trợ công tác phòng chống dịch khoảng 2.700 tỉ đồng.
Chung tay với nhà nước còn có các nhóm thiện nguyện do chính người dân tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách” hàng trăm địa điểm phát gạo và thực phẩm miễn phí cho người nghèo khó đã xuất hiện trên đường phố.
Theo đó, nhiều địa điểm như quận 1, quận 3, quận 6, quận 10, Gò Vấp, Tân Phú… đã có nhiều điểm phát mỳ gói, trứng, gạo, dầu ăn, khẩu trang… miễn phí cho người khó khăn, đặc biệt là những người bán vé số dạo.
Khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; trung tâm y tế quận, huyện; phòng y tế quận, huyện; phòng khám đa khoa về việc triển khai khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra.
Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, đồng thời hạn chế số lượng người bệnh tập trung tại các bệnh viện, Sở Y tế thống nhất với Bảo hiểm Xã hội TP về việc triển khai khám chữa bệnh và cấp thuốc tại nhà cho người cao tuổi trong thời điểm hiện nay.
Cụ thể, đối với người bệnh từ 60 tuổi trở lên mắc các bệnh lý thông thường, bệnh lý mạn tính ổn định đều có thể được khám và cấp phát thuốc tại nhà. Căn cứ vào danh sách người bệnh đang được theo dõi và cấp thuốc định kỳ tại đơn vị, đơn vị thông báo bằng nhiều hình thức để người bệnh, thân nhân người bệnh được biết và phối hợp.
Căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị, tổ chức triển khai việc khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho người bệnh bằng các hình thức khác nhau, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh cao tuổi, đồng thời thuận lợi cho đơn vị và phù hợp với quy định hiện hành.
Đối với các trường hợp người cao tuổi mắc bệnh lý thông thường, không cần nhập viện để điều trị, cần phân công bác sĩ cùng điều dưỡng đến khám chữa bệnh tại nhà cho người bệnh.
Đối với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính đang theo dõi và điều trị định kỳ tại đơn vị, phân công bác sĩ bệnh viện có thể thăm khám, trao đổi qua điện thoại cùng người bệnh, nếu tình trạng người bệnh ổn định và có chỉ định tiếp tục sử dụng thuốc như lần khám trước liền kề, bác sĩ thực hiện kê đơn thuốc cho người bệnh đủ sử dụng trong 1 tháng.
Sở Y tế cũng yêu cầu, nhân viên y tế giao thuốc tại nhà cho người bệnh; hoặc người nhà người bệnh có thể đến nhận thuốc cho người bệnh tại đơn vị, nhưng để tránh tình trạng người nhà phải chờ đợi lâu, đề nghị các đơn vị có phương án tổ chức cấp phát thuốc hợp lý như: chuẩn bị sẵn cơ số thuốc theo đơn, hẹn giờ đến lĩnh thuốc phù hợp.
Người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm về mọi hoạt động tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc cho người bệnh tại nhà hoặc bằng các hình thức khác; nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh và phù hợp các quy định hiện hành. Đảm bảo quản lý chặt chẽ nhân sự được phân công tham gia khám chữa bệnh tại nhà người bệnh.