Anh Nguyễn Duy Anh, 28 tuổi (TP HCM) và vợ, vừa có chuyến du lịch 10 ngày ở Nam Cực vào đầu tháng 12. Khi chia sẻ trải nghiệm này, anh muốn tạo cảm hứng để mọi người có thêm động lực khám phá các vùng đất xa xôi nhưng ấn tượng trên thế giới.
10 ngày chinh phục Nam Cực
Ngày đầu tiên, vợ chồng tôi đáp máy bay xuống thị trấn Ushuaia, Argentina. Thời tiết mát mẻ, dễ chịu. Chúng tôi dành ngày đầu để đến công ty lữ hành - nơi đã mua tour để kiểm tra lại lịch trình, sau đó tranh thủ tham quan thị trấn, mua thêm đồ dùng cần thiết.
Duy Anh và vợ từng có thời gian dài sống tại Singapore, Myanmar và làm kinh doanh. Năm 2019, họ dành cả một năm để đi du lịch khắp thế giới: như UAE, châu Âu, một số quốc gia Trung Á, Ấn Độ và Nam Mỹ (chuyến này họ kết hợp tới Nam Cực). Kết thúc hành trình này, họ tiếp tục đi Canada, Đài Loan và Singapore trước khi về Việt Nam ăn Tết Nguyên đán 2020. Ảnh: Nguyễn Duy Anh. |
Ngày thứ hai, chúng tôi lên tàu và khởi hành lúc 17h. Tàu băng qua eo biển Drake (nơi phân cách hai lục địa Nam Mỹ và Nam Cực). Trên tàu, mọi người được phổ biến kiến thức về chim cánh cụt, băng, vấn đề an toàn, các quy tắc khi đặt chân tới Nam Cực, cũng như cách chụp ảnh sao cho đẹp...
Thủy thủ đoàn đều là những người mê du lịch hoặc các nhà khoa học. Họ có niềm đam mê với Nam Cực và cùng chia sẻ các hiểu biết. Tôi được phát giày chuyên dụng, dùng để đi khi tới Nam Cực nhằm đảm bảo an toàn cũng như an ninh sinh học cho lục địa này.
Ngày thứ 4, tàu đi vào địa phận Nam Cực và đến điểm đầu tiên: đảo Aitcho. Các hành khách xuống thuyền để ngắm chim cánh cụt. Khi tôi tháo găng tay để chụp ảnh, chỉ tầm một phút là tay đã rét cóng. Hành trình tiếp theo là thám hiểm đảo Danco, Cuverville, đi tour thuyền phao, thăm các điểm du lịch ở cảng Lockroy, vịnh Lemaire Channel. Hoạt động tôi thích nhất là đi thuyền phao ngắm băng. Xung quanh tôi lúc này là một màu trắng xóa của băng, tuyết, chim cánh cụt...
Duy Anh cho biết anh rất thích đến Nam Cực ngắm chim cánh cụt nhưng trước đó không biết làm thế nào để đi, cho đến khi nói chuyện với một người bạn và được hướng dẫn. Trên ảnh là con tàu Ocean Diamond mà du khách Việt đã đi. Ảnh: Nguyễn Duy Anh. |
Cảng Lockroy có trạm khảo sát Nam Cực, ngày nay trở thành điểm bán hàng, quà lưu niệm và bảo tàng nhỏ, lưu trữ hình ảnh, vật dụng, cuộc sống của những người tiên phong đến ở và làm việc tại đây những năm 1940-1950. Tại đây, bạn cũng có thể gửi bưu thiếp về cho người thân, bạn bè.
Lemaire Channel là một vịnh biển nổi tiếng với cảnh đẹp như trong cổ tích. Hai bên vịnh là núi tuyết trắng xóa, ở giữa là dòng chảy đầy băng trôi. Đến ngày thứ 6, trời nắng rực rỡ và cá voi bắt đầu xuất hiện. Đây cũng là ngày có hoạt động Polar Plunge (mặc đồ bơi nhảy xuống biển). Hành khách nào tham gia hoạt động này sẽ được tặng giấy chứng nhận và một sticker kỷ niệm. Buổi tối, du khách dự tiệc BBQ và được mọi người gọi đùa là "để hồi sức cho những người vừa nhảy xuống biển".
Ngày cuối cùng khám phá Nam Cực là tham quan cảng Paradise và đảo Useful. Cảng Paradise là một cảng sâu, nhiều băng xanh. Buổi sáng, mọi người tham quan đảo và thám hiểm bằng thuyền phao, ngắm nhìn hải cẩu, các tổ chim trên mỏm đá. Đây là một ngày "siêu may mắn" vì được nhìn tận mắt một đàn cá voi sát thủ bơi ngang qua ở cự ly gần. Đàn cá voi này vì tò mò nên đến gần mấy chiếc thuyền. Người hướng dẫn trên thuyền của chúng tôi cho biết 4 năm trở lại đây cô ấy chưa được tiếp cận cá voi gần như vậy mà chủ yếu là chỉ nhìn từ tàu xuống.
Sau đó, tàu dành hai ngày còn lại để trở về Ushuaia.
Những điều cần lưu ý
Mùa du lịch ở đây bắt đầu từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 3. Có nhiều quốc gia bán tour Nam Cực, nhưng phần lớn khách đều chọn địa điểm phổ biến nhất để bắt đầu là từ thành phố Ushuaia (nơi được mệnh danh là tận cùng thế giới).
Có hai phương án đi thăm Nam Cực: máy bay (chuyến charter) và tàu. Đi tàu giá rẻ hơn, có nhiều chuyến hơn để lựa chọn, tham quan được nhiều nơi hơn nhưng mất thời gian di chuyển hơn. Đi máy bay nhanh nhưng giá cao, ít điểm tham quan và dễ bị chậm, hủy chuyến nếu thời tiết thay đổi.
Anh Duy Anh chia sẻ việc nhảy xuống tắm biển dưới trời âm độ C "không mấy đáng sợ", vì chỉ sau một giây là cả người đã mất luôn cảm giác. Ở dưới nước khoảng một phút thì anh lên bờ. Ảnh: Nguyễn Duy Anh. |
Tùy thuộc vào số ngày trong hành trình, chuyến đi sẽ có giá khác nhau, từ 4.000 USD đến 20.000 USD (giá này là chi phí tour đến Nam Cực từ một trong các thành phố xuất phát, chưa gồm chi phí di chuyển, visa, ăn và ở trước sau chuyến đi).
Du khách nên mang theo kính râm. Đây là vật không thể thiếu vì băng rất chói, bạn khó có thể mở mắt để chiêm ngưỡng mọi thứ. Du khách cũng không cần mang theo drone vì không được sử dụng.
Các chuyến thám hiểm kéo dài tối đa 3-4 tiếng, sau đó mọi người sẽ nghỉ trưa/tối trên tàu. Bạn nên tranh thủ những lúc nghỉ này để sạc pin điện thoại, máy ảnh.
Trên tàu có bác sĩ, nếu bạn say tàu xe có thể xin họ hoặc tự chuẩn bị. Nếu muốn, bạn có thể mang theo cờ Việt Nam để đến đây chụp ảnh lưu niệm. Dịch vụ trên tàu đều chu đáo nên các bạn không cần phải lo lắng quá nhiều.
Cách "săn" được giá tour tốt
Bạn cần xác định số tiền có thể chi cho chuyến đi này. Sau đó, bạn xác định thời gian mình có thể đi, số người đi cùng, điểm xuất phát... Tiếp theo, bạn gửi thư, liên lạc với các công ty tour, đại lý du lịch ở nước ngoài bán tour đi Nam Cực và có thể thoải mái nói với họ về khả năng tài chính của mình. Nên giữ liên lạc thường xuyên với họ.
Khi mua tour, khách đều được tặng (hoặc cho mượn) những dụng cụ quan trọng nhất như áo khoác dày chống thấm nước, giày chuyên dụng, bao tay, mũ... Do vậy, nếu có được gói tour (gồm giảm giá) phù hợp với túi tiền, bạn nên kiểm tra kỹ tour nó gồm những gì để không mất tiền mua sắm thêm. Nên chuẩn bị sẵn áo ấm ở nhà, thay vì đến đây mới mua vì giá cả đắt đỏ. Ngoài những lúc ra ngoài trời khá lạnh, còn lại khi ở trên tàu nhiệt độ rất ấm do có hệ thống sưởi.
Bạn có thể "mặc cả" công ty du lịch giảm giá thêm cho bạn nhưng không nhiều. Tôi mua tour khoảng 4.000 USD một người, tổng chi phí hết 6.000-7.000 USD (gồm vé máy bay từ Việt Nam, các chi phí phát sinh). Sau chuyến đi này, hai vợ chồng sẽ ăn... mì gói dài hạn, nhưng những trải nghiệm ở Nam Cực tôi thấy hoàn toàn xứng đáng. Đó là một thế giới hoàn toàn khác.
Nam Cực dưới ống kính của nam du khách 28 tuổi
Theo New World Encyclopedia, định nghĩa về "lục địa" là một vùng đất rộng lớn trên trái đất. Bảy khu vực thường được gọi là lục địa gồm: châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Bắc Mỹ, châu Nam Mỹ, châu Đại Dương và châu Nam Cực. Tuy nhiên, các lục địa này thường được xác định theo quy ước, chứ không phải bất kỳ tiêu chí nghiêm ngặt nào. Một số nhà địa lý cũng chia thế giới thành 6 lục địa (Âu, Á, Phi, Mỹ, Đại Dương và Nam Cực) hoặc 5 lục địa (Á-Âu, Phi, Mỹ, Đại Dương và Nam Cực).
Duy Anh