Quy trình khiếu nại, khiếu kiện trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Đăng bởi Kim Thuý – Tâm Võ

26/10/2023 11:44

Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, là một trong những vấn đề quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, khi ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, có đất bị thu hồi. Chính vì vậy, đây là một trong những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều khiếu nại, khiếu kiện. Tuy nhiên, có rất nhiều người sử dụng đất vẫn chưa nắm hết về quy trình khiếu nại, khiếu kiện.

Thu hồi đất là vấn đề pháp lý quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân khi họ bị mất quyền sử dụng đất, di dời chỗ ở và liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng. Hệ quả pháp lý của việc thu hồi đất chính là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, vẫn có một số bất cập về việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong thời gian qua dẫn đến các diễn biến phức tạp, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Để hiểu rõ hơn về các khiếu nại, khiếu kiện và các trường hợp phát sinh thường gặp trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hãy cùng trò chuyện với Luật sư Vũ Văn Trà - Đoàn luật sư Thanh Hóa, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sơn Trà, để được giải đáp và tìm hiểu các quy định pháp lý về vấn đề này.

Thưa Luật sư, đối tượng của khiếu nại, khiếu kiện trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là gì?

Đối tượng của việc khiếu nại, khiếu kiện đối với việc thu hồi đất và giải phóng mặt bằng là các Quyết định hành chính và hành vi hành chính, liên quan đến quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Cụ thể, căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Luật tố tụng hành chính, sửa đổi bổ sung năm 2019 thì Quyết định hành chính được hiểu là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức ban hành quyết định vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Căn cứ vào khoản 3 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 thì hành vi hành chính được hiểu là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Thưa Luật sư, LS có thể liệt kê một số quyết định hành chính và hành vi hành chính là đối tượng của khiếu nại, khiếu kiện trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không ạ?

Thực tế trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thường có các quyết định hành chính như sau: Quyết định thu hồi đất; Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất; Quyết định kiểm đếm tài sản bắt buộc; Quyết định cưỡng chế việc thực hiện quyết định kiểm đếm tài sản bắt buộc; Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư,..

Đối với các dạng hành vi hành chính thường bị khiếu nại, khiếu kiện gồm có: Thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không đúng đối tượng, không đúng diện tích, mức bồi thường cho đối tượng có đất bị thu hồi; Xác định sai vị trí đất dẫn đến việc chi trả bồi thường sai, làm ảnh hưởng nghiêm trong đến đối tượng bị thu hồi đất; Thực hiện việc thu hồi đất không đúng thẩm quyền, không đúng vị trí quy hoạch đất, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Không thông báo trước cho người có đất bị thu hồi, không công khai phương án hỗ trợ, bồi thường và tái định cư…

Thưa Luật sư, trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại hoặc chưa có quyết định, bản án có hiệu lực của Toà án thì người chủ sử dụng đất bị thu hồi đất có phải giao đất hay không?

Căn cứ vào khoản 6 Điều 17 NĐ 43/2014/NĐ - CP có quy định như sau: “Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại”. Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trong trường hợp có khiếu nại của chủ sử dụng đất là cá nhân hoặc tổ chức thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thanh kiểm tra và có kết luận về việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng việc cưỡng chế nếu chưa thực hiện việc cưỡng chế, còn nếu đã thực hiện việc cưỡng chế thì phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định thu hồi đất và các quyết định có liên quan, đồng thời phải bồi thường nếu phát sinh thiệt hại.

Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 68 Luật tố tụng hành chính năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 thì cá nhân tổ chức có quyền khởi kiện đến Toà án có thẩm quyền và yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không phải thực hiện biện pháp bảo đảm (ví dụ: Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính; tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính).

Thưa Luật sư, hiện nay trình tự khiếu nại được quy định như thế nào?

Trình tự khiếu nại được quy định tại Điều 7 Luật khiếu nại 2011, được sửa đổi bổ sung năm 2013 quy định như sau:

Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Đối với trường hợp chủ sử dụng đất vừa có đơn khiếu nại và vừa có đơn khởi kiện thì được giải quyết theo quy định tại Điều 33 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019.

Cám ơn những chia sẻ của Luật sư về nội dung này!

Kim Thuý – Tâm Võ
Bạn đang đọc bài viết "Quy trình khiếu nại, khiếu kiện trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" tại chuyên mục KINH TẾ. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.