Hành trình phục chế xe cổ

Đăng bởi Thanh Hoa

01/11/2024 14:40

Xuất phát điểm là Giảng viên đại học không liên quan đến chuyên ngành ô tô nhưng lại trở thành một chuyên gia phục chế xe cổ. Tại sao lại lựa chọn con đường chông gai này, động lực để đi con đường này như thế nào? Mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn của phóng viên… với chuyên gia phục chế xe cổ Đoàn Văn Báu, ông chủ Cobra Auto Thủ Đức.

Phóng viên: Tại sao ông lại chọn công việc phục chế xe cổ, trong khi hiện nay xu hướng đang là xe điện?

Ông Đoàn Văn Báu: Tôi chọn xe cổ vì các lý do sau:

- Đầu tiên, từ nhỏ tôi đã rất thích, đam mê những mẫu xe cổ trên thế giới và luôn mong muốn được trải nghiệm những mẫu xe này. Và ngay từ thời thanh niên tôi đã sưu tầm những chiếc xe máy cổ, chủ yếu là dòng xe 2 kỳ tập tành chơi. Khi có điều kiện tầm năm 2005 mới được sở hữu chiếc ô tô cổ đầu tiên. Và đó chính là sự khởi đầu của đam mê trong suốt những năm tháng qua cho đến hiện tại và chắc chắn là tương lai cũng vậy. Tôi nhận thấy, những chiếc xe cổ luôn được chăm chút, đầu tư trong chế tạo. Để thiết kế một mẫu xe cổ, ngày xưa kỹ sư phải vẽ tay có khi mất 1 – 2 năm, điều chỉnh nhiều lần… nên đường nét thiết kế rất hài hòa, khoa học và thẩm mỹ. Khác hẳn với mẫu xe hiện đại khi các nhà sản xuất vận dụng quá nhiều công nghệ trong thiết kế, sản xuất, chế tạo nên nhìn xe nào cũng na ná nhau, tạo ra sự nhàm chán. Vì vậy khi phục chế một chiếc xe cổ hay sở hữu nó làm cho tôi có cảm xúc rất đặc biệt, thực sự yêu thích.

- Thứ hai, xe cổ thực sự giá trị, là tài sản chứ không phải tiêu sản như mọi người nghĩ. Nếu các bạn theo dõi các kênh đấu giá xe cổ hoặc các trang bán xe cổ nổi tiếng trên thế giới, các bạn có thể nhận thấy giá xe cổ mỗi năm tăng khoảng 10%, có những chiếc xe cổ rất đắt giá lên đến hàng triệu USD. Ở Việt Nam cũng có những chiếc xe cổ có giá trị hàng chục tỷ đồng, càng ngày càng lên giá.

- Thứ ba, ở Việt Nam nhiều người đam mê xe cổ, chơi xe cổ và hiện nay có điều kiện để chơi xe cổ. Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều hội nhóm, cá nhân, nhà sưu tầm chơi xe cổ, tập trung nhất ở các thành phố lớn mà “Thủ phủ xe cổ” là Thành phố Hồ Chí Minh. Việc tìm mua phụ tùng xe cổ cũng không còn khó khăn như xưa, người chơi xe cổ có thể trực tiếp mua trên các sàn thương mại điện tử hoặc thông qua các đối tác phụ tùng. Điều này góp phần quan trong phát triển phong trào chơi xe cổ ở Việt Nam.

- Thứ tư, hiện nay chưa có những cơ sở phục chế xe cổ chất lượng cao, qui mô, bài bản nên đây sẽ là một thị trường giàu tiềm năng. Và cho dù xe điện có phổ biến như thế nào đi nữa, xe cổ vẫn có giá trị riêng, thị phần riêng nên việc sản xuất, kinh doanh cũng không gặp phải quá nhiều khó khăn.

Đây là cơ sở để tôi chọn con đường phục chế xe cổ. Mặc dù nhiều người góp ý là lợi nhuận không cao và rất “khoai”.

Phóng viên: Được biết trước đây ông từng là giảng viên đại học của một chuyên ngành không liên quan đến công nghệ ô tô. Việc chuyển qua phục chế xe cổ là “trái tay” vậy ông gặp phải những khó khăn gì?

Ông Đoàn Văn Báu: Chuyên môn của tôi là lĩnh vực Luật và Tâm lý học, việc chuyển qua một lĩnh vực hoàn toàn mới là “phục chế xe cổ” đương nhiên gặp phải nhiều khó khăn. Những quá trình chuyển đổi này được tôi tích lũy trong nhiều năm và quan trọng nhất là có phương pháp tiếp cận khoa học sẽ khắc phục được những hạn chế về chuyên môn.

Xuất phát điểm đến với nghề phục chế xe cổ của tôi là đam mê, từ đam mê này tôi đã nghiên cứu hầu như tất cả các giáo trình công nghệ ô tô của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề ở Việt Nam, nghiên cứu tài liệu chuyên môn quốc tế để học hỏi, cập nhật kiến thức. Điều quan trọng là tôi học hỏi được nhiều điều từ những nhà sưu tầm, thợ phục chế xe cổ về kiến thức phục chế xe cổ và trực tiếp trải nghiệm hầu như tất cả dòng xe cổ ở Việt Nam, Thái Lan… nên cũng phần nào khắc phục được hạn chế về chuyên môn. Hơn nữa, tôi không phải là thợ mà đóng vai trò quản lý, chỉ đạo phục chế xe nên cũng không quá khó khăn.

Nhưng tôi phải thừa nhận rằng, trình độ phục chế xe cổ của Cobra Auto Thủ Đức còn kém xa so với các cơ sở phục chế trên thế giới nên chúng tôi cần cập nhật, học hỏi nhiều hơn nữa mới có thể vươn xa được.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ về mục tiêu của Cobra Auto Thủ Đức và công việc phục chế xe cổ trong thời gian tới?

Ông Đoàn Văn Báu: Mục tiêu à! Mục tiêu của tôi là chơi xe cổ, tận hưởng trải nghiệm xe cổ thôi. Còn mục tiêu của Cobra Auto Thủ Đức là phấn đấu đầu tư có chiều sâu theo hướng chuyên biệt với từng dòng xe cổ, đầu tư cơ sở vật chất và đạo tạo nhân lực có chuyên môn cao để có thể theo kịp trình độ phục chế xe cổ ở các nước phát triển. Quan trọng nhất là phấn đấu để trở thành một địa chỉ uy tín, tin cậy của anh em sưu tầm xe cổ khi đưa xe đến phục chế.

 

Thanh Hoa
Bạn đang đọc bài viết "Hành trình phục chế xe cổ" tại chuyên mục KINH TẾ. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.