Một thành phố chỉ tồn tại nếu cư dân của thành phố đó sử dụng các không gian công cộng liên tục và ngược lại những cư dân đó sẽ chỉ làm như vậy nếu họ cảm thấy thành phố sạch sẽ, an toàn và thú vị với họ. Gehl nhấn mạnh vào việc bắt đầu với yếu tố con người thay vì là giao thông khi kiến tạo hoặc tái tạo các khu vực đô thị có ý nghĩa nổi bật.
Trong ngôn ngữ cuộc sống đời thường, không mấy khi người ta phân biệt rạch ròi hai từ “nhân sinh” và “dân sinh”, chúng thường được dùng tương đương nhau. Tuy nhiên, nếu lật mở từ điển cũng như tham khảo trên các tài liệu, chúng ta sẽ thấy một sự khác biệt nhất định. Nhân sinh là sự sống của con người (trong đó nhân là người, sinh là sự sống). Nhân sinh thường được dùng trong cụm từ “nhân sinh quan” để chỉ quan niệm, cách nhìn nhận (thành hệ thống) về cuộc đời, cuộc sống con người. Dân sinh thì có nhiều nghĩa hơn: Dân sinh có thể là sinh kế, sinh hoạt của nhân dân (trong đó dân là nhân dân, sinh là sinh kế), có thể là sự sống của người dân (trong đó dân là người dân, sinh là sự sống), và cũng có thể là đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung. Như vậy, “vị nhân sinh” và “vị dân sinh” đều có nghĩa chung là vì cuộc sống của con người, lấy cuộc sống con người làm tôn chỉ, làm mục đích để hình thành những ý tưởng và phát triển những hoạt động.
Nhưng trong một chừng mực nào đó thì có lẽ “vị nhân sinh” mang tính khái quát cao hơn khi đề cập đến “con người” nói chung, thậm chí là “nhân loại” với những triết lý về cuộc đời, về ý nghĩa, và về mục đích sống. Chẳng hạn như chúng ta thường nhắc đến “nghệ thuật vị nhân sinh” khẳng định bản chất xã hội của nghệ thuật, chủ trương gắn nghệ thuật với đời sống xã hội, chống lại các khuynh hướng nghệ thuật thoát ly cuộc sống. Còn trong kiến trúc, khái niệm vị nhân sinh thường được dùng một cách lưỡng dụng, nghĩa là vừa có tính hợp lý tiện dụng của công năng khi kiến trúc đặt nhu cầu của người sử dụng lên hàng đầu và thỏa mãn tối đa những nhu cầu đó, vừa thể hiện quan điểm sáng tạo kiến trúc một cách thi vị, tràn đầy cảm xúc thông qua một nhân sinh quan nhất định về môi trường sống của con người.
Trong khi đó “vị dân sinh” lại đề cập đến những khía cạnh đời thường nhất của cuộc sống người dân như sinh kế, hay sinh hoạt của họ. Nói cách khác, dân sinh thể hiện những gì rất thiết thực, không màu mè, liên quan đến những nhu cầu cơ bản nhất, thường là vật chất, của mỗi con người. Nhà cách mạng Phan Châu Trinh đã rất say mê với tư tưởng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” lấy yếu tố “dân” làm gốc, trong đó “hậu dân sinh” nghĩa là làm cho đời sống của dân ngày càng no ấm, nền kinh tế quốc dân phát triển (“hậu” là làm dày ra). Nói cách khác công cuộc “khai dân trí” và “chấn dân khí” chỉ có kết quả vững chắc khi biết làm cho đời sống của dân được đầy đủ, hùng hậu. Và kiến trúc vị dân sinh cũng là những gì thực dụng nhất nhằm giúp người dân có thể cải thiện cuộc sống của họ. Nói cách khác kiến trúc vị dân sinh đáp ứng các hoạt động sống thiết thực của người dân mà nhiều khi cũng chính là những nhu cầu sinh tồn thiết yếu nhưng không được quan tâm ghi nhận một cách “chính thống” hay “chính danh”.
Từ câu chuyện của kiến trúc vị nhân/dân sinh, chúng ta phát triển thành câu chuyện của đô thị, bởi suy cho cùng, đô thị là tổng hòa của những kiến trúc. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, trong một cách tiếp cận từ dưới lên, nghĩa là từ những không gian đời thường nhất, thực tế nhất của các thành phố, chúng ta có thể cảm nhận sự tiến triển tư duy của đời sống xã hội đô thị hình như vẫn chậm hơn một nhịp so với những thành tựu kinh tế. Quan điểm “làm” đô thị để hỗ trợ sinh kế người dân từ thời đất nước còn khó khăn vẫn tồn tại, mặc dù thu nhập bình quân đầu người dân đô thị giờ đây đã được cải thiện đáng kể.
Những không gian công cộng như lề đường, vỉa hè thay vì là nơi để thúc đẩy người đi bộ, đi xe đạp thì lại là nơi buôn bán, trông giữ xe, cơi nới hàng quán... Để rồi mỗi khi có chiến dịch “giành lại” không gian để đường thông hè thoáng thì chính những người dân lại phản ứng quyết liệt và cho rằng vỉa hè là nơi đem lại nguồn kinh tế chính cho nhiều gia đình, nhiều mảnh đời. Hay một câu chuyện khác, người dân mở các quán cà phê dọc theo đường tàu để rồi trở thành một trào lưu thu hút khách đến chụp ảnh, vui chơi ngay trong giới hạn hành lang an toàn đường sắt, bất chấp an toàn tính mạng của mình. Và đến khi chính quyền có các biện pháp ngăn chặn nhằm tránh những tai nạn có thể xảy ra thì người dân lại có đơn xin được phép tồn tại để đảm bảo nguồn sinh kế.
Vậy là khi sinh kế được mang ra và trở thành cái cớ thì những nỗ lực để có thể xây dựng những đô thị văn minh (hơn) phần nào đã trở nên vô nghĩa. Rõ ràng là trong các ví dụ trên, chúng ta đã có một đô thị “vị dân sinh”, nhưng chính yếu tố “vị dân sinh” đó lại làm cho đô thị vẫn nhếch nhác, vẫn mất an toàn, là những điều trái với nguyên tắc “vị nhân sinh” vì sinh kế của người này lại gây phiền toái, bất an cho những người khác.
Trong chiều ngược lại, khi nhìn từ trên xuống, từ những chiến lược, chính sách vĩ mô, có lẽ là hệ thống đô thị Việt Nam vẫn chưa thực sự có những triết lý, những nhân sinh quan về phát triển và tăng trưởng. Hầu hết không gian các đô thị vẫn phát triển một cách “tự nhiên”, theo bản năng, thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu trước mắt thay vì tính toán cho một tương lai lâu dài. Với đường biên đô thị được mở rộng không ngừng nghỉ, các thành phố “béo phì” trở thành hình ảnh khuếch trương cho sự phát triển.
Sự gia tăng quy mô lẫn sự tích lũy cư dân đôi lúc lại không đi kèm với sự nâng cao các giá trị an sinh xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng vẫn có một điểm sáng hiếm hoi là Đà Nẵng khi lấy phương châm và quyết tâm trở thành một thành phố đáng sống để làm kim chỉ nam cho các cách thức phát triển không gian và triển khai các hoạt động đô thị.
Từ năm 2000, Đà Nẵng đã ban hành chương trình “Thành phố 5 không” - không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có tệ nạn ma tuý, không giết người cướp của. Năm 2005, Đà Nẵng lại tiếp tục với “Thành phố 3 có” - có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hoas văn minh đô thị. Và gần đây nhất, đề án thực hiện Chương trình “Thành phố 4 an” - an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội - đã được thông qua năm 2016. Rõ ràng là với chuỗi hành động “5 không - 3 có - 4 an”, thành phố này ít ra đã cho thấy tính “vị nhân sinh” khi lấy sự hạnh phúc và an cư của người dân làm trọng tâm với mong muốn mang đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của mỗi người dân bởi “thành phố này có khát vọng chứ không phải tham vọng”.
Như vậy, vị nhân sinh và vị dân sinh là hai yếu tố tồn tại song song và cần phải được đảm bảo đồng thời trong sự phát triển các đô thị. Vị nhân sinh ảnh hưởng đến những định hướng mang tính vĩ mô, dẫn đường cho sự vận động và vận hành tổng thể để hướng đến những giá trị nhân văn đô thị, nền tảng cho những kế hoạch phát triển dài hạn của thành phố. Vị dân sinh lại cho thấy những mối quan tâm vi mô của đô thị đến cuộc sống của mỗi cư dân, mỗi phận đời nhằm giúp họ vượt qua những khó khăn vật chất và mưu sinh cuộc sống trước mắt để vươn lên những thang bậc giá trị cao hơn. Và chúng ta cũng có thể thấy khi đô thị trở nên vị nhân sinh (hơn) thì các yếu tố dân sinh sẽ được đảm bảo (hơn), và ngược lại, khi đô thị trở nên vị dân sinh (hơn) thì dần dần tính nhân văn đô thị càng rõ nét (hơn).