Thật hiếm có những ca khúc với mục đích tuyên truyền như “Ghen Cô Vy” lại nhận được sự quan tâm lớn của người dân đến như vậy. Trên khắp diễn đàn mạng, họ nhắc đến “Ghen Cô Vy” (Khắc Hưng – Erik – Min) và “Vũ điệu rửa tay” (biên đạo Quang Đăng thực hiện) như một thông điệp nâng cao ý thức người dân trước mùa dịch Covid-19. Trọng tâm là 6 bước rửa tay theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Ca khúc phát hành hôm 23-2 không chỉ “nổi sóng” tại Việt Nam, ngay khi sản phẩm âm nhạc được phát hành cùng với sự kết hợp của vũ điệu rửa tay đã được các kênh truyền hình quốc tế Mỹ, Anh, Pháp đăng tải.
Nhiều lời ngợi khen về sản phẩm âm nhạc của Việt Nam tạo sức lan tỏa lớn cho cộng đồng. Trong đó, Tạp chí Billboard nhận định “Ghen Cô Vy” hấp dẫn, còn John Oliver - người từng nhận được 16 giải Emmy cũng đánh giá sản phẩm tuyệt vời. Ca khúc xuất hiện trên chương trình nổi tiếng “Last Week Tonight” của HBO (Mỹ) và được Fangage của tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF đánh giá là sản phẩm âm nhạc hay, sáng tạo, ấn tượng. Ca khúc được hàng loạt tờ báo gọi là “hiện tượng”, nhiều lời đề nghị chuyển ngữ sản phẩm âm nhạc để phổ biến trên thế giới. Thậm chí, ngày 11-3, ban nhạc The Good Morning Nags (Mỹ) chuyển bản hit “Ghen Cô Vy” sang tiếng Anh, đặt tên Washing Hand Song (tạm dịch: Ca khúc rửa tay). Phần lời được dịch từ bài gốc thay đổi vài đoạn để phù hợp tình hình hiện tại ở Mỹ. Nhóm phối lại ca khúc theo phong cách Americana và Folk - nhạc dân gian Mỹ.
“Ghen Cô Vy” là sản phẩm nối tiếp thành công của bộ ba Khắc Hưng – Erik – Min. Ảnh FBNV
Với sức lan tỏa rộng rãi, hiện ê-kíp đã chuyển ngữ bản tiếng Anh để phổ biến cùng với việc thông qua phụ đề 25 ngôn ngữ khác như: Ả Rập, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Nga, Italy, Nhật, Iran... Bên cạnh đó, ê-kíp hợp tác với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) thực hiện phụ đề 6 tiếng dân tộc: Mông, Tày, Thái, Dao, Cao Lan, Sán Chỉ nhằm tuyên truyền đến cộng đồng người dân tộc thiểu số nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.
“Ghen Cô Vy” là dự án của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường hợp tác với ca sĩ Min và Erik nhằm tuyên truyền về Covid-19 tại Việt Nam. Khi phát hành, dự án đã vượt ra khỏi một dự án âm nhạc cộng đồng trong nước, phủ sóng mạnh mẽ trên thế giới. Chia sẻ về quá trình hoàn thành dự án, nhạc sĩ Khắc Hưng cho hay, đầu tiên, đơn vị đặt hàng anh một sáng tác mới, nhưng do tình hình dịch bệnh bùng phát nên Khắc Hưng đề xuất viết lại ca khúc từ sản phẩm âm nhạc cũ. Khắc Hưng chọn ca khúc “Ghen” từng là bản hit năm 2017. Việc sáng tác bài hát mới từ sản phẩm âm nhạc phái sinh anh chỉ mất khoảng 10 ngày, trong đó là cả thời gian gửi tác phẩm và chờ bên đối tác thẩm định dự án. Cùng với “vũ điệu rửa tay” của biên đạo múa Quang Đăng, ca khúc đã tiệm cận với công chúng. Rất nhiều nghệ sĩ, người dân và các những người đứng đầu “trận tuyến” là các y, bác sĩ cũng theo trào lưu “vũ điệu rửa tay”, truyền lửa tinh thần lạc quan, bình tĩnh trước dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Điểm lại thành công của “Ghen Cô Vy”, có thể thấy ca khúc có giai điệu bắt tay, phần lời hài hước, nói về nguồn gốc virus, đồng thời khuyên mọi người cách phòng tránh bệnh. Vũ khí thành công của ca khúc còn nằm ở bộ phim hoạt hình với phụ đề nội dung ngắn gọn, hình ảnh đáng yêu và “vũ điệu rửa tay” trọng tâm là 6 bước rửa tay đúng cách được được khuyến nghị của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó là chiến lược truyền thông bài bản. Từ sản phẩm được đặt hàng của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, ca khúc phái sinh trở thành “hiện tượng”. Không thể phủ nhận ca khúc có nhiều đoạn vừa dễ nhớ, thiết thực, vừa giàu hình ảnh: “Chắc chắn ta nên quyết tâm tự giác/ Để dịch bệnh không bùng cháy lên/ Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều/ Đừng cho tay lên mắt mũi miệng/ Và hạn chế đi ra nơi đông người/ Đẩy lùi virus Corona Corona”.
Cùng với “vũ điệu rửa tay” sáng tạo của nam vũ công Quang Đăng, sản phẩm âm nhạc còn khẳng định sự phát triển mạnh mẽ nền âm nhạc Việt Nam. “Đó là cơ hội được quảng bá nhạc Việt tới các nước khác trên thế giới. Nếu “Ghen Cô Vy” có thể khiến mọi người chú ý và biết rằng có một âm nhạc mang tên Vpop đang hiện hữu thì Min cũng sẽ tận dụng hết sức cơ hội này để vừa tuyên truyền những thông điệp có ích, vừa quảng bá tới âm nhạc Việt đa dạng và màu sắc”, ca sĩ Min cho hay.
Trước làn sóng lan tỏa của ca khúc “Ghen Cô Vy”, rất nhiều các sáng tác âm nhạc sáng tạo hay với các “sản phẩm nghiệp dư” với hơi hướng cổ vũ, tuyên truyền ra đời. Trong đó, kể đến ca khúc “Đánh giặc corona” do Lê Thống Nhất sáng tác, Hải Lê và Thế Anh thể hiện. Bản nhạc chế “Để dịch nói cho mà nghe” của cô gái Thùy Dung, chế từ bản hit “Để Mị nói cho mà nghe” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Mới đây, ca sĩ Thái Thùy Linh đã cover ca khúc “Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu thành ca khúc “Ông bà anh thời Covid-19”. Điểm son của ca khúc “Ông bà anh thời Covid-19” là sự hài hước với ca từ giàu hình ảnh: “Và thời ấy kinh khủng lắm con ơi. Chạm tay nhau một giây thôi là… rửa tay đã đời. Ông bà anh chẳng nói gì với nhau. Trong thang máy, hay những chỗ đông người đứng lâu. Và có nhiều lúc bà anh giận dỗi khi. Ông từ xa đi về lại… tự cách ly”. Bản cover hợp thời đã khiến tác giả ca khúc Lê Thiện Hiếu trầm trồ về sự hợp lý của ca từ, giai điệu.
Có thể thấy, hạn chế của các dự án âm nhạc cộng đồng là những thông tin cần tuyên truyền vốn rất dễ bị bỏ sót. Bằng các sản phẩm âm nhạc sáng tạo, ca từ gần gũi đã truyền tải thông điệp thời sự, truyền lửa tinh thần lạc quan đến đội ngũ “đầu chiến tuyến” là các y, bác sĩ và người dân nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh.