Phần lớn thực khách thường lui tới những hàng cà phê, quán ăn mang phong cách hoài cổ là người trẻ.
Tìm về ký ức
Trang trí hàng quán theo phong cách Hà Nội xưa là điều không lạ, nhưng nhân rộng mô hình ấy thành chuỗi và lưu giữ bằng được nét cổ xưa của phố phường thì phải kể đến chuỗi cà phê Cộng. Ở tất cả các cửa hàng của Cộng, nội thất đều được bài trí theo một cách rất riêng, mang đậm dấu ấn của Hà Nội thời kỳ bao cấp - từ rèm cửa sổ, đệm ngồi được may bằng “vỏ chăn con công” cho tới những chiếc ca sắt đựng cà phê, bộ bàn ghế “dựng” theo phong cách thịnh hành ở Hà Nội vào những năm chín mươi của thế kỷ trước hay một vài chiếc bàn được thiết kế lại từ những chiếc máy khâu Trung Quốc, Liên Xô (cũ)... Thực đơn, ngoài cà phê còn có những món “nhâm nhi” đậm chất “xưa” như lạc rang, bánh đậu xanh, kẹo lạc... Mỗi thứ một chút, đặt để ở góc này góc kia, để khách hàng đến đây nhiều khi ồ lên thích thú với kỷ niệm thuở ấu thơ nay hiện về gần như nguyên vẹn...
Sau sự khởi đầu mới mẻ của chuỗi cà phê Cộng, hàng loạt quán cà phê mang phong cách hoài niệm về Hà Nội xưa lần lượt ra đời. Không mở rộng theo chuỗi như cà phê Cộng, nhưng không gian Hà Nội trong Lối nhỏ Kafe (Giảng Võ, Đống Đa) lại đậm đặc hơn khi tái hiện rõ hình ảnh một căn hộ tập thể “đúng chuẩn thời bao cấp” với những món đồ đặc trưng như: Tem lương thực, bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ, chiếc gối làm bằng “vỏ chăn con công”, tivi đen trắng, điện thoại bàn quay số hay chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất... Tương tự, ở quán Xoan (đường Trường Chinh, Đống Đa), Căng tin 109 (Xã Đàn, Đống Đa)..., từ cách bài trí nội thất cho đến thực đơn đều khiến thực khách cảm nhận “mùi hương” Hà Nội cũ không phai nhạt đi chút nào.
Bên cạnh các quán cà phê mang phong cách hoài cổ, Hà Nội còn xuất hiện nhiều quán ăn theo phong cách này, thu hút rất đông khách hàng hiếu kỳ. Cách đây vài năm, cái tên Hợp tác xã ăn uống (An Dương, Tây Hồ) hay Cửa hàng ăn uống Mậu Dịch (Xuân Diệu, Tây Hồ) gây nhiều ấn tượng với thực khách bởi không gian ở đây đậm đà sắc thái thời bao cấp. Những đồ vật đặc trưng cho một thời quá khứ “oai hùng” như chiếc bóng đèn cổ, chiếc xe máy Simson lừng lẫy một thời, chiếc xe đạp Phượng Hoàng đẳng cấp, những khẩu hiệu “Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua”..., hay những món ăn quen thuộc một thời như cơm cháy, bánh đúc chấm tương, dưa xào tóp mỡ được bày biện trên những chiếc đĩa kiểu cũ... Tất cả nhắc nhớ về một giai đoạn đáng nhớ của người Hà Nội. Hoạt động được vài năm rồi dừng, hai địa chỉ này để lại nhiều tiếc nuối với những thực khách yêu Hà Nội.
Hiện tại, tại Hà Nội vẫn có vài quán ăn theo mô hình này, tiêu biểu là Cửa hàng ăn uống Mậu dịch số 37 (Nam Tràng, Ba Đình). Ngay từ tên gọi, quán ăn gợi ký ức về một cửa hàng mậu dịch thời xưa. Trong quán nêm chặt vật dụng “thời quá khứ”: Chiếc tivi đen trắng, cuốn sổ gạo đầy “ám ảnh” cùng tem phiếu và các mặt hàng được trang trọng đặt trong hộp kính... Xung quanh quán có nhiều khẩu hiệu xưa như “Ưu tiên thương binh”, “Ở đây tai vách mạch rừng, những điều bí mật xin đừng nói ra”... Hơn thế, Mậu dịch số 37 phục vụ khách những món ăn có tên gọi gợi nhớ về một thời gian khó, như cơm độn khoai sắn, phở “không người lái”, tóp mỡ xào dưa, rượu nút lá chuối...
Ông Phạm Quang Minh, chủ Cửa hàng ăn uống Mậu dịch số 37 cho biết, để xây dựng cửa hàng này, ông đã mất hàng năm trời để sưu tầm những đồ vật của thời bao cấp. Mong muốn chẳng có gì nhiều, ông chỉ mong sao cửa hàng trở thành nơi cho những người cùng thời như ông tìm đến ôn lại kỷ niệm, để các bạn trẻ có thể hiểu được một phần lịch sử Thủ đô, hiểu được cuộc sống vất vả của cha mẹ mình để từ đó thêm trân trọng cuộc sống hiện tại...
Bởi vì yêu Hà Nội
Điều gây ngạc nhiên là phần lớn thực khách thường lui tới những hàng cà phê, quán ăn mang phong cách hoài cổ là người trẻ. Nguyễn Hồng Anh, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, chia sẻ: “Hà Nội của những ngày xưa thường trở đi trở lại trong câu chuyện của bố mẹ, ông bà em, từ chuyện đặt gạch xếp hàng đến chuyện tem phiếu, chuyện mất sổ gạo... Em tìm đến những quán mang phong cách hoài niệm này để có thể chạm tay vào những đồ vật của “ngày xưa” và hình dung đầy đủ hơn về những năm tháng mà ông bà, cha mẹ mình đã sống”.
Lý giải cho trào lưu “hàng quán tìm về ký ức”, Thạc sĩ Mai Hữu Tuyên, chuyên gia, giảng viên về hệ thống quản lý doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần 3TPLUS Việt Nam cho rằng: Thời bao cấp không quá xa, đủ để ký ức về thời kỳ này chưa phai mờ. Thường tìm đến những không gian xưa cũ này là người thuộc thế hệ từng trải qua thời kỳ bao cấp và muốn quay trở về tìm lại ký ức; thứ hai là giới trẻ, những người luôn có xu hướng tìm hiểu những điều mới lạ, khác biệt. Với mô hình “kinh doanh ký ức” này, ông Mai Hữu Tuyên cho rằng, để thu hút thực khách, không gian hoài cổ chỉ chiếm 30%, quan trọng vẫn là cái tâm, sự yêu mến thực sự với không gian Hà Nội cổ của người kinh doanh, những người muốn níu giữ bằng được giá trị xưa cũ trong kiến trúc, nội thất, giá trị ẩm thực...
Những quán hàng “kinh doanh kỷ niệm” và sự ủng hộ của khách hàng cho thấy dáng hình Hà Nội của những ngày xưa không bị lãng quên trong thời hiện đại mà ngược lại, đang sống dậy mạnh mẽ, là một phần hành trang tiếp sức cho lớp trẻ Hà Nội tiếp bước người xưa, vượt qua khó khăn để khẳng định mình, góp sức xây dựng Thủ đô phát triển.