Nhịp sống ở đây cũng vội vã với những con người mưu sinh, nhưng không bao giờ tồn tại một giọt rượu bia, một điếu thuốc lá hay mâu thuẫn to tiếng với nhau.
Mảnh đất Sài Gòn từ lâu đã là nơi người dân tứ phương từ khắp đất nước đổ về đây làm ăn sinh sống. Họ đến, mang theo cả những phong tục tập quán, những nét sinh hoạt văn hóa riêng của cộng đồng mình, tạo nên những góc phố, những con hẻm đặc biệt đến kì lạ.
Nằm giữa quận 8, trên con đường Cao Bá Quát có một con hẻm nhỏ cực kì đặc biệt. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng hơn 1000 người Chăm, lọt thỏm giữa hàng trăm gia đình người Việt. Họ là những cộng đồng người Chăm từ miền Trung di cư đến sống ở đây đã hàng chục năm. Bước vào đây như lạc vào một thế giới khác hoàn toàn với nhịp sống hối hả, ồn ã và xô bồ ở Sài Gòn.
Con hẻm nhỏ nằm giữa quận 8 hối hả
Đây là nơi sinh sống của cộng đồng hơn 1000 người Chăm
Vì vậy cộng đồng người Chăm vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt văn hóa của mình
Không khó để nhận ra những người Chăm nơi đây, với chiếc khăn trùm đầu của những người phụ nữ, chiếc nón vải chụp đầu của các thanh niên và tiếng Chăm rôm rả khắp cả khu phố. Mặc dù kín đáo bên ngoài và gương mặt có phần khắc khổ với nước da ngăm, nhưng cộng đồng dân cư ở đây lại rất thân thiện và dễ gần, đặc biệt là họ luôn sẵn sàng chia sẻ mọi điều về cuộc sống của người Chăm, khi có ai đó tò mò muốn tìm hiểu.
Sống xung quanh cộng đồng Chăm là hàng trăm gia đình người Việt, hằng ngày cũng qua lại với nhau, người lớn làm chung chỗ, trẻ em học chung trường,… Sống gần, sống chung với người Việt là thế, nhưng cộng đồng người Chăm vẫn giữ được những nét khác biệt riêng, đặc biệt, họ còn nổi tiếng với một quy tắc “ba không” chẳng ở đâu có: "Không rượu chè thuốc lá, không cờ bạc, không gây gổ đánh nhau".
Con hẻm này còn nổi tiếng với quy tắc “ba không”: không rượu chè thuốc lá, không cờ bạc, không gây gổ đánh nhau
Chính vì thế mà nơi đây dường như luôn yên bình, khác hẳn với sự ồn ào náo nhiệt của thế giới bên ngoài
Từ già đến trẻ đều vẫn mặc trang phục truyền thống của người Chăm
Gặp anh Su, một thanh niên Chăm nhưng nói tiếng Việt rất rành và rõ, anh cho biết bà con đồng bào Chăm ở đây đều theo Hồi giáo (Islam giáo). Anh rất tự hào với truyền thống “miễn nhiễm” tất cả loại rượu bia trong con hẻm này. “Ngay từ nhỏ, trẻ em Chăm đã được gia đình dạy bảo cực kì nghiêm khắc là không được đụng đến rượu cho đến lúc chết. Ngay cả những thứ gây nghiện như thuốc lá, cờ bạc cũng bị cấm” - anh Su chia sẻ.
Ngay từ nhỏ trẻ em ở đây đã được dạy là không được động đến rượu
Nét văn hóa Chăm được giữ gìn và phát huy trong con hẻm nhỏ
Theo lời của các thanh niên người Chăm, họ rất sợ khi uống rượu vào dễ khiến mất bình tĩnh dẫn đến đánh nhau, rồi gây thù, dễ có ý nghĩ giết người. Vì người Chăm cực kì tôn thờ và sợ Ala, tức Thuợng đế của họ, nên những luật do Ala đặt ra đều phải tuân giữ, không ai được phá luật dù vô tình hay cố ý. Niềm tin tín ngưỡng là lý do lớn nhất đưa họ tránh xa rượu chè, cờ bạc. Do đó cộng đồng Chăm rất tin tưởng vào luật lệ, ai cũng cảm thấy cuộc sống bớt đi một gánh nặng khi không đụng đến rượu bia.
Vì đã sống một thời gian khá dài bên người Việt nên cộng đồng người Chăm cho biết họ cũng đã bị “Việt hóa” nhiều, văn hóa Chăm cũng dần phai nhạt, nhưng những luật lệ chính yếu vẫn được giữ vì nó đã trở thành một thói quen.
Thay vì ngồi quán xá nhậu nhẹt, thì họ vẫn thích về nhà để có nhiều thời gian hơn bên gia đình, và còn tiết kiệm được một khoản tiền để dành làm từ thiện hơn là “đốt” vào những thứ hại sức khoẻ kia.
Một buổi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Chăm
Tất nhiên lối sống riêng cũng khiến người Chăm gặp một vài rắc rối. Tuy nhiên họ cũng rất biết “giữ kẽ” khi sống theo tinh thần “tôn trọng, ôn hòa, thân thiện” với người Việt. Đó cũng là một trong những lý do khiến họ luôn cố gắng không đụng đến rượu bia, nhậu nhẹt để tránh xảy ra mâu thuẫn không đáng với người Việt.
Nhờ không làm bạn với những thứ tệ nạn xã hội nên cuộc sống ở đây với họ rất thoải mái, không có sự phân biệt người Việt với người Chăm, mọi người vẫn hiểu và chia sẻ cuộc sống của nhau. “Thậm chí có những gia đình người Việt, các bà vợ suốt ngày khuyên chồng mình bỏ nhậu để được … đẹp trai và khoẻ như người Chăm” - anh Su hài hước kể.
Khuất sau tiếng còi xe inh ỏi của đường phố Sài Gòn là tiếng mấy bà, mấy chị cười đùa kể chuyện rôm rả với nhau bằng cái giọng lơ lớ. Có lẽ đó là thứ âm thanh náo nhiệt nhưng lại vô cùng yên bình ở xóm "ba không" này.