Theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non 2020 ngày 7/5, Bộ Giáo dục và Đào áp dụng cộng điểm cho thí sinh thuộc đối tượng và khu vực ưu tiên.
Bảy đối tượng ưu tiên được chia thành hai nhóm, tương ứng với hai mức điểm cộng 2 và 1. Thí sinh được cộng 2 điểm nếu thuộc một trong các nhóm sau: là người dân tộc thiểu số; đã làm việc liên tục 5 năm trở lên, trong đó ít nhất 2 năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; thương binh, bệnh binh, sĩ quan, quân nhân; con liệt sĩ, thương binh hoặc bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên...
Thí sinh được cộng 1 điểm nếu là thanh niên xung phong; quân nhân; các cấp chỉ huy tại xã, phường, thị trấn; con của người có công với cách mạng hoặc thương binh, bệnh binh suy giảm dưới 81% khả năng lao động; người khuyết tật hoặc lao động ưu tú tại tất cả thành phần kinh tế... Nếu thuộc nhiều diện, các em chỉ được hưởng ưu tiên cao nhất.
Với chính sách ưu tiên khu vực, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại đâu thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu chuyển trường, các em học ở đâu lâu hơn thì điểm ưu tiên tính tại địa phương đó. Trường hợp mỗi năm học một trường hoặc thời gian học giữa hai nơi bằng nhau, điểm ưu tiên căn cứ vào nơi thí sinh tốt nghiệp THPT.
Khu vực I gồm các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi, ven biển, hải đảo hoặc biên giới. Điểm cộng của thí sinh tại đây là 0,75. Nếu ở các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương, thí sinh thuộc khu vực II, được cộng 0,5 điểm. Các em sống tại quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương được xếp vào khu vực III, không thuộc diện ưu tiên nên không được cộng điểm.
Như vậy, một thí sinh có thể được cộng tối đa 2,75 điểm. Đây là mức điểm được quy định tương ứng với tổng điểm ba bài hoặc môn thi, xét theo thang 10 và không nhân hệ số. Nếu tuyển sinh theo thang điểm hoặc phương thức khác, các đại học tự xác định mức điểm ưu tiên với tỷ lệ phù hợp.
Năm nay lần đầu tiên trong lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT bị lùi một tháng rưỡi và chia làm hai đợt do ảnh hưởng của Covid-19. Hơn 880.000 thí sinh thi đợt một ngày 9-10/8. 26.000 thí sinh ở Đà Nẵng, một số nơi ở Quảng Nam, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) và thí sinh F0, F1, F2 dự thi đợt hai ngày 3-4/9.
Trong ngày thi đầu tiên, thí sinh làm bài thi Ngữ văn trong 120 phút, Toán 90 phút. Ngày hôm sau, các em thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) trong buổi sáng và môn Ngoại ngữ buổi chiều. Kết quả bài thi dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời là căn cứ tuyển sinh đại học.
Sau khi nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT ngày 27/8, thí sinh nhận giấy báo tốt nghiệp tạm thời chậm nhất 4/9. Các em điều chỉnh nguyện vọng từ 19/9 đến 17h ngày 25/9 theo phương thức trực tuyến và đến 17h ngày 27/9 bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Trường đại học sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt một trước 17h ngày 5/10.
Các mốc thời gian xét tuyển đại học này được lùi 5-10 ngày so với đề án hồi tháng 5 để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh ở Đà Nẵng, một vài huyện ở Quảng Nam, Đăk Lăk, thí sinh diện F1, F2 phải thi tốt nghiệp THPT đợt hai.