Người truyền lửa đam mê
Đến phố Tô Hiệu vào một buổi chiều đầu đông, tôi không khó khăn khi tìm nhà của nghệ sĩ Lê Thái Sơn với tấm biển đề “Trung tâm Âm nhạc truyền thống Việt Nam” trước cửa. Hơn nữa, nhắc tên thầy Sơn cả khu đều biết.
Căn phòng khách rộng chừng 20 mét vuông đầy ắp các loại sáo, tiêu... Dưới sự dìu dắt nhiệt tình của ông, các học trò cứ ngày một tiến bộ và tình yêu nhạc cụ dân tộc cứ lớn dần theo năm tháng.
Một trong những học trò đang được thầy Sơn đặt nhiều kỳ vọng là em Nguyễn Thị Phương Thảo (học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Hà Đông). Mới chỉ học được 2 tháng em đã chơi được gần 30 bản nhạc, trong đó có những bản nhạc rất khó. Phụ huynh em Thảo vui mừng cho biết: “Có được kết quả này ngoài năng khiếu của con, còn có công sức rất lớn của thầy Sơn. Cháu tuổi còn nhỏ, vì thế thầy phải vừa dạy vừa “dỗ”, uốn nắn tỉ mỉ bằng cả sự tận tâm và tình yêu thương học trò. Cháu cảm nhận được nên đã học hành rất siêng năng”.
Bên cạnh việc truyền dạy cho những người coi âm nhạc là niềm vui, ông rất chú trọng đến việc tạo nguồn học sinh cho các trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Trong suốt mấy chục năm qua, nhiều lứa học trò từ lớp học này đã trưởng thành, trong đó có những giảng viên, nghệ sĩ tên tuổi như nghệ sĩ Bùi Công Thơm (giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), Nguyễn Xuân Chung (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), Nguyễn Thị Trang (giảng viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội)…
Nghệ sĩ Lê Thái Sơn tận tụy chỉ dạy cho học trò. Ảnh do nhân vật cung cấp
Nói về người thầy đặc biệt này, nghệ sĩ Bùi Công Thơm (từng đoạt giải Nhì bộ môn sáo trúc tại cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2008) chia sẻ: “Từ tận đáy lòng mình tôi phải cảm ơn thầy Sơn, người thầy dạy sáo trúc đầu tiên của mình, người đã truyền cho tôi tình yêu và sự đam mê với sáo, để rồi khi theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tôi đã hoàn toàn tự tin với kiến thức cơ bản của mình. Cách đây hơn 20 năm, khi phát hiện tôi có năng khiếu thổi sáo trúc, chính thầy đã đến tận nhà tôi để thuyết phục bố mẹ cho tôi theo học sáo ở lớp của thầy mà lại là học miễn phí. Bố mẹ tôi cho rằng học nhạc cụ dân tộc không có tương lai, nên nhất quyết không cho tôi theo học, thầy phải thuyết phục mãi. Có lẽ nếu không có sự tâm huyết, đau đáu với nghề thì không thể làm được điều đó”.
Giữ mạch nguồn dân tộc
Nghệ sĩ Lê Thái Sơn được đào tạo bộ môn sáo trúc ở Trường Lý luận và Nghiệp vụ văn hóa (nay là Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) những năm 1969-1970.
Lớp học nhạc cụ dân tộc tại nhà thầy Lê Thái Sơn. Ảnh do nhân vật cung cấp
Sau khi ra trường, ông được phân công làm công tác văn hóa ở nhiều nơi, đi đến đâu ông cũng mở lớp dạy sáo, trong đó thời gian ở huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) để lại trong ông nhiều kỷ niệm với những lần cùng đồng nghiệp băng rừng, vượt suối để mang tiếng sáo, tiếng đàn đến các bản làng xa xôi. Năm 1997 khi là cán bộ của Trung tâm Văn hóa Hà Tây, với mong muốn được gìn giữ tiếng sáo dân tộc, ông đã mở lớp dạy sáo miễn phí tại nhà với quan niệm: “Nhiều người có sở thích với sáo nhưng lại không có điều kiện học kiến thức cơ bản. Do đó, tôi đã mở lớp học này để ai cũng có thể tới học, miễn là có niềm đam mê với sáo, đặc biệt với những cháu nhỏ sẽ là thế hệ tương lai lưu giữ lại tiếng sáo dân tộc”.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đến xin học và đều được ông hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo. Đối tượng học cũng rất đa dạng, từ các em học sinh, công chức đi làm cho đến những người đã nghỉ hưu. Thời gian trôi đi, tính đến nay đã có hàng trăm học viên được đào tạo từ lớp học này.
Ông quan niệm: “Tôi muốn đem hết khả năng hiểu biết của mình về cây sáo, truyền đạt tận tâm tới mọi người yêu thích, ngoài việc gìn giữ tinh hoa của cha ông còn là để cùng nhau có một cuộc đời vui tươi, hạnh phúc”.