Trước tiên, bạn cần phân biệt giữa Idioms và Cliches để hiểu vì sao chúng thường bị nói sai. Idioms, thường được gọi là thành ngữ, là những cụm từ hoặc câu hoàn hình có ý nghĩa hoàn chỉnh, cụ thể. Nếu tách lẻ các từ trong một idiom, chúng có thể mang nghĩa không liên quan gì đến nhau và đến câu hoàn chỉnh. Chẳng hạn, câu "It’s raining cats and dogs" không liên quan gì đến chó hay mèo dù xuất hiện từ "dog" và "cat". Thay vào đó, câu này để chỉ trời mưa rất to.
Cliches (có thể gọi là sáo ngữ) là những câu chỉ dùng trong văn nói, được tạo thành từ cách ghép các từ và gần như "bất chấp" quy tắc ngữ pháp. Nhiều cliches được sử dụng thường xuyên đến mức bị lạm dụng. Chẳng hạn "happily ever after" (hạnh phúc mãi mãi), "time will tell" (thời gian sẽ trả lời).
Theo thời gian, cả idioms và clinches được truyền miệng và biến đổi một số từ ngữ khiến cụm từ bị sai nghĩa hoặc cách dùng. Bạn cần nhớ, ngay cả khi mọi người (kể cả người bản ngữ) đều nói một cụm từ theo cùng một cách, điều đó không có nghĩa cụm từ đó được viết, dùng đúng cách.
Dưới đây là 12 cụm từ thường bị dùng sai.
Ảnh minh họa nguồn internet
1. "I could care less" (Cần thay bằng "I couldn’t care less")
Khi bạn nói "I couldn’t care less" (Tôi không thể quan tâm ít hơn nữa), câu này cho thấy bạn thực sự không quan tâm đến một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, nếu diễn đạt "I could care less" (Tôi có thể ít quan tâm hơn), nhiều người sẽ nhầm lẫn theo hướng ngược lại rằng bạn đang rất quan tâm nhưng muốn giảm mức độ.
Ví dụ, "Your ex is dating someone again" - "I couldn’t care less" (Người yêu cũ của bạn lại hẹn hò người mới rồi đấy - Tôi thực sự không quan tâm).
2. "For all intensive purposes" (Cần thay bằng "For all intents and purposes")
Vì cách phát âm từ "intensive" (chuyên sâu, nâng cao) khá giống với "intents" (ý nghĩa, mục đích), nhiều người bị nhầm lẫn khi sử dụng cụm từ "For all intents and purposes". Cụm từ này bắt nguồn từ "to all intents, constructions, and purposes", để diễn đạt nghĩa "thực tế là".
Ví dụ, "This coat is, for all intents and purposes, ruined" (Chiếc áo khoác này thực tế đã bị hỏng).
3. "Could of, would of, should of" (Cần thay bằng "Could have, should have")
Đây là trường hợp khác của việc nghe nhầm các cụm từ phát âm tương tự nhau. "Coule have, would have, should have" là những động từ khuyết thiếu thường được viết tắt là "could’ve, would’ve, should’ve". Cách viết này khiến người nghe bị nhầm sang "Could of, would of, should of". Tuy nhiên, việc này chỉ sử dụng trong văn nói, cách diễn đạt chính xác trong văn viết là viết đầy đủ từ "have".
Ví dụ, "You should have done the homework last night" (Tối qua lẽ ra cậu nên hoàn thành bài tập về nhà).
4. "By purpose, on accident" (Cần thay bằng "On purpose, by accident")
Mặc dù không có văn bản chính thức nào công bố một trong hai cách dùng này, cụm "On purpose (cố ý), by accident (tình cờ)" vẫn được chấp nhận rộng rãi hơn.
Ví dụ, nếu không quan tâm đến việc bị ướt mưa, bạn có thể nói "I left my umbrella at home on purpose" (Tôi cố ý để ô ở nhà). Khi muốn nhấn mạnh vào việc tình cờ, không chủ đích, bạn có thể nói "I tripped by accident" (Tôi vô tình vấp ngã).
5. "Nipped it in the butt" (Cần thay bằng "Nipped in the bud")
Với nghĩa đen là bóp chặt một cây non sẽ ngăn nó lớn lên và nở hoa, cụm từ này chỉ việc giải quyết vấn đề từ sớm trước khi mọi chuyện rắc rối và phức tạp hơn. Từ "bud" (chồi non) bị nghe nhầm thành "butt" (cái mông) khiến nghĩa của câu trở thành giải quyết vấn đề từ phía sau, gây bối rối và khó hiểu cho người nghe.
6. "You have another thing coming" (Cần thay bằng "You have another think coming")
Từ "thing" đã thay đổi hoàn toàn nghĩa của câu. "You have another think coming" mang nghĩa bạn nên suy nghĩ lại, còn "You have another thing coming" lại chỉ điều gì đó sắp đến.
Chẳng hạn, "If that’s what you think, then you have another think coming" (Nếu đó là những gì bạn nghĩ, bạn nên suy nghĩ lại).
7. "Slight of hand" (Cần thay bằng "Sleight of hand")
Khi muốn diễn đạt sự khéo léo, uyển chuyển và tốc độ nhanh chóng của đôi bàn tay nhà ảo thuật khi biểu diễn, chúng ta sử dụng cụm "Sleight of hand". Cụm từ này cũng chỉ sự thủ đoạn, lừa dối. Nhiều người nghe nhầm hoặc viết sai chính tả, chuyển từ "sleight" thành "slight" khiến cụm mang nghĩa "nhẹ tay".
8. "One in the same" (Cần thay bằng "One and the same")
Để nhấn mạnh việc hai thứ thực chất là một hoặc rất giống nhau, bạn có thể dùng cụm "One and the same". Ví dụ, "The authors Stephen King and Richard Bachman are one and the same" (Stephen King và Richard Bachman thực ra là một người). "One in the same" là cụm từ bị nhầm lẫn từ cụm từ gốc.
9. "Wet your appetite" (Cần thay bằng "Whet your appetite")
"Whet your appetite" nghĩa là lôi kéo hoặc khiến ai đó quan tâm đến điều gì đó. Chẳng hạn, khi một người đang muốn mua nhà, bạn có thể cho họ xem ảnh của ngôi nhà bạn đang bán. Trường hợp này có thể dùng "Whet your appetite".
Nhiều người nghe nhầm từ "whet" thành "wet" (ẩm ướt). Tuy nhiên, theo một cách nào đó, cụm từ bị đọc sai "Wet your appetite" cũng có nghĩa bởi khi thèm ăn (appetite), tuyến nước bọt sẽ làm ướt (wet) miệng của bạn.
10. "Plead the Fifth" (Cần thay bằng "Take the fifth")
Nếu đã xem các bộ phim thuộc thể loại tội phạm của Mỹ, bạn có thể đã nghe câu "I plead the fifth!". Cụm từ này xuất phát từ Tu chính án thứ năm của Hiến pháp Mỹ, thể hiện bạn có quyền không trả lời câu hỏi trước tòa nếu câu hỏi khiến bạn "trông như có tội". Tuy nhiên, cách dùng đúng của cụm từ này là "take the fifth".
11. "X and myself" (Cần thay bằng "X and me, X and I")
Một phần khó hiểu và gây bối rối ở tiếng Anh là khi nào dùng "X and me" và khi nào dùng "X and I". Để không phải lựa chọn, cách viết "X and myself" ra đời nhưng không chính xác.
Bất cứ khi nào phân vân giữa hai cách viết, bạn nên tách chúng ra làm hai câu. Chẳng hạn "Sam and... went to the park" (Sam và tôi cùng đi đến công viên), được tách thành "Sam went to the park. I also went to the park". Như vậy, từ cần điền là "I" để làm chủ ngữ.
Tương tự, "The photographer took a picture of Sam and..." (Nhiếp ảnh gia chụp Sam và tôi) được tách thành "The photographer took a picture of Sam. The photographer took a picture of me". Từ cần điền là "me" để làm tân ngữ.
12. "Waiting on" (Cần thay bằng "Waiting for")
Trong các idoims phổ biến, cụm từ "waiting for" rất hay xuất hiện, mang nghĩa chờ đợi một điều gì đó. Chẳng hạn, "Iam waiting for my friend" (Tôi đang đợi một người bạn). Nếu dùng "waiting on", câu trở thành tôi đang phục vụ một người bạn