TPHCM "mất trắng" 18 địa danh: Không phải cứ thích là phá, là đập

Đăng bởi Theo Đình Trường - Anh Tú/Laodong.vn

18/03/2020 06:56

Tại nhà riêng, TS Nguyễn Minh Hoà - người có thâm niên hơn 25 năm làm việc trong Hội đồng quy hoạch - kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đã cho PV Lao Động mục sở thị bản danh sách 18 địa danh lịch sử mất tích không còn dấu vết của thành phố này.

Trong một hội thảo được tổ chức cuối năm 2019, PV được biết, tiến sĩ đã gây "choáng váng" khi đưa ra bản danh sách 18 địa danh đã biến mất ở TPHCM. Ông có thể nói rõ hơn về bản danh sách này?

- Tôi có thể kể ra một vài trong số đó như: Thương xá Tax, cầu ba cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á ở kênh Hàng Bàng, Tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của thành phố trong Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Nhà đèn Chợ Quán hay Công viên Chi Lăng... Tất cả đã dần biến mất không còn lại một dấu vết nào, giống như chúng chưa hề có mặt ở thành phố này.

Kiến trúc sư danh tiếng của thế kỷ 20 là Le Corbusier có một câu nói đại ý rằng, diện mạo của một thành phố lâu đời giống như khuôn mặt người lớn tuổi. Mà đã là khuôn mặt người lớn tuổi thì không thể không có nếp nhăn, có vết nám, thậm chí là cả những vết sẹo.

Nhưng đó mới là khuôn mặt người. Nếu không có chúng, thì đó là khuôn mặt của manơcanh, bóng mịn, vô hồn. Những di sản văn hoá - lịch sử - kiến trúc cũng chính là những nếp nhăn của khuôn mặt thành phố vậy.

Thương xá Tax - công trình từng gắn bó hơn 130 năm thăng trầm với TPHCM nay đã không còn nữa.

Ai cũng biết việc cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp thì thế nào cũng động chạm đến phần cổ, phần cũ của cơ thể thành phố. Nhưng thực sự rất đau xót.

Để quy trách nhiệm cho vấn đề này có thể là khó khăn nhưng với tư cách một chuyên gia nghiên cứu, tiến sĩ có thể nói về một phần nguyên nhân của câu chuyện?

- So với Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác như Bangkok, Jakarta, Bắc Kinh thì TP.Hồ Chí Minh không có nhiều di sản và di tích hoành tráng. Đáng ra không nhiều thì phải chắt chiu. Nhưng điều đáng tiếc ở chỗ, không phải hậu quả chiến tranh hay xung đột, một loạt các di sản lịch sử - kiến trúc bị biến mất lại diễn ra vào thời kỳ đô thị hoá nhanh từ sau năm 1990.

Có một luồng tư tưởng rất lạ là nhiều người nghĩ rằng, đến TP.Hồ Chí Minh chỉ là để kiếm tiền, là để làm kinh tế. Điều đó vô hình chung dẫn đến ý thức về văn hoá, về giá trị của lịch sử phần nào giảm đi. Hoặc có những tư tưởng thậm chí còn phân biệt giữa công trình có nguồn gốc này, nguồn gốc nọ.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hoà - Uỷ viên Hội đồng quy hoạch - kiến trúc TPHCM trong cuộc trao đổi với PV Lao Động.

Một mảnh đất sinh ra với nhiều lịch sử khác nhau, dù giai đoạn đó như thế nào thì chúng vẫn là lịch sử. Tôi chỉ lấy ví dụ như trước đây, người Pháp từng xây dựng tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của thành phố vào năm 1867, nhưng thế hệ sau đã phá bỏ đi di sản gần 200 năm tuổi này. Họ phá xong rồi mới thông báo, với một câu gọn lỏn "cứ thế đập thôi" và xây lên một cái mới hoàn toàn.

Hay như ở trung tâm thành phố từng có quán cà phê Givral, gắn liền với hình ảnh nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, ông thường ngồi đó uống cafe mỗi sáng. Giờ quán đã đóng cửa nhưng trước đây ngay cả một tấm bảng đề cập đến giá trị của địa danh này cũng chẳng hề được dựng lên.

Nhưng có vẻ như cơ chế để công nhận hay bảo vệ những địa danh một cách xứng đáng trước khi chúng biến mất đã không được chú ý?

- Một lỗi rất lớn là chúng ta đã không kiểm kê toàn bộ di sản trong thành phố để lọc và phân loại, phân loại xong thì quyết định đâu là loại 2, loại 3, cái nào cấp quốc gia, cái nào cấp thành phổ để bảo vệ nó.

Nhưng ở đây có điểm bất cập là Luật Di sản của mình hiện nay chưa hoàn thiện. Ví dụ như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố đẹp kiệt tác nhưng lại không được công nhận di sản do vướng phải chuyện chủ sở hữu phải làm đơn, nên không ai người ta muốn làm.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hoà cho rằng cần có biện pháp để làm sống động những địa danh lịch sử.

Hơn nữa, để bảo vệ phải tạo được cơ chế, khi muốn động đến di sản phải được Chính phủ, hội đồng khoa học cho phép, trên cơ sở đồng thuận của người dân. Có phương án cụ thể, chứ không phải thích là phá, là đập.

Ở khía cạnh một người làm chuyên môn, tiến sĩ có thể đưa ra giải pháp nào cho câu chuyện bảo tồn di sản của TPHCM?

- Một trong số các cách thức mà một số nước đã làm là có “phụ lục” (bảng giới thiệu, hình ảnh) của di sản bị phá huỷ ở ngay tại công trình mới.

Mới đây, chúng ta đã có tiến bộ khi lập được danh sách hơn 30 di sản phải giữ của thành phố. Nhưng điều quan trọng là phải làm cho nó tồn tại trong sự sinh động của đời sống hiện nay.

Thành phố nào cũng phải phát triển, rộng lớn hơn, hiện đại hơn. Nhiều công trình xưa cũ có thể phải thay thế, nhưng cái vượt lên trên tất cả là thái độ với lịch sử. Một khi biết trân trọng, nâng niu thì sẽ tìm ra những giải pháp hợp lý nhất, ít tổn thất nhất không chỉ về cảnh quan, mà hơn hết là tình cảm của những người yêu thành phố này!

18 địa danh biến mất của TPHCM (theo TS Nguyễn Minh Hoà):

- Thung lũng xanh ở khu vực Trung tâm, theo trục Lê Duẩn.

- Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son và Ụ tàu

- Cầy cầu sắt trong Thảo Cầm viên

- Tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của thành phố ở khuôn viên sở Cảnh sát PCCC

- Cây cầu ba cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á ở kênh Hàng Bàng, quận 6

- Toà Đại sứ quán Mỹ

- Trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất

- Công Viên Chi Lăng

- Quán càphê nổi tiếng mang tên Sài Gòn Givral

- Thương xá Tax

- Hàng cây trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng,

- Dãy nhà Shophouse hình ống của người Hoa, theo phong cách Nam Trung Hoa ở đường Trần Văn Kiểu

- Nhà đèn Chợ Quán

- Chợ gạo đầu tiên của Sài Gòn, chợ Trần Chánh Chiếu

- Một số tháp nước hình nấm

- Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm

- Cầu Nhị Thiên Đường

- Vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn

TP.HCM điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc

Khu đô thị Tây Bắc có quy mô hơn 6.084 ha thuộc địa bàn xã Tân Thới Nhì của huyện Hóc Môn và xã Tân An Hội, xã Phước Hiệp, thị trấn Củ Chi, xã Tân Phú Trung, xã Tân...

Theo Đình Trường - Anh Tú/Laodong.vn
Bạn đang đọc bài viết "TPHCM "mất trắng" 18 địa danh: Không phải cứ thích là phá, là đập" tại chuyên mục Đời sống. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.