Chuyến bay vừa diễn ra sáng nay là cột mốc quan trọng chứng minh khả năng phóng nhiều vệ tinh của công ty Arianespace có trụ sở ở Pháp
Tên lửa đẩy bốn tầng Vega của Arianespace cất cánh vào lúc 8h51 sáng 3/9 theo giờ Hà Nội từ Trung tâm Vũ trụ Guiana ở Nam Mỹ, mang theo 53 vệ tinh của 21 đối tác khác nhau từ 13 quốc gia lên quỹ đạo.
Sứ mệnh mang tên VV16 là chuyến bay đầu tiên của tên lửa Vega kể từ vụ phóng thất bại vào ngày 10/7/2019, khiến cả tên lửa và vệ tinh quan sát Trái Đất FalconEye1 của UAE bị mất tích. Nguyên nhân được xác định là do sự cố kết cấu nhiệt ở động cơ Z23 cung cấp năng lượng cho tầng 2 của tên lửa.
Trong chuyến bay lần này, vấn đề đã được khắc phục và mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Vụ phóng là một cột mốc quan trọng đánh dấu lần ra mắt đầu tiên của thiết bị phân phối vệ tinh SSMS của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Các quan chức từ ESA cho biết SSMS được thiết kế để biến các mẫu tên lửa châu Âu như Vega trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho khách hàng muốn phóng cùng lúc nhiều vệ tinh cỡ nhỏ lên quỹ đạo, cạnh tranh trực tiếp với tên lửa tái sử dụng Falcon 9 của SpaceX.
"Sứ mệnh VV16 cho thấy cam kết của chúng tôi trong nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận không gian để phục vụ các tổ chức châu Âu, củng cố ngành công nghiệp vũ trụ và phát triển nền kinh tế", Renato Lafranconi, Giám đốc Chương trình khai thác Vega tại ESA, nhấn mạnh.
Thiết bị phân phối vệ tinh SSMS bao gồm hai phần. Trong chuyến bay lần này, phần trên chứa 7 vệ tinh nặng 15 - 150 kg và phần dưới chứa 46 vệ tinh mini có hình lập phương với độ dài cạnh chỉ từ 2,5 đến 60 cm.
Tất cả 53 vệ tinh đã được triển khai vào quỹ đạo sau một giờ 45 phút. Chúng sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau từ quan sát Trái Đất, cung cấp dịch vụ viễn thông, đến thử nghiệm công nghệ.
Tên lửa đẩy Vega cao 30 m, được thiết kế để vận chuyển các vệ tinh có trọng lượng vừa và nhẹ. Trước khi gặp sự cố đầu tiên với FalconEye1, thiết bị đã thực hiện 14 vụ phóng thành công liên tiếp kể từ khi ra mắt vào tháng 2/2012.