Phố tên Hàng có từ bao giờ?

Đăng bởi Thu Trang

05/11/2020 23:32

Trong một cuốn sách, nhà truyền giáo Filippo de Marini đến Thăng Long năm 1663 viết: “Ở đầu mỗi phố đều treo một tấm biển gỗ trên đó có ghi tên mặt hàng”. Tấm biển này do dân chúng buôn bán tự treo như một chỉ dẫn cho dân các tỉnh về Thăng Long mua bán. Tuy không phải là đơn vị hành chính nhưng đó là xuất xứ của phố tên Hàng sau này.

Hoài Đức phủ toàn đồ được biết tới như tấm bản đồ đầu tiên vẽ về Hà Nội bằng nguyên tắc họa đồ cận đại tiếp thu từ phương Tây, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam công bố ngày 24-9-2010. Để có tấm bản đồ này, người ta đã tổ chức đo đạc thực địa với phương pháp tiến bộ, có thể hiện tỷ lệ (1/500 trượng) với tính chính xác cao. Bản đồ được vẽ vào năm 1831 bởi hai tác giả Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến, trước thời điểm vua Minh Mạng cho nhập phủ Hoài Đức với trấn Sơn Nam thành tỉnh Hà Nội. Theo bản đồ này, diện tích Hà Nội năm 1831 là 28 dặm 77 trượng 4 thước, có 2 huyện là Thọ Xương và Vĩnh Thuận với 13 tổng cùng 247 phường, thôn, trại. Căn cứ vào Hoài Đức phủ toàn đồ, Hà Nội khi đó chưa có phố Hàng.

pho co ha noi nam o duong nao

Phố cổ Hà Nội là điểm đến du lịch vô cùng hấp dẫn du khách

Năm 1831, vua Minh Mạng tiến hành cuộc cải cách hành chính lớn, phân chia địa giới hành chính và đặt tên mới trên cả nước, phủ Hà Nội bị sáp nhập với một số khu vực khác thành tỉnh Hà Nội - gồm 4 phủ, 15 huyện. Trong số 15 huyện đó, huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận vẫn thuộc phủ Hoài Đức và “36 phố phường” đều nằm trong địa phận hai huyện này. Huyện Thọ Xương có 18 phường, gồm: Yên Thọ, Hà Khẩu, Báo Thiên, Đông Hà, Đồng Xuân, Đông Tác, Đông Các, Cổ Vũ, Xã Đàn, Đồng Lạc, Thái Cực, Diên Hưng, Khúc Phố, Phục Cổ, Phúc Lâm, Kim Hoa, Hồng Mai, An Xá. 18 phường của huyện Vĩnh Thuận là: Bích Câu, Quảng Bá, Thụy Chương, Yên Thái, Hòe Nhai, Tây Hồ, Nghi Tàm, Nhật Chiêu, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Yên Lãng, Công Bộ, Thạch Khối, Hồ Khẩu, Thịnh Quang, Yên Hoa và Quan Trạm. Trong 36 phường này có các phố chuyên bán một mặt hàng. Trong cuốn Lịch sử Hà Nội, nhà sử học người Pháp Philippe Papin giải thích từ phố bằng chữ Nôm có nghĩa là “nơi mua bán, là khu dân cư tập trung quanh khu vực bến thuyền”. Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, chữ “phố” nguyên nghĩa là chỗ bán hàng và phố có thể là một nhà bày bán hàng, dần dần phố có nghĩa là nơi có nhiều cửa hàng. Trong bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, tác giả Nguyễn Văn Uẩn giải thích: “Phường được sử dụng trong giấy tờ của nhà chức trách còn phố do dân gọi lâu mà thành, phố vẫn nằm trong phường”.

Phố hàng Mã ngày trung thu

Cũng theo Lịch sử Hà Nội, chức Trưởng phố xuất hiện từ năm 1850. Tuy nhiên, chỉ có thể xác định phố tên Hàng xuất hiện chính thức văn bản hành chính trong khoảng thời gian sau năm 1831 và trước năm 1850. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn (đời Tự Đức) chép, Hà Nội có 19 phố trong đó có 12 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”. Trong cuốn Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876 của Trương Vĩnh Ký cũng dùng chữ “phố” và Hà Nội khi đó gồm 21 phố: Hàng Buồm, Quảng Đông, Hàng Mã, Hàng Mâm, Báo Thiên, Phố Nam (Hàng Bè), Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Giày, Hàng Mây, Đồng Lạc, Thái Cực (Hàng Đào), Đông Hà (Hàng Hát), Phước Kiến (bán đồ đồng, đồ thiếc), Hàng Muối, Đồng Xuân, Thanh Hà, Hàng Gai, Hà Bao, Hàng Trà (chè), Quảng Minh Đình. Trong 21 phố có 13 phố bắt đầu bằng chữ Hàng.

Ghi chép của nhiều người Pháp từng đến hoặc sống tại Hà Nội giai đoạn 1875 - 1888 cho thấy, họ sử dụng từ “rue” (tiếng Pháp nghĩa là: Đường phố, phố). Tuy nhiên, bản đồ Hà Nội trong sách Đồng Khánh địa dư chí soạn vào đời vua Đồng Khánh năm 1888 lại chép Hà Nội có 36 phường mà không có phố, nghĩa là không có phố tên Hàng. Khi Pháp đánh thành Hà Nội năm 1882, sau đó chiếm Hà Nội năm 1883, Công sứ Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản để quản lý thành phố. Một nghị định đăng trong công báo ngày 21-4-1890 của Thống sứ Bắc Kỳ đã quy định chiều dài, chiều rộng, vỉa hè của các phố và nghị định này cũng chính thức sử dụng phố tên Hàng. Theo đó, Hà Nội năm 1890 có 67 phố và 4 đường, trong đó có 38 phố bắt đầu bằng chữ Hàng. Riêng Hàng Bông có hai phố là Hàng Bông phía đông và Hàng Bông phía tây; Hàng Chiếu cũng có 2 phố là Hàng Chiếu cói và Hàng Chiếu (sau là phố Jean Dupuis). 

Trong Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm có bài ca về phố nhưng chỉ có 32 phố Hàng, điều đó cho thấy bài ca này có thể ra đời trước khi có nghị định về phố của Thống sứ Bắc Kỳ.

Thực ra 36 phường chỉ có trong thời Lê. Đến thời vua Tự Đức, Hà Nội có tới 153 phường, thôn, trại. 36 là số đẹp nên “Hà Nội 36 phố phường” là cách nói mang tính biểu tượng. Thực tế còn nhiều phố Hàng nữa nhưng bị thay thế dần theo thời gian. Tính đến năm 2018, Hà Nội có 53 phố và ngõ bắt đầu bằng chữ Hàng.

Thu Trang
Nguồn Sưu tầm
Bạn đang đọc bài viết "Phố tên Hàng có từ bao giờ?" tại chuyên mục Việt Nam - Đất nước - Con người. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.