Continental và Majestic là hai khách sạn cổ nhất ở TP HCM, và cũng là hai trong top 5 khách sạn lâu đời nhất tại Việt Nam. Trong khi đó, dù xuất hiện muộn hơn một chút, khách sạn Grand Sài Gòn cũng được xem là khách sạn lâu đời của "Hòn ngọc Viễn Đông". Sau bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, lớp bụi thời gian không che lấp, mà ngược lại, đã làm ánh lên vẻ đẹp của ba công trình kiến trúc tiêu biểu theo phong cách Pháp tại thành phố này. Cả ba khách sạn cổ trứ danh của Sài Gòn - TP HCM đều tọa lạc trên trục đường Đồng Khởi ở những vị trí được xem là đẹp nhất thành phố.
Đối với phần lớn người dân thành phố và du khách, bên trong 3 khách sạn nổi tiếng xa hoa một thời vẫn còn chứa đựng nhiều bí mật. Thậm chí, nói như Marc PhillipYablonka, phóng viên chiến trường người Mỹ từng có nhiều năm làm việc tại Sài Gòn thời chiến tranh Việt Nam: "Nếu những bức tường của khách sạn Continental biết nói, chúng sẽ kể cho bạn rất nhiều điều". Câu này cũng có thể dùng để nói về hai khách sạn cổ còn lại.
Continental Sài Gòn: Nơi Graham Greene phóng bút viết cuốn "Người Mỹ trầm lặng"
Người ta đã dùng nhiều mỹ từ để nói về khách sạn hạng sang ra đời sớm nhất tại Sài Gòn nói riêng và của cả vùng Nam kỳ lục tỉnh nói chung này. Khởi thủy, đây là điểm dừng chân của giới thượng lưu từ Pháp du lịch đến các nước Đông Dương. Trong những năm thập niên 1960-1970, nó khoác lên mình tên gọi: "Đại Lục Lữ Quán".
Khách sạn được xây dựng vào năm 1878 và hoàn thành vào năm 1880. Thời điểm này gần như cùng lúc với sự xuất hiện của nhiều công trình kiến trúc mang phong cách Pháp nổi tiếng tại Sài Gòn thời bấy giờ như Nhà thờ Đức Bà (hoàn thành năm 1880), Bưu điện Sài Gòn (1886-1891) và Tòa Đô chánh Sài Gòn (1898-1909), nay là trụ sở UBND TP HCM.
Nằm ngay vị trí đắc địa ở khu vực trung tâm thành phố tại giao lộ Đồng Khởi và công trường Lam Sơn, dù có độ cao khiêm tốn chỉ với một tầng trệt và ba tầng lầu, khách sạn Continental Sài Gòn trông vẫn nổi bật với những ô cửa sổ duyên dáng, cột trụ phù điêu in đậm phong cách kiến trúc Pháp. Khách sạn đã được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật của TP HCM vào năm 2012.
Continental Sài Gòn từng đón tiếp nhiều chính khách, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng của thế giới đến thăm và lưu trú. Trong số này, không thể không nhắc đến nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore - giải Nobel Văn chương năm 1913; nhà văn người Pháp Andre Malraux; nhà văn người Anh Graham Greene - tác giả cuốn "Người Mỹ trầm lặng" nổi tiếng.
Căn phòng 214 giờ đây đã thành một phần quan trọng trong lịch sử của khách sạn Continental Sài Gòn khi từng là nơi ở và làm việc thường xuyên của nhà văn người Anh Graham Greene. Ông đã viết gần như toàn bộ tác phẩm nổi tiếng "Người Mỹ trầm lặng" trong thời gian lưu trú tại đây
Còn đây là phòng số 307 - nơi Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn thường lui tới và lưu trú một thời gian khá lâu. Tác phẩm điêu khắc tướng Phạm Xuân Ẩn do điêu khắc gia Lê Lang Biên thực hiện
Các chính khách tiếng tăm như Jacques Chirac - thị trưởng Paris đương thời, sau này là Tổng thống Pháp; Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad… cũng từng là những bậc thượng khách của khách sạn Continental Sài Gòn.
Bức tượng đồng cổ Napoleon cưỡi ngựa có từ thời ông Mathieu Franchini làm chủ khách sạn giai đoạn 1930-1955
Trải qua 140 năm, diện mạo kiến trúc của khách sạn Continental Sài Gòn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí bên trong đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris vào cuối thế kỷ XIX.
Khách sạn Continental Sài Gòn càng thêm nổi tiếng khi xuất hiện trong một số cảnh quay chính trong phim "Đông Dương" của đạo diễn Régis Wargnier, được công chiếu trên toàn thế giới vào năm 1992.
Khoảng sân vườn nằm ở giữa khách sạn, rộng tới 600 m2. Tại đây, có 3 cây sứ được trồng từ năm 1880, đến nay vẫn tươi tốt
Majestic Sài Gòn: Khách sạn 5 sao đầu tiên do người Việt tự đầu tư, quản lý
Được xây dựng vào năm 1925, đến nay, khách sạn đã tồn tại ngót 95 năm. Vào thời kỳ đầu tiên, khách sạn được thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp, sau đó được sửa chữa theo phong cách châu Âu thời Phục Hưng.