Viết thư xin việc – 8 điều nhất định nên tránh

Đăng bởi Duy Lâm

02/11/2020 22:21

Viết thư xin việc tốt có thể giúp bạn tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng và khiến bạn trở nên nổi bật so với những ứng viên khác. Bức thư đó nêu bật những thành tích, kỹ năng, các mục tiêu và nguyện vọng nghề nghiệp của bạn phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của công ty. Tuy nhiên, nếu được trình bày không tốt, thư xin việc có thể trở nên thừa thải và thậm chí còn khiến hồ sơ của bạn bị gạt bỏ.  

Hãy lưu ý tránh 8 sai lầm phổ biến dưới đây để thư xin việc không bị “mất điểm” mà ngược lại còn trở thành công cụ đắc lực, hỗ trợ cho việc ứng tuyển.

Thiếu nghiên cứu về công ty

Ngày nay với sự phát triển của internet, ứng viên tìm việc làm tại Hà Nội, TPHCM hay bất kỳ nơi nào khác có thể dễ dàng nghiên cứu về các công ty nơi họ nộp đơn ứng tuyển. Vì vậy, trước khi viết thư xin việc, hãy tìm hiểu tên đầy đủ của công ty, tên người quản lý tuyển dụng (nếu tên đó không được liệt kê trên bài đăng tuyển) đồng thời sử dụng thông tin này để đưa vào phần mở đầu của bức thư.

Nếu bỏ qua bước này, bạn đang cho thấy rằng bạn không thực sự quan tâm đến vị trí công việc đang ứng tuyển. Sai lầm đó có thể khiến nhà tuyển dụng sẵn sàng loại tên bạn ra khỏi quy trình tuyển dụng.

Nói quá nhiều về bản thân

Hãy coi thư xin việc như một lời chào hàng của bạn với nhà tuyển dụng. Nghĩa là, thay vì dành toàn bộ thời gian để nói về bản thân, về nguyện vọng của bạn, hãy xem xét nhu cầu của nhà tuyển dụng và khả năng của bạn có thể đáp ứng nhu cầu đó như thế nào.

Lời khuyên là, bạn nên đọc kỹ lại mô tả công việc đồng thời tìm hiểu thêm các tin tức mới nhất về công ty. Xác định điều nhà tuyển dụng thực sự cần là gì? Khi đó bạn có thể đưa ra những thành tích, kỹ năng… của bản thân phù hợp với yêu cầu công việc để thuyết phục nhà tuyển dụng.

Rập khuôn theo mẫu

Các nhà tuyển dụng có thể phát hiện ra một bức thư mẫu bất kể bạn cố gắng che giấu nó như thế nào. Một bức thư sao chép từ các thư xin việc mẫu tràn lan trên mạng sẽ khiến bạn trở thành kẻ lười biếng, hời hợt và mất điểm trầm trọng. Nếu bạn không hề quan tâm đến việc nghiên cứu về công việc và công ty, thì làm sao bạn có thể trở thành một nhân viên tận tâm được?

Lặp lại các thông tin trong CV

Hãy nhớ rằng, nhà tuyển dụng đã có CV của bạn, cho nên bạn không cần bê nguyên xi những gì đã được liệt kê trong CV khi viết thư xin việc. Trên thực tế, đây là lý do rất nhiều nhà tuyển dụng bỏ qua thư xin việc, bởi không ai muốn đọc một lá thư xin việc đơn thuần là tóm tắt bản CV.

Lỗi chính tả

Bất kỳ lỗi chính tả, lỗi đánh máy hoặc lỗi trình bày nào trong thư xin việc sẽ ngay lập tức tạo cho nhà tuyển dụng ấn tượng rằng bạn không chú ý đến chi tiết, lười biếng, kỹ năng giao tiếp kém hoặc vị trí này không thực sự quan trọng đối với bạn.

Do đó hãy nhớ đọc đi đọc lại thư xin việc của bạn sau khi viết xong để phát hiện ra và kịp thời sửa lỗi nếu có.

Quá dài dòng

Không một nhà tuyển dụng nào đủ thời gian và kiên nhẫn để đọc hết một bức thư xin việc dài lê thê hai ba trang giấy, dù thành tích của bạn có thực sự ấn tượng đến mức nào. Do đó, bạn hãy viết một cách ngắn gọn, chắt lọc những điều quan trọng nhất, với độ dài không được vượt quá một trang.

Đề cập đến việc bạn rời bỏ công việc trước đó

Tốt nhất là tránh nhắc đến bất cứ điều gì về việc rời bỏ công việc trước đây. Ngay cả khi đó không phải là lỗi của bạn, thì “nghỉ việc” cũng không nên là một nội dung được đề cập khi viết thư xin việc. Điều này không cần thiết và có thể khiến nhà tuyển dụng ngần ngại. Hơn nữa, thư xin việc đòi hỏi sự ngắn gọn. Nếu muốn giải thích về các khoảng trống trong quá trình làm việc của mình, bạn có thể trình bày tại buổi phỏng vấn của nhà tuyển dụng, nếu có cơ hội đó.

Quá phô trương hoặc quá tự ti

Thật không dễ dàng để cân bằng giữa việc thể hiện bản thân một cách tự tin, đồng thời vẫn được xem là khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu bạn quá hăng say chứng tỏ mình giỏi thế nào, có năng lực ra sao, “xuất sắc”, “đỉnh cao” trong lĩnh vực gì… bạn có thể trở thành kẻ phô trương và đánh mất thiện cảm chỉ với một bức thư xin việc. Ngược lại, nếu bạn tỏ ra tự ti, thường sử dụng các từ ngữ như “hy vọng”, “có thể”, “tôi nghĩ rằng” thay vì “tôi tin là”, “tôi đảm bảo”, bạn cũng sẽ bị “mất điểm” vì sự thiếu tự tin của mình. 

Do vậy, hãy cân nhắc sử dụng từ ngữ chừng mực, kể ra các thành tích của bản thân một cách bình thường khi viết thư xin việc. Tự bản thân chúng sẽ nói lên năng lực của bạn.

 

Duy Lâm
Bạn đang đọc bài viết "Viết thư xin việc – 8 điều nhất định nên tránh" tại chuyên mục Tư vấn. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.